Tiêm phòng sởi quai bị rubella cho người lớn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sức khỏe cho mỗi cá nhân, cũng như bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng khỏi tình trạng lây nhiễm các loại bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Vắc xin sởi – quai bị – rubella cho người trưởng thành và những điều cần biết
1.1. Tầm quan trọng của việc tiêm phòng sởi quai bị rubella cho người lớn
Việc tiêm phòng đầy đủ các loại bệnh giúp con người phòng tránh được việc mắc bệnh, đồng thời hạn chế lây lan bệnh giữa người với người. Bên cạnh đó, vắc xin còn giúp hạn chế khả năng xảy ra biến chứng của các bệnh. Theo đó, 3 loại bệnh sởi – quai bị – rubella đều là những loại bệnh dễ dàng lây lan qua con đường hô hấp hoặc tiếp xúc gần với người bị bệnh. Bệnh cũng có khả năng để lại những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng của con người. Đặc biệt là với đối tượng phụ nữ mang thai, nếu bị mắc bệnh tại thời điểm đó thì sẽ gây ảnh hưởng khó lường đến thai nhi như: dị tật bẩm sinh, sinh non,…Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo chúng ta cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin nói chung và vắc xin sởi – quai bị – rubella nói riêng.
1.2. Việc tiêm chủng sởi quai bị rubella cho người lớn giúp phòng tránh những bệnh lý nào?
1.2.1. Bệnh lý sởi
Sởi là bệnh lý dễ lây truyền qua đường hô hấp, hoặc tiếp xúc gần giữa người khỏe mạnh và người mắc bệnh. Bệnh có thời gian ủ trong cơ thể, và sẽ bắt đầu phát ra thành triệu chứng sau khoảng 7 – 21 ngày có tiếp xúc với mầm bệnh. Một số triệu chứng dễ nhận biết của bệnh sởi đó là: sốt cao, ho nhiều, hắt hơi,…Cho tới giai đoạn bệnh đã tiến triển nặng hơn thì cơ thể sẽ có những biểu hiện như: nổi ban khắp người, nổi nốt. Bệnh sẽ thực sự thuyên giảm khi các nốt mụn này dần biến mất. Bệnh sởi đặc biệt nguy hiểm ở đối tượng trẻ em – người có sức đề kháng yếu. Sau khi mắc bệnh sởi, cơ thể cũng bị ảnh hưởng, hệ miễn dịch suy giảm.
1.2.2. Bệnh lý quai bị
Quai bị cũng là một loại bệnh có thể phòng tránh được khi chúng ta tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Bệnh quai bị điển hình ở việc xuất hiện triệu chứng sưng to, sưng đau ở vùng quai hàm gần mang tai. Bên cạnh đó, bệnh còn đi kèm với những hiên tượng như: đau đầu, đau mỏi cơ khớp, mệt mỏi, gặp khó khăn khi nhai nuốt,…Bệnh lý quai bị đặc biệt nguy hiểm đối với đối tượng nam giới khi có thể để lại các biến chứng như: viêm tinh hoàn, sưng đau tinh hoàn. Đối với phụ nữ thì bệnh có thể sẽ để lại hệ quả: sưng buồng trứng, vô sinh,…
1.2.3. Bệnh lý rubella
Rubella cũng là một loại bệnh có sự tương đồng với bệnh sởi. Chúng biểu hiện ra bên ngoài với các triệu chứng đó là: nổi ban khắp người, sốt từ nhẹ cho tới sốt cao, viêm khớp, mệt mỏi,…Bệnh rubella đặc biệt rất nguy hiểm khi phụ nữ mang thai mắc phải. Chúng sẽ khiến cho thai nhi có nguy cơ cao gặp phải bệnh rubella dạng bẩm sinh, chậm phát triển về thể chất lẫn trí tuệ, một số dị tật bẩm sinh,…
1.3. Phác đồ tiêm chủng của mũi vắc xin sởi – quai bị – rubella cho người lớn
Đối với loại vắc xin này, người lớn trưởng thành cần tiêm tổng cộng 2 mũi:
– Mũi tiêm 1: có thể thực hiện vào bất cứ thời gian nào cơ thể khỏe mạnh, đủ điều kiện tiêm chủng
– Mũi tiêm thứ 2: nên tiêm cách mũi tiêm đầu tiên ít nhất 1 tháng sau đó.
