Polyp đại tràng có khả năng chuyển thành ung thư đại tràng, nhất là loại polyp tuyến. Sinh thiết polyp đại tràng là một trong những xét nghiệm quan trọng giúp chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
Menu xem nhanh:
Vì sao cần sinh thiết polyp đại tràng?
Polyp đại tràng là những tổn thương nhỏ có hình dạng như những khối u xuất hiện tại đại tràng, phần dài nhất của ruột già và nằm áp cuối hệ tiêu hóa. Polyp đại tràng rất phổ biến, đặc biệt là đối với những người trên 50 tuổi.
Polyp đại tràng chia thành 2 loại là polyp tăng sản và polyp tuyến, trong đó polyp u tuyến (bao dạng ống tuyến, ống nhánh và dạng nhánh) có liên quan đến ung thư đại tràng nhiều hơn khi có tới 50% cơ khả năng chuyển thành ung thư.
Sinh thiết đại tràng được thực hiện như thế nào?
Sinh thiết đại tràng chủ yếu được thực hiện qua nội soi đại tràng. Trước khi nội soi đại tràng, bệnh nhân sẽ được làm sạch đại tràng bằng thuốc. Một ống nội soi mềm, đầu có gắn camera được đưa từ hậu môn lên để quan sát toàn bộ bên trong đại tràng, giúp phát hiện những tổn thương tại khu vực này cùng với các polyp (số lượng, vị trí, kích thước của chúng). Tùy từng trường hợp mà bác sĩ có thể chỉ định phương pháp cắt và số lượng lần cắt. Trường hợp bệnh nhân có nhiều khối polyp có thể tiến hành cắt 2 – 3 lần đến khi khối polyp được loại bỏ hoàn toàn.
Lựa chọn phương pháp cắt thích hợp chủ yếu dựa trên kích thước của polyp. Trường hợp polyp có kích thước lớn không thể cắt qua nội soi có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật.
- Polyp không có cuống, kích thước nhỏ chủ yếu được cắt bằng kìm sinh thiết nhiệt: bác sĩ sẽ đưa kìm sinh thiết vào đại tràng, quan sát trên màn hình khi đầu kìm sinh thiết đến gần polyp kìm sinh thiết sẽ được mở, bác sĩ đẩy kìm sinh thiết vào đúng vị trí polyp và đóng kìm sinh thiết và tiến hành bấm cắt khối polyp đó.
- Các polyp có cuống và kích thước tương đối chủ yếu được cắt kiểu blend để hạn chế tình trạng chảy máu.
Sau khi cắt polyp, mẫu bệnh phẩm sẽ được giữ lại gửi đến phòng xét nghiệm để xác định tính chất lành tính hay ác tính của khối u. Trường hợp khối u lành tính, bệnh nhân chỉ cần tái khám định kì theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp khối polyp có liên quan đến ung thư, bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số chẩn đoán hình ảnh như chụp X quang, cộng hưởng từ, cắt lớp vi tính… để xác định mức độ lan rộng của các tế bào ung thư, xác định giai đoạn bệnh.
Polyp đại tràng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư. Vì vậy, đối với bệnh nhân đã cắt bỏ polyp vẫn được khuyên nên chú ý đến khám sức khỏe và tầm soát ung thư đại trực tràng định kì.