Hiện nay, tán sỏi bàng quang là một trong những phương pháp điều trị phổ biến mang lại hiệu quả cao. Vậy tán sỏi bàng quang tiến hành ra sao, có nguy hiểm gì không… Mọi thắc mắc sẽ được chúng tôi giải đáp trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Những triệu chứng cảnh báo bệnh sỏi bàng quang
– Bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau phần bụng dưới. Do viên sỏi lăn qua lăn lại trong bàng quang khiến người bệnh có cảm giác đau, khó chịu. Viên sỏi có cạnh sắc nhọn càng gây lên triệu chứng đau dữ dội.
– Bệnh nhân đi tiểu bị ngắt quãng, tiểu buốt. Đây là tình trạng người bệnh đang đi tiểu thì đột ngột dòng nước tiểu bị dừng lại. Đồng thời người bệnh có cảm giác bị đau buốt khi đi tiểu.
– Bệnh nhân đi tiểu có màu đục, tiểu lẫn máu và mùi hôi. Triệu chứng này phản ánh tình trạng sỏi bàng quang gây viêm nhiễm nặng. Viên sỏi di chuyển, cọ xát vào niêm mạc bàng quang gây chảy máu, nhiễm trùng bàng quang khiến nước tiểu có mùi hôi, màu đục.
2. Khi nào có chỉ định tán sỏi bàng quang
Sỏi bàng quang gây ra nhiều khó chịu như đau bụng, tiểu rắt, tiểu buốt… Vì vậy khiến việc can thiệp loại bỏ sỏi ra khỏi cơ thể rất cần thiết. Phương pháp tán sỏi bàng quang được ưu tiên hàng đầu vì những ưu điểm vượt trội.
Những trường hợp được chỉ định tán sỏi bàng quang bao gồm:
– Sỏi bàng quang có kích thước lớn (thường sỏi lớn hơn 2cm).
– Sỏi bàng quang đã được điều trị bằng thuốc nhưng không hiệu quả.
– Người bệnh có sỏi bàng quang đồng thời có những dị tật đường tiết niệu như hẹp niệu đạo, có túi thừa bàng quang…
Để thực hiện loại bỏ sỏi khỏi bàng quang, người bệnh cần đến bệnh viện uy tín. Bởi đây là một trong những kỹ thuật khó đòi hỏi trình độ cao của bác sĩ và trang bị máy móc tiên tiến.
Không áp dụng được phương pháp tán sỏi bàng quang khi:
– Người bệnh bị sỏi bàng quang nhưng có rối loạn về đông máu.
– Người bệnh bị sỏi bàng quang nhưng hẹp niệu đạo, niệu quản.
– Những người có sỏi bàng quang nhưng đang bị viêm đường tiết niệu nặng.
3. Những điều cần biết về phương pháp tán sỏi bàng quang
Hiện nay để can thiệp loại bỏ sỏi bàng quang, bệnh nhân được chỉ định phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng. Đây là phương pháp tán sỏi theo đường tự nhiên với nhiều ưu điểm. Bác sĩ sử dụng thiết bị nội soi tán sỏi đưa theo đường niệu đạo lên bàng quang. Sau đó, sử dụng năng lượng laser tán vỡ sỏi thành nhiều mảnh nhỏ. Với những mảnh sỏi to, bác sĩ sử dụng dụng cụ để gắp bắt sỏi ra ngoài, những mảnh sỏi nhỏ sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể theo đường tiểu.
3.1. Quy trình thực hiện tán sỏi bàng quang nội soi ngược dòng
Quá trình thực hiện gồm 5 bước cụ thể như sau:
Bước 1: Bác sĩ thăm khám cho người bệnh, chỉ định thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để xác định vị trí, kích thước của sỏi. Nếu người bệnh đáp ứng được với tán sỏi ngược dòng có thể thực hiện ngay.
Bước 2: Người bệnh được đưa vào phòng tán sỏi, bác sĩ tiến hành gây tê tủy sống và hướng dẫn nằm tư thế nằm sản khoa.
Bước 3: Bác sĩ tiến hành thực hiện tán sỏi. Ông nội soi dưới hướng dẫn của camera trên màn hình được đưa vào bàng quang qua niệu đạo để tiếp cận vị trí có sỏi.
