Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong trường hợp không được điều trị kịp thời bệnh có thể gây các biến chứng nghiêm trọng như viêm loét, hẹp thực quản và thậm chí là ung thư thực quản. Cùng tìm hiểu mục tiêu điều trị trào ngược dạ dày thực quản và cách điều trị qua bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Đôi nét về bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Trào ngược dạ dày – thực quản (tên viết tắt: GERD) là một bệnh lý tiêu hóa phổ biến, xảy ra khi dịch dạ dày chảy ngược vào thực quản gây ra triệu chứng ợ nóng, ợ chua và khó tiêu.
GERD thường xảy ra do sự suy yếu hoặc rối loạn chức năng của cơ thắt dưới thực quản (LES). Cơ LES có vai trò như một van ngăn dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Khi cơ này không hoạt động đúng cách, axit từ dạ dày sẽ trào lên và gây kích thích niêm mạc thực quản.
Ngoài yếu tố cơ học liên quan đến cơ LES, còn có nhiều yếu tố khác góp phần gây trào ngược, bao gồm:
– Thói quen sinh hoạt: Chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn quá nhiều thức ăn chua, cay, nhiều dầu mỡ, uống rượu bia và hút thuốc lá.
– Stress và căng thẳng: Tình trạng căng thẳng kéo dài có thể làm tăng tiết axit dạ dày.
– Béo phì và mang thai: Áp lực trong ổ bụng tăng lên có thể gây ra hiện tượng trào ngược.
– Dùng thuốc: Một số loại thuốc như NSAIDs, thuốc chống trầm cảm và thuốc giãn cơ có thể làm yếu cơ LES.
2. Mục tiêu điều trị trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Mục tiêu chính của điều trị GERD là kiểm soát triệu chứng, bảo vệ niêm mạc thực quản khỏi các tổn thương do axit và ngăn ngừa các biến chứng. Cụ thể, các mục tiêu bao gồm:
2.1 Giảm triệu chứng – Một trong những mục tiêu điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Giảm hoặc loại bỏ các triệu chứng như ợ nóng, ợ chua, đầy bụng và khó tiêu để cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
2.2 Bảo vệ niêm mạc thực quản
Ngăn ngừa viêm loét, chảy máu hoặc hẹp thực quản bằng cách giảm tiếp xúc của thực quản với axit dạ dày.
2.3 Phòng ngừa biến chứng
Điều trị sớm và hiệu quả giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như viêm thực quản, Barrett thực quản và ung thư thực quản.
2.4 Cải thiện chất lượng cuộc sống – Mục tiêu điều trị trào ngược dạ dày thực quản lâu dài
Điều trị hiệu quả giúp bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường mà không bị ảnh hưởng bởi các triệu chứng khó chịu.
3. Các phương pháp chủ yếu trong điều trị trào ngược
Điều trị GERD đòi hỏi sự kết hợp giữa thay đổi lối sống, điều trị bằng thuốc và phẫu thuật trong một số trường hợp. Mỗi phương pháp điều trị đều có vai trò quan trọng và thường được sử dụng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.
3.1 Thay đổi dinh dưỡng và lối sống
Thay đổi lối sống là phương pháp điều trị nền tảng và rất quan trọng trong quản lý GERD. Các biện pháp thay đổi lối sống giúp cải thiện tình trạng trào ngược bao gồm:
– Chế độ ăn uống hợp lý: Hạn chế các thực phẩm gây kích thích trào ngược như thực phẩm có nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng, cà phê, sô-cô-la, rượu bia, nước có ga và nước cam. Nên ăn các bữa nhỏ, chia thành nhiều lần trong ngày và không nên ăn quá no.
– Không nằm ngay sau khi ăn: Người bệnh nên đợi ít nhất 2 – 3 giờ sau khi ăn mới nằm để tránh áp lực lên cơ LES, giúp ngăn ngừa trào ngược.
