Bệnh gout dễ gặp ở nam giới tuy nhiên không phải bệnh không gặp ở nữ giới vì thế phụ nữ tuyệt đối không được chủ quan với bệnh gout (gút).
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân nào khiến phụ nữ mắc gout?
Theo các chuyên gia, trong thời kỳ mãn kinh (trung bình từ 51 tuổi trở lên), cơ thể của người phụ nữ cắt giảm sản xuất hormone estrogen. Estrogen có thể giúp thận bài tiết acid uric, do đó sau khi mãn kinh, estrogen giảm dẫn đến nồng độ axit uric trong máu của người phụ nữ bắt đầu tăng lên. Sau vài năm, mức độ acid uric đạt đến điểm mà các tinh thể có thể hình thành gây ra bệnh gout. Khoảng 60 tuổi, số lượng các trường hợp bệnh gout ở phụ nữ và nam giới cân bằng nhau; sau 80 tuổi, phụ nữ mắc gout nhiều hơn nam giới.
Một nguyên nhân nữa khiến phụ nữ cũng có thể mắc bệnh gout là do nữ giới có thói quen uống nhiều nước ngọt. Điều này cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout. Một nghiên cứu khoa học ở Mỹ cho thấy, phụ nữ uống mỗi ngày một cốc nước cam ép sẽ làm tăng 70% nguy cơ mắc bệnh gout.
2. Phụ nữ bị bệnh gout nguy hiểm hơn nam giới
Nguyên nhân đầu tiên là do nữ giới thường khá chủ quan với bệnh lý này. 90% bệnh gout gặp ở nam giới và chỉ 10% gout xảy ra ở nữ giới. Bệnh gout xuất hiện ở nữ giới âm thầm và ít dữ dội hơn nam giới nhưng lại dễ bị nổi các cục tophi hơn. Điều này khiến người bệnh dễ bỏ qua các dấu hiệu ban đầu của bệnh và khi đã bị nặng rồi lại dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm khớp hay thoái hóa khớp, dẫn đến hướng điều trị sai và điều trị muộn, gây ra những hậu quả và biến chứng nặng nề cho bệnh nhân gout như: Biến dạng tay chân, viêm cầu thận, suy thận…
Chẩn đoán sớm và điều trị đúng là cách tốt nhất kiểm soát bệnh gout. Khi thấy những dấu hiệu sưng, đỏ và đau không đối xứng ở tay, ngón chân cái, mắt cá chân… thì nên đi khám và kiểm tra chỉ số acid uric máu.
Phụ nữ bị bệnh gút có nhiều khả năng cũng mắc các bệnh khác kèm theo như huyết áp cao, tiểu đường, bệnh thận và bệnh tim mạch. Điều này có thể làm cho điều trị bệnh gút khó khăn và trầm trọng hơn. Ví dụ, thuốc lợi tiểu dùng điều trị huyết áp cao làm tăng nguy cơ bệnh gút. Ngoài ra, chức năng thận suy giảm, đào thải acid uric kém dẫn đến tăng acid uric máu và hạn chế trong các phương pháp điều trị. Đồng thời, bệnh nhân gout nên giảm tối đa thức ăn nhiều đạm gốc purin, giảm calorie, giảm chất béo, uống nhiều nước và dùng sản phẩm hỗ trợ giảm acid uric máu.
Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh gout, người bệnh sẽ được các bác sĩ chỉ định phương pháp chữa trị dựa vào tình trạng tiến triển của bệnh. Một số loại thuốc sẽ được chỉ định trong điều trị cơn gút cấp bao gồm là thuốc chống viêm không Steroid (NSAID). Bên cạnh đó, ta có thể sử dụng một số thuốc như colchicine (chú ý colchicine có nhiều phản ứng phụ) dùng 2-3 lần / ngày, dùng càng sớm càng tốt. Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ không tự ý điều chỉnh thuốc. Hơn nữa, bệnh nhân cần điều chỉnh chế độ ăn uống theo những lưu ý của bác sĩ điều trị.