Tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng là một trong những phương pháp điều trị sỏi công nghệ cao áp dụng cho sỏi niệu quản ít sang chấn, không đau, mau phục hồi. Nhiều bệnh nhân được chỉ định thực hiện điều trị bằng kỹ thuật này, vậy quy trình nội soi tán sỏi niệu quản diễn ra như thế nào và có những lưu ý gì khi tiến thành tán sỏi, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Tán sỏi nội soi niệu quản và những ưu điểm
Tán sỏi niệu quản bằng kỹ thuật nội soi ngược dòng là một kỹ thuật tân tiến, cho phép loại bỏ sỏi hoàn toàn qua đường tự nhiên của cơ thể là đường ống dẫn và đào thải nước tiểu. Cụ thể là toàn bộ quá trình nội soi tìm sỏi và bắn phá sỏi bằng năng lượng laser đều diễn ra thông qua đường ống tự nhiên của con người.
Với nguyên lý hoạt động như vậy nên người bệnh:
– Hoàn toàn không phẫu thuật, không có tác động của dao kéo, không có sẹo, không chảy máu ngoài da.
– Ít đau, niêm mạc niệu quản gần như không có tổn thương.
– Rút ngắn nhiều thời gian nằm viện, thời gian phục hồi. Chỉ khoảng sau 24-48h là được ra viện và sau khoảng 1 tuần là cơ thể trở về bình thường, vận động làm việc nặng mà không xảy ra vấn đề.
– Hiệu quả điều trị cao, sạch sỏi chỉ trong một lần tán sỏi nội soi niệu quản.
– Không ảnh hưởng đến chức năng thận và những cơ quan lân cận sau điều trị.
Với kỹ thuật nội soi niệu quản ngược dòng để tán sỏi, phương pháp này có hiệu quả đối với sỏi niệu quản ⅓ giữa, sỏi niệu quản ⅓ dưới. Và thậm chí có thể xử lý sỏi niệu quản ⅓ trên khi sử dụng ống soi mềm để nội soi ngược dòng tán sỏi.
2. Toàn bộ quy trình cơ bản thực hiện nội soi tán sỏi niệu quản bằng laser
2.1 Chuẩn bị trước khi tiến thành quy trình nội soi tán sỏi niệu quản
Trước khi tiến hành tán sỏi thì quá trình chuẩn bị là bước rất quan trọng để giúp đảm bảo người bệnh đủ khả năng tán sỏi, và đồng thời quá trình tán sỏi diễn ra thuận lợi nhất. Do vậy người bệnh sẽ cần thực hiện một số việc sau đây:
– Thực hiện các xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chụp X-Quang, CT hệ tiết niệu và các xét nghiệm khác nếu có dựa vào yêu cầu của bác sĩ.
– Cung cấp đầy đủ các thông tin về bệnh lý khác nếu có, các loại thuốc đang sử dụng, tiền sử bệnh, dị ứng với các thành phần của thuốc nếu có…
– Ký cam kết thực hiện tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng.
– Tuân thủ những hướng dẫn về kiêng cữ như nhịn ăn, uống, ngưng sử dụng thuốc trước tán sỏi theo yêu cầu của bác sĩ.
2.2 Quy trình nội soi tán sỏi niệu quản bằng laser
Bước 1: Ekip bác sĩ chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ cho quá trình tán sỏi. Bệnh nhân được đưa vào phòng tán sỏi nằm trên bàn phẫu thuật.
Bước 2: Tiến hành gây mê hoặc gây tê tủy sống cho người bệnh. Điều chỉnh tư thế người bệnh nằm sao cho phù hợp và dễ dàng thao tác lấy sỏi ra ngoài nhất.
Bước 3: Sau khi đã được gây mê hoặc gây tê theo đúng và đủ thời gian quy định, bác sĩ sẽ bắt đầu nội soi ngược dòng. Thực hiện đưa máy nội soi từ lỗ tiểu vào niệu đạo, tới bàng quang và đi lên niệu quản.
Bước 4: Dựa trên hình ảnh thu được từ máy nội soi tìm sỏi. Sau đó bác sĩ sẽ đưa dây dẫn năng lượng laser vào bắn phá viên sỏi thành những mảnh vụn nhỏ.
Bước 5: Hút gắp sỏi ra ngoài, kiểm tra lại toàn bộ niệu quản, đặt sonde JJ và kết thúc quá trình tán sỏi. Sonde JJ niệu quản sẽ được rút ra tùy vào thời gian chỉ định của bác sĩ, có thể là 3 – 7 ngày hoặc 2 tuần.
