Thai ngoài tử cung, viêm vùng chậu cấp tính, viêm ruột thừa, bệnh lý cơ xương khớp… là những nguyên nhân phổ biến gây đau nhức vùng chậu ở chị em phụ nữ.
Đau vùng chậu thường gặp nhất ở ở lứa tuổi sinh sản. Nguyên nhân là đau bụng kinh do sự phóng thích Prosglandin quá mức từ tử cung. Ngoài ra, trong đau bụng kinh thứ phát hay gặp do lạc nội mạc tử cung.
Tham khảo thêm: nguyên nhân đau bụng trên rốn
Các nguyên nhân đau vùng chậu khác bao gồm:
- Thai ngoài tử cung: bệnh nhân thường có cơn đau vùng bụng dưới, thường đau 1 bên, phải hay bên trái, kèm ra huyết âm đạo dạng rong kinh, rong huyết. Khám bụng có thể có khối đau chói khi chạm ở cạnh bên tử cung. Siêu âm ngả âm đạo, thấy hình ảnh khối thai nằm ngoài buồng tử cung.
- Viêm vùng chậu cấp tính: bệnh nhân có các biểu hiện: đau nhiều vùng bụng dưới dữ dội, sốt cao, kèm dấu hiệu nhiễm trùng.
- Xoắn phần phụ: bệnh thường gặp ở lứa tuổi thành niên và lứa tuổi sinh sản do mạch máu nuôi bị xoắn. Bệnh nhân có những cơn đau dữ dội hoặc đau từng cơn, ban đầu giảm sau đó đau dữ dội hơn, kèm theo buồn nôn và nôn.
- Vỡ nang buồng trứng: cơn đau bụng do vỡ nang buồng trứng thường là đau cả vùng bụng dưới. Siêu âm thấy có dịch tự do trong ổ bụng, có khối u buồng trứng.
- Sảy thai: biểu hiện cơn đau bụng từng cơn vùng giữa hạ vị, kèm ra huyết âm đạo nhiều. Trước đó người bệnh có triệu chứng có thai, trễ kinh, siêu âm có hình ảnh túi thai trong tử cung và triệu chứng nghén.
- Viêm túi thừa hoặc ruột thừa: viêm túi thừa thường xuất hiện ở phụ nữ lớn tuổi. Triệu chứng ban đầu đau hố chậu trái hoặc hố chậu phải, sốt, tiêu chảy phân lẫn máu, ăn uống kém. Ở bệnh nhân viêm ruột thừa, bệnh nhân sẽ có những cơn đau bụng, ban đầu thường đau ở dưới mũi ức, sau đó lan xuống vùng hố chậu phải tương ứng với vùng túi quần tây thường mặc bên túi phải, ban đầu đau âm ỉ, về sau cơn đau tăng dần, kèm sốt, không đi tiêu được, chán ăn, buồn nôn.
- Viêm bàng quang: bệnh xuất hiện cơn đau nhiều vùng dưới rốn đi tiểu buốt, tiểu lắt nhắt, nước tiểu đục kèm theo sốt. Khám vùng bụng, ấn đau nhiều có đề kháng nhẹ. Xét nghiệm máu, bạch cầu tăng, xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu có nhiều bạch cầu, hồng cầu, có vi trùng.