Rò hậu môn không phải là khái niệm quá xa lạ. Tuy nhiên rất nhiều người không rõ bị rò hậu môn là thế nào? Có ảnh hưởng gì không và xử trí ra sao. Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc cho các bạn.
Menu xem nhanh:
1. Giải đáp rò hậu môn là thế nào
Rò hậu môn là hiện tượng nhiễm khuẩn ở vùng hậu môn trực tràng. Tình trạng này là mạn tính với các đường rò và các lỗ rò được hình thành trong 1 quá trình lâu dài. Đây là kết quả của các áp xe vùng hậu môn trực tràng bị vỡ ra. Do đó, có thể thấy áp xe và rò hậu môn là cùng 1 tình trạng với 2 giai đoạn khác nhau. Áp xe là tình trạng cấp tính, còn rò hậu môn đã chuyển sang giai đoạn mạn tính. Để không xảy ra rò hậu môn thì cần điều trị ngay từ các khối áp xe.
2. Biến chứng do rò hậu môn gây ra
– Biến chứng nhiễm trùng: Rò hậu môn có thể gây nên tình trạng lở loét, sưng mủ ở vùng hậu môn. Lượng vi khuẩn ngày càng nhiều ở vùng hậu môn dẫn đến nhiễm trùng. Nhiễm trùng vùng hậu môn gây đau đớn, giảm sức đề kháng. Người bệnh mệt mỏi, thiếu máu, xanh xao, có thể nguy hiểm tính mạng nếu nhiễm trùng máu.
– Đường rò và lỗ rò lây lan mạnh: Khi các khối áp xe bị vỡ ra mà không được xử lý, đường rò và lỗ rò hình thành ngày càng nhiều. Vùng xung quanh hậu môn bị viêm nhiễm, hậu môn gặp trở ngại khi thực hiện chức năng co bóp. Từ đó, việc đi đại tiện trở nên khó khăn, đau đớn. Tình trạng ngày càng khó điều trị.
– Có nguy cơ gây ung thư trực tràng: Khi đường rò và lỗ rò lây lan, có thể lan rộng ra các cơ quan khác như trực tràng bàng quang, âm đạo, niệu đạo… Các cơ quan đều bị ảnh hưởng, làm gia tăng nguy cơ bị ung thư trực tràng.
– Sức khỏe tinh thần sa sút, chất lượng cuộc sống giảm: Rò hậu môn khiến người bệnh luôn cảm thấy đau đớn, khó chịu. Từ đó dẫn đến tình trạng tinh thần đi xuống, tự ti và khó chịu. Người bệnh không thể tập trung làm việc, học tập, quan hệ vợ chồng lạnh nhạt…
3. Chẩn đoán, điều trị rò hậu môn
3.1. Chẩn đoán rò hậu môn là thế nào
Để chẩn đoán rò hậu môn, đầu tiên bác sĩ sẽ quan sát bằng mắt thường khu vực hậu môn. Bác sĩ sẽ tìm kiếm các lỗ rò, đường rò ở trên da. Sau khi xác định được đường rò, bác sĩ sẽ xác định độ sâu và hướng đi của đường rò. Kiểm tra tình trạng xem có biến chứng, mưng mủ gì hay không để có hướng xử trí phù hợp.
Đối với các lỗ rò, đường rò không thể quan sát bằng mắt thường, các xét nghiệm sau được chỉ định:
– Cần nội soi để nhìn rõ bên trong vùng hậu môn trực tràng
– Đường rò sẽ được quan sát kỹ qua siêu âm hoặc chụp MRI
– Gây mê kiểm tra lỗ rò
– Kiểm tra sự liên quan giữa các bệnh lý bằng các xét nghiệm máu, chụp X – quang… Từ đó có thể biết rò hậu môn có liên quan gì đến bệnh Crohn hay viêm ruột hay không.
3.2. Điều trị rò hậu môn
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị dứt điểm rò hậu môn. Một số loại thuốc sẽ được chỉ định để làm giảm bớt các triệu chứng khó chịu, đau rát do rò hậu môn gây ra. Giải pháp hiệu quả nhất điều trị rò hậu môn đó là phẫu thuật điều trị bệnh. Phẫu thuật cần đáp ứng:
– Tìm được hết các lỗ rò và đường rò phía trong
– Lấy hết được các tổ chức xơ, ngăn chặn được đường rò lây lan
– Tránh làm ảnh hưởng đến cơ thắt vùng hậu môn
– Lựa chọn phương pháp mổ phù hợp với tình trạng và cơ địa của người bệnh
– Chú ý chăm sóc sau mổ
Tùy thuộc tình trạng, phương pháp phẫu thuật là khác nhau đối với các trường hợp cụ thể, thông thường:
– Các lỗ rò không gần với vùng hậu môn thường được bác sĩ cắt da và cơ bao quanh đường rò. Từ đó, vết thương sẽ được chữa lành từ phía trong.
– Các lỗ rò phức tạp và có mưng mủ, đầu tiên bác sĩ sẽ đặt ống seton để dẫn lưu dịch ra ngoài. Sau khi hoàn tất quá trình dẫn lưu và xác định không còn mưng mủ, bệnh nhân mới được tiến hành phẫu thuật. Quá trình này có thể mất tầm 6 tuần.
– Vị trí của lỗ rò cũng ảnh hưởng đến việc lựa chọn cắt ở vị trí nào. Có một số trường hợp lỗ rò nằm ở vị trí các cơ vòng đóng, mở hậu môn. Phẫu thuật này sẽ có độ khó hơn và bác sĩ cần thực hiện thao tác chính xác để tránh ảnh hưởng đến chức năng cơ vòng. Nếu ảnh hưởng, sẽ dẫn đến đi đại tiện không tự chủ.
3.3. Sau phẫu thuật
Sau phẫu thuật, hầu như tình trạng bệnh nhân đều trở lại bình thường. Bác sĩ sẽ có chỉ định một số loại thuốc mềm phân, nhuận tràng trong thời gian đầu để giúp người bệnh đỡ khó chịu. Ngâm hậu môn trong nước ấm sạch cũng là phương pháp được khuyến khích để làm dịu cơn đau sau phẫu thuật. Cần tuân thủ các quy định chăm sóc sau mổ để vết thương chóng lành.
Khối áp xe và các lỗ rò nếu điều trị đúng cách thì sẽ không tái phát. Điều quan trọng là người bệnh cần duy trì dinh dưỡng lành mạnh, vận động hằng ngày để cải thiện hệ tiêu hóa. Từ đó, giảm áp lực lên vùng hậu môn – trực tràng và không còn bị ám ảnh bởi các lỗ rò, đường rò hậu môn.