Polyp đại trực tràng là một hoặc nhiều khối u thường lành tính, phát triển từ niêm mạc đại trực tràng. Đây là căn bệnh khá phổ biến và có xu hướng tăng gần đây.
Menu xem nhanh:
1. Polyp đại trực tràng là gì?
Polyp đại trực tràng hình thành khi có sự tăng sinh bất thường tại niêm mạc đại trực tràng. Dẫn tới sự hình thành các khối u lồi trong lòng ruột già với kích thước khác nhau. U càng lớn càng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, gây ra những tác động khác nhau cho cơ thể. Thông thường, polyp đại tràng là u lành tính. Tuy nhiên nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng như chảy máu tiêu hóa, tắc ruột hoặc thậm chí là ung thư.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra polyp đại tràng. Đột biến ở một số gen khiến tế bào phân chia ngay cả khi không cần thiết ở trực tràng hình thành nên polyp. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
– Đột biến gen: Sự tăng trưởng tế bào bất thường do gen bị đột biến trong ruột già là nguyên nhân chủ yếu hình thành nên polyp.
– Tuổi tác: Độ tuổi là yếu tố tác động đến sự hình thành các khối u. Có hơn 90% trường hợp người bệnh polyp đại trực tràng trên 50 tuổi. Nam giới có tỷ lệ bệnh cao hơn nữ giới.
– Di truyền: Di truyền đóng một phần không nhỏ đến sự bất thường của niêm mạc đại trực tràng. Người có gia đình hoặc người thân mắc bệnh là đối tượng khuyến cáo nên kiểm tra polyp trực tràng khi bước sang tuổi 50.
– Nguyên nhân khác: Người béo phì, ít vận động, nghiện thuốc lá, nghiện rượu… có nguy cơ bị bệnh cao. Ngoài ra còn có nhóm nguy cơ người mắc bệnh Crohn, viêm đại trực tràng, tiểu đường tuýp 2…
3. Phân loại polyp đại trực tràng thường gặp
3.1 Polyp tuyến
Phần lớn polyp là polyp tuyến, trong đó polyp tuyến nhỏ hơn 1,5cm chiếm đến 90%. Nguy cơ mắc ung thư đại tràng phụ thuộc vào kích thước polyp (> 2cm) và có thành phần nhung mao hay không.
Polyp tuyến được chia làm 3 loại: Tuyến ống, tuyến nhung mao và tuyến ống – nhung mao.
3.2 Polyp răng cưa
Polyp đại trực tràng nằm ở đoạn cuối đại tràng và trực tràng là polyp răng cưa nhỏ, kích thước nhỏ, tròn không cuống thì hiếm khi tiến triển ác tính.
Polyp răng cưa lớn, thường là phẳng (không cuống), khó phát hiện và nằm ở đoạn đầu đại tràng có nguy cơ trở thành ung thư.
3.3 Polyp viêm
Polyp viêm có thể xuất hiện sau khi người bệnh bị viêm loét đại tràng, bệnh Crohn. Mặc dù polyp không phải vấn đề lớn nhưng nếu người bệnh đã mắc 2 bệnh trên thì sẽ tăng nguy cơ ung thư đại tràng.
3.4 Polyp di truyền
Người bệnh có gia đình tiền sử bị polyp đại tràng thường cũng xuất hiện polyp. Ngoài ra còn biểu hiện bệnh ở bộ phận khác trong cơ thể. Nếu người bệnh có gen đột biến di truyền thì nguy cơ ung thư sẽ tăng cao hơn.
4. Cách chẩn đoán polyp
Để chẩn đoán phát hiện polyp trực tràng hay các dấu hiệu ung thư trực tràng, người bệnh sẽ được thăm khám bệnh sử. Đồng thời người bệnh có thể được chỉ định một số phương pháp sau:
– Nội soi đại tràng: Nội soi là cách tốt nhất để đánh giá đại tràng. Nội soi cho phép bác sĩ nhìn rõ toàn bộ niêm mạc đại tràng. Đồng thời loại bỏ hầu hết các polyp được tìm thấy. Nội soi có thể được thực hiện bằng ống soi cứng hoặc mềm. Phương pháp này vừa quan sát, vừa sinh thiết để kiểm tra đó là u lành hay ác trong trường hợp cần thiết.
– Một số kỹ thuật kiểm tra khác: Xét nghiệm phân để tìm máu, soi đại tràng sigma, chụp X-quang có thuốc cản quang, chụp CT scanner. Nếu một trong các xét nghiệm này có biểu hiện nghi ngờ polyp thì cần nội soi để loại bỏ ngay.
5. Phòng ngừa và điều trị polyp đại trực tràng
Những người có polyp tuyến có nguy cơ phát triển ung thư sẽ được nội soi theo dõi. Khoảng 25-30% các trường hợp polyp đại trực tràng xuất hiện lại 3 năm sau khi phẫu thuật cắt polyp ban đầu.
Một số polyp có thể đã có mặt trong lần đầu nhưng quá nhỏ nên bác sĩ không phát hiện ra, Các polyp mới khác cũng có thể đã phát triển. Sau khi polyp được loại bỏ, nội soi đại tràng lặp lại được khuyến nghị sau nội soi ban đầu 5 năm. Thời gian này phụ thuộc vào các yếu tố: Đặc điểm vi mô của polyp, số lượng và kích thước polyp…
5.1 Phòng ngừa polyp đại trực tràng
Mặc dù không xác định nguyên nhân polyp đại tràng nhưng có thể giảm nguy cơ polyp phát triển bằng cách:
– Ăn nhiều hoa quả, trái cây
– Kiểm soát cân nặng, tránh đồ ăn béo
– Ăn nhiều thực phẩm chứa canxi như sữa, pho mát…
– Hạn chế thuốc lá, rượu bia.
– Thực hiện khám và sàng lọc polyp – ung thư đại trực tràng với người trên 50 tuổ, người có tiền sử gia đình bị bệnh.
5.2 Điều trị polyp đại trực tràng
Khi phát hiện polyp hình thành từ ruột già đến trực tràng, bác sĩ khuyên người bệnh nên cắt bỏ để hạn chế biến chứng. Việc cắt bỏ polyp qua nội soi được áp dụng phổ biến. Đây là phương pháp tiên tiến mang lại hiệu quả điều trị cao mà lại an toàn cho người bệnh.
Với số lượng polyp nhiều và gây ra biến chứng, việc điều trị có thể tiến hành thông qua phẫu thuật. Người bệnh có polyp ác tính, có nguy cơ lan rộng cần được kiểm tra dưới kính hiển vi. Việc này để xác định loại mô và khả năng bị ung thư. Nếu polyp ác tính có sự xâm lấn sâu, bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ ruột già. Đây là biện pháp loại bỏ hoàn toàn phần ruột hình thành polyp. Việc điều trị polyp cần được thực hiện tại cơ sở y tế uy tín, đảm bảo an toàn. Phòng tránh các rủi ro hậu phẫu thuật nếu có.
Để giảm nguy cơ polyp đại trực tràng và phòng ngừa bệnh tiến triển nặng, người bệnh nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe. Chuyên khoa Tiêu hóa Hệ thống Y tế Thu Cúc là địa chỉ uy tín chuyên thăm khám và điều trị các bệnh về tiêu hóa. Với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm cùng máy móc hiện đại đáp ứng nhu cầu khách hàng. Để được đặt lịch và thăm khám, quý khách vui lòng liên hệ tới Hotline của bệnh viện hoặc đặt trực tuyến trên website tại đây.