Bước 6: Bệnh nhân được chuyển về phòng điều trị, nằm theo dõi tại viện khoảng 1-2 ngày tùy vào tình trạng sức khỏe sau tán sỏi.
2.3 Những điều cần làm và lưu ý sau tán sỏi nội soi niệu quản
Trong thời gian sonde JJ lưu trong cơ thể
Có một số lưu ý người bệnh cần quan tâm sau khi tán sỏi niệu quản bằng kỹ thuật nội soi ngược dòng sử dụng sóng laser:
– Nếu xuất hiện các triệu chứng đau nhẹ dọc vùng hông lưng bên có sỏi, tiểu có lẫn máu và sẽ hết trong một vài lần đi tiểu thì người bệnh có thể yên tâm nghỉ ngơi và theo dõi thêm.
– Nếu trình trạng đau trở nên gắt hơn, nước tiểu đậm màu máu, không nhạt dần sau nhiều lần đi tiểu, sốt cao, ớn lạnh thì nên nhanh chóng trở lại viện kiểm tra để xử lý biến chứng nếu có.
– Trong thời gian sonde JJ vẫn còn trong cơ thể người bệnh nên hạn chế vận động mạnh, chạy nhảy, chỉ nên đi lại nhẹ nhàng, nghỉ ngơi hợp lý để tránh làm xô lệch, cọ xát sonde JJ vào niêm mạc niệu quản.
– Khi có đơn thuốc được bổ sung sử dụng sau tán sỏi, bạn cũng nên uống theo đúng hướng dẫn để tăng hiệu quả điều trị, hạn chế những triệu chứng hoặc biến chứng xảy ra.
– Đặc biệt người bệnh cần đến đúng lịch trình rút sonde JJ bởi sonde JJ để lâu trong cơ thể hoặc quên rút có thể làm tăng nguy cơ hình hình sỏi, tạo điều kiện cho sỏi bám dính.
Sau khi đã rút sonde JJ niệu quản
Sau khi bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân hoàn toàn ổn định, sonde JJ niệu quản sẽ được rút khỏi hệ tiết niệu. Lúc này người bệnh cần tự chủ động bảo vệ sức khỏe, phòng tránh sỏi quay lại bằng cách:
– Thăm khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/ lần để điều chỉnh kịp thời lối sống hạn chế tái phát sỏi hoặc để phát hiện sỏi sớm giúp điều trị bằng những cách đơn giản nhẹ nhàng nhất.
– Luôn uống nhiều nước, đảm bảo đủ nước cho cơ thể bằng cách theo dõi màu sắc của nước tiểu. Nếu nước tiểu có màu vàng trong nghĩa là bạn đã uống đủ nước, ngược lại nếu nước tiểu có màu vàng sậm nghĩa là bạn cần bổ sung thêm nước ngay lập tức.
– Nên hạn chế uống rượu bia, chất kích thích, đồ uống công nghiệp, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, hạn chế ăn quá nhiều đường, nhiều muối, nhiều thực phẩm giàu oxalate.
– Không nên nhịn tiểu lâu và liên tục, nên vận động luyện tập thể dục hàng ngày để quá trình bài tiết diễn ra thuận lợi, các chất cặn thải được nhanh chóng đào thải ra bên ngoài.
Những lời khuyên kể trên người bệnh nên thực hiện ngay cả khi sonde JJ vẫn lưu trong cơ thể. Chỉ lưu ý khi sonde JJ niệu quản vẫn chưa được rút người bệnh nên vận động nhẹ nhàng, lựa chọn các cách vận động thư giãn nhẹ nhàng phù hợp với sức khỏe. Ngược lại khi ống sonde đã được đưa ra bên ngoài, cơ thể đã trở về trạng thái khỏe mạnh, bạn không nên lười vận động mà hãy chọn môn thể thao hoặc bài tập phù hợp như: Chạy bộ, đạp xe, aerobic, yoga, gym, boxing, cầu lông, bơi lội…
3. Kết luận
Tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng bằng laser là một phương pháp tán sỏi công nghệ hiện đại có hiệu quả cao cho người bệnh. Để thực hiện tán sỏi niệu quản thành công, theo quy trình tiêu chuẩn người bệnh nên tìm đến những cơ sở y tế chất lượng, đặt chữ tín lên hàng đầu. Ngoài ra ngay khi phát hiện các triệu chứng của sỏi niệu quản, sỏi tiết niệu, cần nên nhanh chóng đi thăm khám và điều trị. Việc phát hiện sỏi sớm, sỏi chưa gây những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe, người bệnh càng có nhiều cơ hội để thực hiện điều trị bằng những phương pháp nhẹ nhàng, mau chóng phục hồi sức khỏe nhất.