Bước 4: Năng lượng laser ở thiết bị tán sỏi sẽ phá vỡ sỏi nhỏ vụn. Sau đó, mảnh sỏi lớn được bác sĩ thao tác gắp đưa ra ngoài bằng dụng cụ chuyên dụng. Mảnh sỏi nhỏ hơn có thể thoát ra khỏi cơ thể khi bệnh nhân đi tiểu.
Bước 5: Sau khi hoàn tất tán sỏi (trung bình 1 ca tán sỏi từ 30 đến 50 phút) người bệnh được đưa về phòng điều trị để theo dõi. Người bệnh có thể ra viện sau 24 giờ nếu không có bất thường.
Như vậy, quy trình tán sỏi bàng quang ngược dòng diễn ra rất nhanh chóng và tiết kiệm thời gian.
3.2. Những ưu điểm vượt trội của của phương pháp tán sỏi bàng quang
Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser điều trị hiệu quả bệnh sỏi bàng quang với nhiều ưu điểm vượt trội:
– Tán sỏi hiệu quả theo đường tự nhiên, không mổ, không lo sẹo xấu.
– Tán sạch sỏi chỉ trong 1 lần thực hiện, kể cả viên sỏi có kích thước lớn.
– Bệnh nhân không đau trong quá trình thực hiện do không xâm lấn vào cơ thể.
– Thời gian thực hiện tán sỏi rất nhanh, chỉ khoảng từ 30 đến 50 phút.
– Người bệnh chỉ cần lưu viện khoảng 1 ngày nên tiết kiệm chi phí tối đa.
3.3. Biến chứng tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser có thể xảy ra
Cũng giống như bất kỳ các can thiệp ngoại khoa khác, tán sỏi có thể gây ra một vài biến chứng như:
– Gây tổn thương niệu đạo, bàng quang do tia laser bị lan hoặc bắn nhầm vị trí.
– Tán sỏi không thành công khiến người bệnh phải chuyển sang mổ mở.
Tán sỏi nội soi ngược dòng là một kỹ thuật khó, đòi hỏi trình độ chuyên môn của bác sĩ. Do đó, để hạn chế biến chứng, người bệnh cần lựa chọn bệnh viện tốt có đội ngũ bác sĩ giỏi và trang bị máy móc hiện đại.
4. Hướng dẫn chăm sóc người bệnh sau thực hiện tán sỏi
Để nhanh phục hồi, tránh tái phát sỏi sau khi thực hiện tán, người bệnh cần duy trì chế độ sinh hoạt và ăn uống khoa học. Điều này giúp giảm sức ép tới bàng quang và các cơ quan khác của hệ tiết niệu.
– Uống đủ nước (ít nhất là 2 lít nước cho cơ thể) mỗi ngày. Cần tuyệt đối tránh nhịn tiểu để không giữ nước tiểu quá lâu trong cơ thể gây lắng đọng hình thành sỏi.
– Ăn nhiều loại rau xanh và trái cây để cung cấp chất xơ và vitamin cho cơ thể, giúp người bệnh tránh táo bón, giảm áp lực cho cơ quan bài tiết như thận, gan…
– Bổ sung thường xuyên các loại trái cây có tác dụng tốt giúp hạn chế tạo sỏi như cam, bưởi, dứa…
– Nên thực hiện thói quen ăn nhạt, hạn chế nêm nếm khi nấu ăn. Tránh ăn các loại thực phẩm nhiều muối như cá khô, thịt nguội, nước mắm…
– Không nên uống các loại nước ngọt, nước có ga, tránh trà, cà phê, thuốc lá…
– Hạn chế thực phẩm thịt đỏ từ động vật và nội tạng.
– Thực hiện tái khám định kỳ theo chỉ định để kịp thời phát hiện những bất thường.
Bài viết trên đã cung cấp cho đọc giả những kiến thức hữu ích về phương pháp tán sỏi bàng quang. Hy vọng, với những hiểu biết này, người bệnh sẽ có sự chọn lựa và chuẩn bị tốt nhất để điều trị sỏi bàng quang hiệu quả.