Viêm đường ruột là bệnh lý đường tiêu hóa khá phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhiều người. Những tổn thương viêm ăn sâu vào các lớp thành ruột của bệnh, nếu để lâu không can thiệp sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu chung về viêm đường ruột – nguyên nhân và triệu chứng của bệnh
Viêm ruột gồm 2 bệnh lý là bệnh viêm ruột kết gây loét và bệnh Crohn.
Viêm ruột kết là căn bệnh gây viêm loét ở ruột già, vị trí nặng nhất thường nặng ở vùng trực tràng. Căn bệnh này gây tiêu chảy liên tục, phân thường có lẫn máu và nhầy do trực tràng bị tổn thương.
Bệnh Crohn thường gây viêm ở phần cuối của ruột non. Tuy nhiên, vị trí xuất hiện viêm loét của Crohn có thể ở bất cứ đâu trong ống tiêu hóa bao gồm từ khoang miệng đến tận hậu môn. Bệnh Crohn gây viêm, tổn thương sâu vào các lớp của thành ruột.
1.1. Nguyên nhân gây viêm đường ruột là gì?
Cho đến hiện nay, các chuyên gia y tế vẫn chưa kết luận được bệnh viêm ruột gây ra do nguyên nhân nào. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu thì bệnh có thể liên quan đến kết quả của đáp ứng miễn dịch.
Nhiều bằng chứng cho thấy, bệnh viêm ruột có khả năng được kích hoạt bởi rối loạn di truyền. Những rối loạn di truyền này khi gặp điều kiện thuận lợi, có thể là gặp 1 đợt virus tấn công, sẽ gây ra phản ứng bất thường của hệ miễn dịch đường tiêu hóa, làm cho khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể bị rối loạn, nó không chỉ tấn công các tác nhân có hại mà tấn công luôn cả các tế bào ruột khỏe mạnh gây ra viêm, loét.
1.2. Các triệu chứng nhận biết bệnh viêm đường ruột
Bệnh viêm ruột kết gây loét và bệnh Crohn có hai triệu chứng thường gặp nhất là tiêu chảy và đau bụng.
– Người bệnh bị tiêu chảy có thể xảy ra từ mức độ nhẹ đến vừa hoặc rất nghiêm trọng (có bệnh nhân đi ngoài hơn 10 lần/ngày). Tiêu chảy nhiều khiến cơ thể mất nước, rối loạn điện giải khiến tim đập nhanh và tụt huyết áp.
– Người bệnh thường xuyên bị đau bụng, đau có thể do triệu chứng tiêu chảy gây ra hoặc do vết viêm loét ở ruột tác động sinh ra cảm giác đau đớn. Cơn đau âm ỉ hay dữ dội còn phụ thuộc vào tình trạng viêm loét ruột nặng hay nhẹ.
– Ngoài tiêu chảy, người bệnh cũng có khả năng xuất hiện những đợt táo bón.
– Từ những triệu chứng về tiêu hóa khiến người bệnh mệt mỏi, khó ngủ, chán ăn, sụt cân, mất nước…
– Cơ thể người bệnh cũng có thể bị sốt do sự nhiễm trùng tại các tổn thương viêm loét.
– Một số bệnh nhân viêm ruột có thể xuất hiện viêm nhiễm ở các bộ phận khác của cơ thể, như viêm các khớp, viêm mắt, viêm da…
– Ở trẻ mắc bệnh viêm ruột khiến trẻ chậm lớn, cản trở quá trình dậy thì.
2. Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm đường ruột như thế nào?
2.1. Chẩn đoán bệnh viêm đường ruột
Bệnh viêm đường ruột có thể diễn qua nhiều năm nhưng có thể khó chẩn đoán do chúng không có các triệu chứng rõ ràng. Hoặc các triệu chứng nếu có biểu hiện lại thường giống với các bệnh lý rối loạn tiêu hóa khác. Để chẩn đoán chính xác bệnh lý viêm đường ruột, các bác sĩ sẽ căn cứ vào các chỉ định sau:
– Nội soi dạ dày đại tràng: Phương pháp này giúp chẩn đoán chính xác vị trí viêm loét cũng như mức độ viêm loét. Để thực hiện, bác sĩ dùng một ống soi mềm đi từ miệng hoặc mũi người bệnh (nội soi đường tiêu hóa trên) hoặc đi từ hậu môn (nội soi đường tiêu hóa dưới) vào bên trong đường tiêu hóa để quan sát toàn bộ đường tiêu hóa. Nội soi dạ dày đại tràng là một phương pháp an toàn, cung cấp những hình ảnh rõ nét và chính xác bên trong ống tiêu hóa. Thông qua nội soi, các bác sĩ có thể lấy mẫu sinh thiết giúp phát hiện chính xác tổn thương là viêm loét hay ung thư…
– Thực hiện các xét nghiệm máu để xác định chỉ số viêm nhiễm…
2.2. Điều trị viêm đường ruột như thế nào?
Các lựa chọn điều trị bệnh viêm ruột, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể dựa trên nhiều yếu tố như độ tuổi, tiền sử và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
2.2.1. Điều trị bệnh viêm ruột bằng thuốc
Các loại thuốc được sử dụng nhằm mục đích giảm tình trạng viêm nhiễm, đồng thời giúp cải thiện tình trạng đau bụng và tiêu chảy. Những trường hợp bệnh nhân có triệu chứng viêm loét ruột nặng hơn có thể phải dùng đến kháng sinh hoặc phối hợp các loại thuốc điều trị khác.
2.2.2. Điều trị bệnh viêm đường ruột bằng chế độ ăn uống và cung cấp Vitamin
– Những thay đổi tích cực trong chế độ ăn uống giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm ruột gây ra. Các chuyên gia y tế khuyên nên hạn chế sữa bò, các loại gia vị cay nóng hoặc thực phẩm có quá nhiều chất xơ sẽ tốt hơn. Ngoài ra, bạn cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn phù hợp với tình trạng của bản thân.
– Bổ sung một số loại Vitamin có thể giúp ngăn ngừa một số triệu chứng và duy trì sự thuyên giảm của bệnh. Bạn cần đến bác sĩ để được thăm khám và chỉ định bổ sung các vitamin thiếu hụt.
2.2.3. Điều trị bệnh viêm ruột bằng phương pháp phẫu thuật
Phương pháp phẫu thuật có thể được bác sĩ chỉ định nếu việc thay đổi chế độ ăn uống, lối sống và điều trị thuốc không làm giảm các triệu chứng của bệnh. Áp dụng phương pháp phẫu thuật bác sĩ có thể sẽ cắt bỏ một phần ống tiêu hóa bị tổn thương hoặc để đóng lỗ rò hay loại bỏ mô sẹo. Phẫu thuật giúp người bệnh giảm đau, giảm các triệu chứng ngay lập tức, nhưng chỉ mang lại kết quả tạm thời. Sau đó, bệnh viêm ruột thường sẽ tái phát ở những nơi khác trong ống tiêu hóa.
Với những chia sẻ trên của chúng tôi về bệnh viêm đường ruột sẽ giúp các bạn trang bị thêm nhiều thông tin hữu ích. Bệnh viêm đường ruột có thể gặp ở mọi lứa tuổi, là căn bệnh khá nguy hiểm vì ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, bạn cần thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt nếu nghi ngờ mắc bệnh.