Ung thư buồng trứng và cổ tử cung đều bắt đầu ở hệ thống sinh sản của nữ giới, nhưng chúng bắt đầu ở các cơ quan khác nhau. Bởi vì cả hai căn bệnh này đều ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản nên ung thư buồng trứng và cổ tử cung có thể gây ra một số triệu chứng giống nhau. Tuy nhiên cũng có một số triệu chứng ung thư buồng trứng khác đối với ung thư cổ tử cung.
Menu xem nhanh:
1. Ung thư buồng trứng và ung thư cổ tử cung
1.1 Vị trí hình thành khối u nguyên phát
Ung thư buồng trứng và ung thư cổ tử cung ảnh hưởng đến hai cơ quan khác nhau trong hệ thống sinh sản của nữ giới. Ung thư buồng trứng bắt đầu ở buồng trứng, hoặc ống dẫn trứng, nằm ở hai bên tử cung. Ung thư cổ tử cung bắt đầu ở cổ tử cung, là vị trí chật và hẹp giữa tử cung và âm đạo.
Buồng trứng và cổ tử cung được kết nối theo nhiều cách, tuy nhiên các triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh của mỗi loại ung thư này có thể khác nhau.
1.2 Nguyên nhân gây bệnh
Chưa rõ chính xác nguyên nhân gây ung thư buồng trứng, tuy nhiên có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng ở chị em phụ nữ đó là:
– Có tiền sử các nhân mắc ung thư vú; có tiền sử gia đình mắc một số bệnh ung thư, đặc biệt là ở độ tuổi trẻ bao gồm: Ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư đại trực tràng.
– Có những thay đổi di truyền làm tăng nguy cơ ung thư chẳng hạn như thay đổi gen BRCA1 hoặc BRCA2.
– Bị lạc nội mạc tử cung, thừa cân béo phì
– Phụ nữ sử dụng liệu pháp thay thế hormone sau mãn kinh…
Nguyên nhân chính gây bệnh ung thư cổ tử cung được xác minh là do virus HPV. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết, trên 9 trong 10 trường hợp ung thư cổ tử cung là do virus HPV gây ra. Ung thư cổ tử cung cũng có các yếu tố thúc đẩy tăng nguy cơ hình thành bệnh đó là:
– Tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư cổ tử cung (mẹ, chị em gái)
– Hút thuốc lá
– Có nhiều bạn tình hoặc quan hệ tình dục lần đầu ở độ tuổi còn trẻ
– Đang mắc các bệnh lây qua đường tình dục
– Chị em phụ nữ dùng thuốc tránh thai trong thời gian dài…
2. Phân biệt triệu chứng ung thư buồng trứng và ung thư cổ tử cung
2.1 Triệu chứng giống nhau của ung thư buồng trứng và cổ tử cung
Ung thư buồng trứng và ung thư cổ tử cung không gây ra các triệu chứng điển hình cho đến khi chúng bắt đầu xâm lấn đến các tế bào lân cận. Ở giai đoạn sớm của hai loại ung thư phụ khoa này, nhiều người không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào.
Hai loại bệnh ung thư này có một số triệu chứng chung bao gồm:
– Có tình trạng chảy máu bất thường giữa các chu kỳ kinh nguyệt
– Chu kỳ kinh nguyệt dài hơn và nặng hơn bình thường
– Chảy máu sau khi mãn kinh
– Dịch tiết âm đạo bất thường
– Đau vùng chậu
– Đau khi quan hệ tình dục
2.2 Triệu chứng khác nhau của ung thư buồng trứng và cổ tử cung
Ung thư buồng trứng có một số triệu chứng khác với ung thư cổ tử cung bao gồm chướng bụng và cảm thấy nhanh no sau khi ăn, tiểu thường xuyên hoặc khẩn cấp.
Các triệu chứng tiềm ẩn khác của ung thư buồng trứng đó là: Mệt mỏi, đau lưng, giảm cân nhanh không rõ nguyên nhân, khó tiêu, táo bón,…
Trong khi đó ở ung thư cổ tử cung, các triệu chứng khác biệt so với triệu chứng ung thư buồng trứng đó là: Dịch tiết âm đạo có chứa máu hoặc mùi khó chịu, có máu trong nước tiểu, khó tiểu, sưng ở chân, mệt mỏi, táo bón, khó tiêu…
3. Dự phòng ung thư buồng trứng và ung thư cổ tử cung
3.1 Phát hiện bệnh sớm, gia tăng cơ hội điều trị thành công
Như đã đề cập ở phần trước các triệu chứng của ung thư buồng trứng và ung thư cổ tử cung thường không rõ ràng ở giai đoạn sớm, vì vậy thực hiện thăm khám phụ khoa định kỳ, tầm soát ung thư sớm có những đối tượng có yếu tố nguy cơ cao là đặc biệt quan trọng. Việc này sẽ giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, gia tăng cơ hội điều trị thành công.
Tỷ lệ sống tương đối 5 năm của ung thư buồng trứng được ước tính là khoảng 93% và ung thư cổ tử cung là khoảng 92% nếu ở giai đoạn khu trú. Trái lại khi ung thư ở giai đoạn muộn, đã di căn thì tỷ lệ sống tương đối 5 năm của 2 căn bệnh ung thư buồng trứng và ung thư cổ tử cung lần lượt là khoảng 31% và 17%.
3.2 Cách giúp giảm nguy cơ gặp 2 căn bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới
Một số cách giúp giảm nguy cơ gặp 2 căn bệnh ung thư phụ khoa này đó là:
– Nên thăm khám phụ khoa định kỳ, theo dõi các triệu chứng, những dấu hiệu bất thường nếu có và báo chi tiết lại cho bác sĩ trong quá trình thăm khám.
– Phụ nữ trong độ tuổi 21 đến 65 tuổi nên thực hiện xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Thực hiện xét nghiệm tìm kiếm virus HPV định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
– Chủ động bảo vệ bản thân khỏi virus HPV bằng cách tiêm vắc xin HPV
– Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, hạn chế số lượng bạn tình khi quan hệ tình dục
– Dừng hút thuốc, tránh khói thuốc
– Duy trì cân nặng khỏe mạnh, tập luyện thể dục, vận động thường xuyên, sử dụng một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm trái cây, rau củ, protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt…
Trên đây là các thông tin về triệu chứng ung thư buồng trứng, điểm giống và khác nhau đối với ung thư cổ tử cung, hi vọng bài viết mang đến các thông tin hữu ích và cần thiết cho bạn.