Không chỉ riêng phái nữ, việc tiêm phòng HPV cho nam giới rất cần thiết và quan trọng giúp phòng ngừa các bệnh ung thư sinh dục phổ biến hiện nay như ung thư hầu họng, hậu môn, dương vật,… Tiêm phòng được đánh giá là phương án phòng ngừa tối ưu trước các bệnh nguy hiểm do loại virus u nhú này gây ra. Để hiểu rõ hơn về loại vắc xin này, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Menu xem nhanh:
1. Virus HPV – không chỉ còn là kẻ thù riêng của phái nữ
Bất kỳ ai cũng có khả năng nhiễm virus HPV, không riêng gì nữ giới, nam giới vẫn có khả năng đối mặt với những gánh nặng bệnh tật do loại virus này gây nên. Bên cạnh đó, theo nhiều nghiên cứu, xác suất nhiễm HPV trung bình trong suốt đời của nam giới là 91%, lớn hơn so với nữ giới là 85%. Điều này cho thấy nguy cơ nhiễm virus HPV ở nam giới cao hơn hẳn so với nữ giới. Dù vậy, điều này lại không được mọi người chú trọng bởi vì quan điểm chỉ nữ giới mới cần tiêm để phòng ung thư cổ tử cung và một số bệnh phụ khoa.
Hơn nữa, có một điều thiệt thòi đối với nam giới là hiện tại vẫn chưa có các biện pháp sàng lọc được khuyến nghị để phát hiện sớm các bệnh lý ung thư do virus HPV gây ra ở nam giới. Chính vì vậy rất khó có thể nhận biết thời điểm lây nhiễm HPV ở nam giới và khó có phương pháp điều trị hoặc chữa khỏi hoàn toàn.
Chính vì những lý do này, bác sĩ khuyến cáo không chỉ nữ giới, nam giới cũng rất cần tiêm vắc xin ngừa HPV để phòng bệnh, đặc biệt quan trọng với nam giới có quan hệ đồng giới. Đồng thời, nam giới cũng cần có những biện pháp quan hệ tình dục an toàn và tầm soát ung thư sinh dục định kỳ.
2. Khuyến cáo của bác sĩ về việc tiêm phòng HPV cho nam giới
2.1. Loại vắc xin phù hợp để tiêm phòng HPV cho nam giới
Trước đây, tại Việt Nam chỉ có vắc xin phòng HPV cho trẻ em gái và nữ giới, vậy nên các bé trai và nam giới đã phải chịu thiệt thòi khi chưa được vắc xin bảo vệ toàn diện. Tuy nhiên, hiện nay với sự ra đời của vắc xin Gardasil 9 (Mỹ) mang đến kỳ vọng lớn có thể bảo vệ cả nam giới trước virus HPV ngay từ sớm. Vì vậy, Gardasil 9 đã được xem như là một loại vắc xin bình đẳng giới.
Vắc xin Gardasil 9 là bản nâng cấp của vắc xin Gardasil, đem đến hiệu quả bảo vệ toàn diện có thể phòng 9 tuýp virus HPV nguy cơ cao bao gồm: 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58. Vắc xin đã trải qua nhiều năm thử nghiệm an toàn nghiêm ngặt trước khi được phê duyệt triển khai tiêm chủng toàn cầu. Vì vậy, mọi người hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng vắc xin.
2.2. Độ tuổi lý tưởng để tiêm phòng HPV cho nam giới
Vắc xin phòng HPV rất quan trọng và cần thiết với cả hai giới, vậy độ tuổi nào phù hợp để tiêm phòng HPV? Có nên tiêm HPV từ sớm hay không?
Đây là thắc mắc của nhiều người khi tiêm phòng HPV danh cho nam giới. Cụ thể, vắc xin phòng HPV Gardasil 9 được khuyến nghị tiêm chủng cho cả 2 phái là nam giới và nữ giới, trong độ tuổi từ 9 đến 26 tuổi.
Việc tiêm phòng HPV từ sớm cho trẻ em trai luôn được các bác sĩ khuyến nghị. Bởi vì trẻ hoàn toàn có thể nhiễm virus HPV từ môi trường sống hằng ngày như tiếp xúc chung khăn tắm, đồ lót, đồ bơi,… chứ không riêng gì chỉ thông qua con đường quan hệ tình dục. Vì vậy, để giảm nguy cơ trẻ phải đối mặt với mối nguy hiểm mang tên HPV trong tương lai, hãy chủ động tiêm phòng HPV ngay từ khi trẻ 9 tuổi trở lên. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc dự phòng HPV càng sớm, sẽ giúp trẻ có đáp ứng miễn dịch tốt hơn so với khi dự phòng muộn.
2.3. Lịch tiêm phòng HPV dành cho nam giới
Lịch tiêm phòng HPV dành cho nam giới của vắc xin Gardasil 9 có sự phân biệt về độ tuổi như sau:
Từ 9 tuổi đến dưới 15 tuổi
– Phác đồ tiêm 2 mũi: Mũi thứ 2 cần cách mũi 1 từ 6 đến 12 tháng. Nếu mũi thứ 2 chỉ cách mũi 1 dưới 5 tháng thì sẽ cần tiêm mũi thứ 3 với thời gian cách mũi thứ 2 tối thiểu là 3 tháng.
– Phác đồ tiêm 3 mũi: Mũi thứ 2 cách mũi 1 ít nhất 2 tháng và mũi thứ 3 cách mũi thứ 2 ít nhất 4 tháng.
Từ 15 tuổi đến dưới 27 tuổi
– Phác đồ 3 mũi: Mũi thứ 2 cách mũi 1 ít nhất 2 tháng và mũi thứ 3 cách mũi thứ 2 ít nhất 4 tháng.
– Phác đồ tiêm nhanh: Mũi thứ 2 cần cách mũi thứ nhất ít nhất 1 tháng, mũi thứ 3 cách mũi 2 ít nhất 3 tháng.
3. Lưu ý sau khi tiêm phòng HPV dành cho nam giới
Sau khi tiêm vắc xin HPV, nam giới cần lưu ý, khi mới tiêm cơ chế bảo vệ của cơ thể chưa hoàn thiện, chưa thể sản sinh ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập của HPV. Do đó, để đạt hiệu quả phòng bệnh tối đa, tránh bị phơi nhiễm với virus trong giai đoạn này, mọi người nên sử dụng các phương pháp bảo vệ an toàn cho bản thân và bạn tình. Ngoài ra, nam giới nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tránh dùng chung các đồ dùng cá nhân như khăn tắm, đồ lót, đồ bơi,…
Tương tự các loại vắc xin khác, vắc xin HPV sẽ không giúp nam giới ngăn ngừa 100% nguy cơ mắc các bệnh do virus HPV gây ra. Bởi vì, vắc xin sẽ giúp giúp phòng các chủng HPV có trong thành phần, tuy nhiên vẫn những chủng khác vậy nên sẽ không có hiệu quả phòng ngừa. Vì vậy, một lần nữa, mọi người cần quan hệ tình dục an toàn.
Ngoài ra, sau khi tiêm có thể xuất hiện một số các tác dụng phụ cho nam như sốt nhẹ, sưng đau tại vị trí tiêm, đau đầu, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy,… Nếu những biểu hiện này trở nên nghiêm trọng hơn, hãy liên hệ với phòng tiêm chủng để được tư vấn và hướng dẫn điều trị.
Trên đây là những thông tin và giải đáp về việc thực hiện tiêm phòng vắc xin HPV dành cho nam giới. Mong rằng thông qua bài viết mọi người đã hiểu hơn và sẵn sàng cho việc tiêm chủng.