– Đối với phụ nữ trước khi có kế hoạch mang thai nên thực hiện tiêm chủng xong 2 mũi vắc xin trước khi có thai ít nhất 3 tháng.
2. Những đối tượng nào chống chỉ định tiêm phòng vắc xin sởi – quai bị – rubella
– Những người có tiền sử bị dị ứng với các hoạt chất trong vắc xin.
– Phụ nữ đang có bầu không nên tiêm phòng vắc xin 3 bệnh này. Nên có kế hoạch chủ động tiêm phòng vắc xin này trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.
– Người có tiền sử bị dị ứng với thuốc Neomycin cũng không nên tiêm vắc xin này phòng sởi – quai bị – rubella.
– Đối tượng đang bị sốt hoặc ho, viêm đường hô hấp nên tạm hoãn việc tiêm vắc xin cho tới lúc khỏe hơn.
– Những bệnh nhân đang trong quá trình điều trị bệnh lao chưa khỏi.
– Bệnh nhân đang mắc các bệnh lý liên quan tới hệ miễn dịch, đang trong quá trình sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
– Người mắc các bệnh lý liên quan tới u, bệnh lý bạch cầu, các loại hạch,..
– Người có khối u ác tính hoặc đang sử dụng phương pháp xạ trị, hóa trị điều trị bệnh.
– Người bị mắc bệnh HIV, AIDS, các bệnh gây ảnh hưởng xấu, làm giảm gamaglobulin trong máu.
– Trong gia đình có người từng bị mắc các bệnh liên quan tới hệ miễn dịch, suy giảm miễn dịch bẩm sinh.
3. Một số phản ứng phụ của vắc xin phòng sởi – quai bị – rubella
Các triệu chứng sau đây có thể xảy ra đối với tùy người, phụ thuộc vào cơ địa cũng như hệ miễn dịch của mỗi người:
– Hiện tượng sưng đỏ, đau rát hoặc hơi tấy tại vết tiêm cũng như xung quanh vị trí tiêm. Những phản ứng này có thể xảy ra hoặc không, trong trường hợp xảy ra thì chúng có thể tự thuyên giảm và biến mất sau khoảng 1 vài ngày sau tiêm.
– Hiện tượng sốt sau tiêm cũng có thể sẽ gặp phải đối với loại vắc xin phòng sởi – quai bị – rubella này. Đi kèm với sốt có thể sẽ xuất hiện thêm ban đỏ.
– Một số phản ứng phụ hiếm gặp của vắc xin sởi – quai bị – rubella đó là: căng cứng tại khu vực tiêm, đau họng. buồn nôn, tiêu chảy,…
– Các phản ứng phụ khác có thể xuất hiện như: nổi mề đay, khó thở, đau mỏi cơ khớp, co thắt phế quản,…
4. Một số lưu ý sau tiêm vắc xin phòng sởi – quai bị – rubella
– Không nên thực hiện tiêm nhiều loại vắc xin cùng một lúc. Nên tiêm cách các mũi. Hoặc khám sàng lọc trước tiêm để xin ý kiến tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
– Không được thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng 3 bệnh ít nhất là 3 tháng sau khi tiêm huyết thanh miễn dịch immunoglobulin.
– Nên lựa chọn cơ sở tiêm chủng có chuẩn bị sẵn sàng các phương án cấp cứu đối với các trường hợp sốc phản vệ sau tiêm.
– Phụ nữ đang trong thời gian cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiêm để đảm bảo an toàn cho em bé.
– Những người có mẫn cảm với lòng đỏ trứng gà cũng nên cân nhắc trước khi tiêm vắc xin này bởi vắc xin này được nuôi cấy và nghiên cứu trên phôi gà.
Trên đây là những thông tin chi tiết về vắc xin sởi quai bị rubella dành cho người lớn. Nếu quý khách hàng cần tư vấn thêm thông tin, vui lòng liên hệ với tổng đài của Thu Cúc TCI để được hỗ trợ.