Nhiễm trùng đường hô hấp là nhóm bệnh lý rất phổ biến trong cộng đồng. Bệnh có thể tự khỏi nhưng cũng có thể diễn tiến nặng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh qua bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Nhiễm trùng đường hô hấp là gì?
Nhiễm trùng đường hô hấp là nhóm bệnh xảy ra do xuất hiện tình trạng viêm nhiễm ở các cơ quan hô hấp, bao gồm đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới.
– Các nhiễm trùng ở đường hô hấp trên: Viêm amidan, viêm xoang, viêm mũi dị ứng, viêm họng, viêm thanh quản, viêm tai giữa, các bệnh cảm lạnh, cảm cúm thông thường.
– Các nhiễm trùng ở đường hô hấp dưới: Viêm phổi, viêm phế quản, viêm khí quản, viêm tiểu phế quản,…
Sự xâm nhập của vi khuẩn, virus là nguyên nhân chủ yếu khiến đường hô hấp bị nhiễm trùng. Trong đó các loại vi khuẩn, virus chủ yếu gây bệnh này là:
– Phế cầu: Một loại vi khuẩn gây bệnh viêm màng não, có thể kích hoạt một số bệnh đường hô hấp, nhất là viêm phổi.
– Adeno virus: Virus Adeno bao gồm hơn 50 loại khác nhau có thể gây các nhiễm trùng hô hấp như cảm lạnh, viêm phế quản và viêm phổi.
– Rhino virus: Virus này thường là tác nhân gây ra cảm lạnh. Hầu hết các trường hợp bệnh ở thể nhẹ. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ, người già, bệnh có thể diễn tiến trầm trọng hơn và gây nguy hiểm.
2. Triệu chứng nhiễm trùng hô hấp đáng lưu ý
Các triệu chứng viêm, nhiễm trùng hô hấp khá đa dạng, biểu hiện phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh và mức độ bệnh. Các triệu chứng nhiễm trùng hô hấp thường gặp nhất là:
2.1 Ho – Triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp thường xuất hiện đầu tiên
Đây là một trong những triệu chứng đầu tiên xuất hiện ở hầu hết ở các bệnh nhân bị nhiễm trùng ở đường hô hấp. Bệnh nhân có thể ho thành cơn hoặc liên tục, ho khan hoặc ho có đờm kèm theo nhiều biểu hiện khác.
2.2 Sổ mũi, chảy nước mũi
Thông thường, nếu nhiễm trùng có nguyên nhân do virus, dịch mũi sẽ chảy nhiều, trong, loãng, không có mủ và mùi hôi. Tình trạng này thường chỉ xảy ra trong những ngày đầu và giảm sớm khi bệnh đã được kiểm soát.
Ngược lại, nhiễm trùng do vi khuẩn thì dịch thường đặc, là dịch mủ màu vàng hoặc xanh, có mùi khó chịu. Dịch chảy ở mũi có thể gây nghẹt mũi, chảy xuống cuống họng gây ngứa, đau rát họng.
2.3 Nhiễm trùng đường hô hấp có thể gây sốt
Sốt là triệu chứng phổ biến ở các trường hợp viêm nhiễm. Thân nhiệt người bệnh có thể tăng cao, lên đến 39 – 40 độ C. Nếu sốt cao kéo dài không kiểm soát tốt có thể gây viêm kết mạc mắt, phát các nốt ban, mê man, mất nước,…
2.4 Rối loạn tiêu hóa
Triệu chứng rối loạn tiêu hóa do nhiễm trùng hô hấp thường gặp hơn ở trẻ nhỏ, bao gồm chán ăn, biếng ăn, nôn mửa sau ăn, rối loạn đại tiện,…
2.5 Khó thở
Khó thở là triệu chứng thường biểu hiện ở các trường hợp viêm nhiễm đường hô hấp dưới, nhất là ở những trẻ có sức đề kháng kém, bệnh tiến triển nhanh không được điều trị tốt. Các trường hợp xuất hiện chứng khó thở thì thường bệnh đã nặng và nguy hiểm.
2.6 Đau họng
Trong nhiễm trùng hô hấp, các tác nhân gây nhiễm trùng có thể tấn công gây tổn thường niêm mạc họng, khiến người bệnh đau ngứa, khó nuốt, khó nói chuyện.
3. Phương pháp chẩn đoán các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp?
Các triệu chứng lâm sàng là một “chỉ điểm” quan trọng giúp chẩn đoán các bệnh lý đường hô hấp. Tuy nhiên để xác định một cách chính xác, người bệnh cần thăm khám chuyên khoa hô hấp.
Trong khi khám hô hấp, bác sĩ sẽ khai thác các triệu chứng, khai thác tiền sử bệnh lý, thói quen sinh hoạt. Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ kiểm tra mũi, cổ họng, hơi thở của bệnh nhân, nghe tim phổi để kiểm tra xem có dịch và viêm trong phổi hay không.
Dựa vào quá trình khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân làm hoặc không các kỹ thuật sau:
– Xét nghiệm đờm
– Kiểm tra chức năng hô hấp phổi
– Chụp X-quang hoặc chụp CT scan phổi
– Đo độ bão hòa oxy
4. Điều trị nhiễm trùng hô hấp
Hiện nay có nhiều virus không có cách chữa khỏi. Bác sĩ chỉ có thể kê thuốc để giúp giảm bớt các triệu chứng trong khi virus phát triển.
Nếu nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm để xác định loại vi khuẩn và chỉ định các loại kháng sinh phù hợp.
Bệnh nhân cần thực hiện đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ để có thể đạt hiệu quả điều trị tối ưu, tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
5. Phòng ngừa nhiễm trùng hô hấp bằng cách nào?
Người bệnh cần thực hiện các biện pháp tại nhà để giảm nguy cơ nhiễm trùng hô hấp, bao gồm:
– Tránh tiếp xúc với nguồn bệnh, những người đang mắc bệnh đường hô hấp hoặc có biểu hiện nghi ngờ
– Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc các tác nhân gây bệnh
– Thường xuyên rửa tay, sát khuẩn, đặc biệt là sau khi bạn ở nơi công cộng
– Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn
– Luôn hắt hơi vào cánh tay áo hoặc khăn giấy, tránh lây lan bệnh cho người khác
– Tránh đưa tay lên mặt của mình, đặc biệt là mắt và miệng để ngăn chặn các vi khuẩn lây nhiễm vào cơ thể
– Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, chống lại các loại bệnh tật
– Tập thể dục thường xuyên, giúp cơ thể dẻo dai và ngăn sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh
– Thăm khám thường xuyên để kiểm tra sức khỏe, tầm soát các bệnh lý đường hô hấp.
Trên đây là những thông tin về nhóm bệnh nhiễm trùng hô hấp và cách nhận biết, điều trị bệnh hiệu quả. Mỗi người nên chủ động phòng tránh các căn bệnh này. Nếu có bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ, hãy chủ động thăm khám chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.