– Kê cao đầu giường: Khi ngủ, bệnh nhân có thể kê cao đầu giường khoảng 15-20 cm để giảm nguy cơ trào ngược dịch dạ dày lên thực quản.
– Giảm cân: Ở những bệnh nhân béo phì, giảm cân có thể giúp giảm áp lực trong ổ bụng và cải thiện triệu chứng trào ngược.
– Ngừng hút thuốc và hạn chế uống rượu: Cả hai yếu tố này đều làm yếu cơ LES và kích thích dạ dày tiết axit, làm nặng thêm triệu chứng.
3.2 Điều trị bằng thuốc
Điều trị bằng thuốc đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát triệu chứng và bảo vệ niêm mạc thực quản. Các nhóm thuốc thường được sử dụng để điều trị trào ngược bao gồm:
– Thuốc ức chế bơm proton (PPI – Proton Pump Inhibitors): Đây là nhóm thuốc hàng đầu trong điều trị GERD, có tác dụng ức chế sự tiết axit dạ dày bằng cách ức chế enzym H+/K+-ATPase. Các loại PPI phổ biến như omeprazole, esomeprazole, và pantoprazole giúp giảm đáng kể lượng axit dạ dày, từ đó giảm triệu chứng và chữa lành tổn thương niêm mạc thực quản.
– Thuốc kháng histamin H2 (H2RA – Histamine-2 Receptor Antagonists): Nhóm thuốc này cũng giúp giảm tiết axit dạ dày, nhưng hiệu quả thường không mạnh bằng PPI. Thuốc H2RA thường được sử dụng trong trường hợp triệu chứng nhẹ hoặc khi cần phối hợp với PPI.
– Thuốc kháng axit (antacid): Thuốc kháng axit giúp trung hòa axit dạ dày tức thì và thường được dùng để giảm nhanh triệu chứng trong các trường hợp cấp tính. Tuy nhiên, chúng chỉ có tác dụng ngắn hạn và không phù hợp cho điều trị lâu dài.
– Thuốc bảo vệ niêm mạc thực quản: Một số loại thuốc như sucralfate có thể được sử dụng để tạo một lớp bảo vệ trên niêm mạc thực quản, giúp ngăn ngừa tác hại của axit dạ dày.
– Thuốc tăng cường vận động dạ dày: Domperidone và metoclopramide là các thuốc giúp tăng cường nhu động dạ dày và tăng tốc độ làm rỗng dạ dày, từ đó giảm nguy cơ trào ngược.
3.3 Phẫu thuật
Phẫu thuật được xem xét trong các trường hợp GERD nặng, không đáp ứng với điều trị bằng thuốc hoặc có biến chứng.
4. Chẩn đoán chính xác – cơ sở của điều trị hiệu quả
Để điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản một cách hiệu quả, người bệnh cần được chẩn đoán nguyên nhân và mức độ bệnh chính xác qua khám lâm sàng và các phương pháp sau:
– Nội soi thực quản – dạ dày
– Đo pH thực quản 24 giờ
– Đo áp lực nhu động thực quản độ phân giải cao (HRM)
– Chụp X-quang với barium
Các phương pháp này đang được ứng dụng tai Hệ thống y tế Thu Cúc – TCI với hệ thống thiết bị hiện đại. Đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm đưa ra chỉ định phù hợp, thực hiện nhẹ nhàng và kết luận chính xác.
Tóm lại, mục tiêu điều trị bao gồm giảm triệu chứng, bảo vệ niêm mạc thực quản và cải thiện chất lượng cuộc sống. Việc kết hợp thay đổi lối sống, sử dụng thuốc hợp lý và trong một số trường hợp cần can thiệp phẫu thuật sẽ giúp kiểm soát hiệu quả bệnh GERD. Tuy nhiên, việc phòng ngừa cũng rất quan trọng, giúp giảm nguy cơ tái phát và bảo vệ sức khỏe tiêu hóa lâu dài.