Thoát vị đĩa đệm ở trẻ em tuy hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra trong quá trình sinh hoạt thường ngày. Vận động quá sức, mang vác đồ nặng, ngồi học sai tư thế,… đều có thể trở thành nguyên nhân vô tình khiến hệ xương khớp bị tổn thương. Việc phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời có ý nghĩa quan trọng trong việc hồi phục chức năng vận động của trẻ.
Menu xem nhanh:
1. Thoát vị đĩa đệm không phổ biến ở trẻ em
Thoát vị đĩa đệm là một loại bệnh lý xương khớp, chỉ xuất hiện khi vòng xơ của đĩa đệm bị tổn thương hoặc rách. Tình trạng này khiến nhân nhầy bên trong đĩa đệm thoát ra ngoài, chèn ép vào rễ thần kinh, đồng thời gây ra các triệu chứng đau đớn và tê bì. Nếu không được chữa trị kịp thời, thoát vị đĩa đệm có thể khiến người bệnh từ khỏe mạnh trở thành tàn phế, bại liệt.
Bộ Y tế thống kê có tới 30% bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Nếu như trước đây, thoát vị đĩa đệm thường được biết đến là căn bệnh của người già, thì hiện nay bệnh xuất hiện nhiều ở lứa tuổi 20. Tuy hiếm gặp, nhưng bệnh có thể xuất hiện ở cả trẻ nhỏ, gây ra không ít phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày và làm hạn chế khả năng vận động ở trẻ.
2. Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm ở trẻ em
Ở trẻ nhỏ, quá trình hình thành và phát triển xương khớp diễn ra nhanh theo từng giai đoạn. Cha mẹ có thể nhận thấy sự thay đổi rõ rệt về chiều cao và cân nặng của trẻ trong suốt quá trình trưởng thành. Trước khi hệ thống xương có thể ổn định hoàn toàn, nhiều yếu tố được chỉ ra là nguyên nhân khiến trẻ bị thoát vị đĩa đệm. Cụ thể:
– Trẻ có dị tật bẩm sinh ở cột sống, ví dụ như hẹp ống sống, cong vẹo cột sống, gai ống sống.
– Trẻ gặp chấn thương do tai nạn hoặc va đập mạnh vào cột sống. Điều này có thể xảy ra trong quá trình trẻ vận động mạnh hoặc chơi thể thao sai kỹ thuật.
– Những thói quen không tốt hàng ngày, bao gồm ngồi học sai tư thế, đeo cặp sách quá nặng, sử dụng điện thoại trong thời gian dài,… khiến các đốt sống chịu nhiều áp lực, lâu ngày gây ra tổn thương vĩnh viễn.
– Ở trẻ béo phì, hệ xương khớp còn non nớt dễ bị tổn thương khi gánh chịu áp lực của toàn bộ cơ thể. Thay vì chiều chuộng theo sở thích ăn uống của trẻ, cha mẹ nên theo dõi và kiểm soát cân nặng nhằm đảm bảo sức khỏe cho con.
– Bên cạnh đó, cha mẹ nên chú ý chế độ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn uống hàng ngày của trẻ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các loại thức ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp, nước có ga,… đều không tốt cho hệ xương khớp và sự phát triển của trẻ.
3. Lời khuyên dành cho cha mẹ
3.1. Nhận biết thoát vị đĩa đệm ở trẻ em
Ở trẻ nhỏ, việc phát hiện bệnh thường gặp nhiều khó khăn vì trẻ không thể mô tả rõ ràng triệu chứng, hay thậm chí giấu bệnh vì tâm lý sợ đi bệnh viện. Tốt nhất, cha mẹ nên dành thời gian lắng nghe con trẻ nhiều hơn để có cơ hội phát hiện bệnh từ sớm. Ở trẻ bị thoát vị đĩa đệm sẽ có những triệu chứng sau đây:
– Xuất hiện cơn đau âm ỉ ở các vùng hông, thắt lưng, chân, cổ vai gáy, bắp tay. Những cơn đau này có thể tăng lên khi trẻ vận động, cúi người hoặc ho. Ngược lại, cơn đau có thể tạm thời biến mất khi được nghỉ ngơi.
– Cảm giác tê bì, ngứa ran ở chân, có thể kèm theo cảm giác yếu cơ, khó cầm nắm hay vận động như bình thường. Một số trường hợp có cảm giác châm chích như kiến bò ở tay chân, khó phân biệt nóng lanh.
– Một trường hợp hiếm gặp là tình trạng thoát vị đĩa đệm chèn ép vào các dây thần kinh điều khiển bàng quang và ruột, khiến trẻ bị mất kiểm soát.
Nếu trẻ thấy đau khi đột ngột thay đổi tư thế đứng, nằm, ngồi hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì cha mẹ không nên chủ quan. Hãy kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.
3.2. Đi khám bác sĩ ngay nếu có nghi ngờ
Dù ở bất kỳ độ tuổi nào thì thoát vị đĩa đệm cũng gây cản trở trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, bệnh có nguy cơ tiến triển và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm:
– Rối loạn khả năng vận động do các cơn đau ập đến, gây cản trở quá trình vận động.
– Mất cảm giác ở vùng da xung quanh do đĩa đệm chèn ép lên các dây thần kinh gây tê bì.
– Rối loạn cơ tròn làm mất kiểm soát việc đại, tiểu tiện.
– Teo cơ, bại liệt nếu không được điều trị đúng cách, khiến tình trạng bệnh kéo dài dẫn đến cơ bắp mất sức, teo dần.
Chính bởi mức độ nguy hiểm do bệnh gây ra, các chuyên gia y tế khuyến cáo cha mẹ cần theo dõi trẻ sát sao. Nếu có triệu chứng bất thường, hãy kịp thời đưa trẻ đến gặp bác sĩ để khám và tư vấn, điều trị. Hiện tại, có một số phương pháp chẩn đoán thoát vị đĩa đệm là chụp X-quang, chụp MRI, điện cơ đồ.
Trường hợp phát hiện trẻ mắc bệnh, bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng hiện tại để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Một số phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm phổ biến là điều trị bằng thuốc (giảm đau, chống viêm, giãn cơ), các bài tập vật lý trị liệu giúp cải thiện độ linh hoạt của cột sống và tăng sức mạnh cơ bắp. Nếu bị thoát vị đĩa đệm nặng, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật nhằm ngăn chặn biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.
3.3. Cách phòng ngừa thoát vị đĩa đệm ở trẻ em
Song song với thăm khám và điều trị, cha mẹ nên lưu ý một số cách sau đây để giúp trẻ phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh hoặc tái phát bệnh. Cụ thể:
– Tránh mang vác vật nặng, hoạt động mạnh sai tư thế.
– Duy trì cân nặng hợp lý.
– Tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức mạnh cơ bắp và cải thiện độ linh hoạt của cột sống.
– Chế độ dinh dưỡng cân bằng, ăn uống đầy đủ dưỡng chất.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên chú ý đến tư thế của trẻ khi học tập, vui chơi để tránh các tác động không tốt đến cột sống. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn cần thêm bất kỳ tư vấn nào về căn bệnh thoát vị đĩa đệm.