Hen suyễn là căn bệnh mãn tính ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe đường hô hấp và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc chăm sóc bệnh nhân hen phế quản đòi hỏi sự kiên trì, hiểu biết và tuân thủ đúng phương pháp để kiểm soát các cơn hen và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm. Hy vọng bài viết dưới đây sẽ cho bạn lời khuyên hữu ích, giúp bạn chăm sóc người thân mắc bệnh một cách hiệu quả và an toàn nhất.
Menu xem nhanh:
1.Tổng quan về bệnh hen suyễn
Hen suyễn (hen phế quản) là một bệnh lý hô hấp mạn tính phổ biến, xảy ra khi đường thở trở nên nhạy cảm và dễ bị kích thích bởi các yếu tố như dị nguyên, ô nhiễm môi trường hoặc thay đổi thời tiết. Khi bị kích thích, lớp niêm mạc đường thở sẽ sưng viêm, tiết nhiều dịch nhầy và gây co thắt tiểu phế quản, từ đó khiến luồng khí lưu thông trong phổi bị cản trở.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ đến người trưởng thành. Nếu không được điều trị đúng cách và kiểm soát tốt, hen suyễn có thể tiến triển nặng, gây ra các biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Hen suyễn hay còn gọi là hen phế quản là một bệnh lý hô hấp mạn tính phổ biến
2. Hen phế quản có lây không?
Một trong những thắc mắc phổ biến là: Bệnh hen phế quản có lây không? Câu trả lời là không. Hen phế quản không phải là bệnh truyền nhiễm, vì không do virus, vi khuẩn hay nấm gây ra. Do đó, việc tiếp xúc hay sinh hoạt chung với người mắc hen suyễn không làm lây lan bệnh.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hen phế quản có yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh, các thành viên còn lại nên chủ động theo dõi sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp phát hiện bệnh sớm và có hướng xử trí kịp thời.
3. Triệu chứng đặc trưng và những ảnh hưởng của bệnh hen phế quản
3.1. Triệu chứng của bệnh hen suyễn
– Khó khăn trong việc thở ra.
– Thở khò khè, có tiếng rít.
– Đau tức ngực.
– Ho dai dẳng, đặc biệt về đêm hoặc sáng sớm.
– Các triệu chứng này có thể trở nên trầm trọng hơn khi người bệnh bị cảm lạnh, cúm, tiếp xúc với dị nguyên (phấn hoa, lông động vật…), vận động gắng sức, hoặc khi thay đổi thời tiết, căng thẳng tinh thần.
3.2. Ảnh hưởng của bệnh hen suyễn đối với sức khỏe người bệnh
Hen suyễn là một bệnh mạn tính với các triệu chứng dễ tái phát, gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày. Những cơn ho kéo dài, cảm giác nặng ngực và khó thở vào ban đêm có thể khiến bệnh nhân mất ngủ, từ đó dẫn đến mệt mỏi, giảm khả năng tập trung và ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất làm việc, học tập.
Bên cạnh những triệu chứng thể chất, hen phế quản còn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Nhiều bệnh nhân phải sống trong tình trạng lo âu kéo dài, thường xuyên sợ hãi cơn hen xuất hiện bất ngờ, đặc biệt là vào ban đêm hoặc khi thời tiết thay đổi. Nếu không nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ gia đình và bạn bè, bệnh nhân có thể rơi vào trạng thái cô lập, căng thẳng kéo dài, thậm chí là trầm cảm.
Ở trẻ em, hen phế quản gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khi làm gián đoạn hoạt động học tập và vui chơi. Trẻ phải thường xuyên đến bệnh viện để kiểm soát bệnh thay vì tham gia các hoạt động như bạn bè đồng trang lứa, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần.

Hen phế quản gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khi làm gián đoạn hoạt động học tập và vui chơi của trẻ
4. Kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân hen phế quản
Để giúp bệnh nhân hen suyễn kiểm soát bệnh tốt hơn và hạn chế biến chứng, cần lưu ý một số biện pháp chăm sóc sau:
4.1. Giữ ấm cơ thể
Người bệnh cần giữ ấm vùng cổ, ngực và các chi, đặc biệt trong những thời điểm giao mùa hoặc khi thời tiết thay đổi đột ngột. Chuẩn bị sẵn khăn choàng, áo ấm, mũ, găng tay và tất là điều cần thiết để ngăn ngừa các đợt kịch phát của cơn hen.
4.2. Hạn chế tiếp xúc với dị nguyên
Lông chó, mèo và bụi mịn trong không khí là các yếu tố dễ gây kích ứng đường thở. Người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với vật nuôi và đeo khẩu trang khi ra ngoài để bảo vệ đường hô hấp khỏi bụi bẩn và các chất ô nhiễm.
4.3. Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Một chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất sẽ hỗ trợ hệ miễn dịch và giảm nguy cơ bùng phát cơn hen. Bệnh nhân hen phế quản nên tăng cường bổ sung:
– Vitamin A, C, D.
– Omega-3.
– Magie.
Đồng thời, cần hạn chế các loại thực phẩm như:
– Đồ uống có chất kích thích.
– Nước ngọt có gas.
– Đồ đóng hộp, đông lạnh.
– Các món ăn ngâm chua hoặc lên men.
Tuân thủ các hướng dẫn trên không chỉ giúp bệnh nhân kiểm soát tốt hen phế quản mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống một cách toàn diện.
5. Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc hen phế quản?
– Những người có người thân trong gia đình từng mắc bệnh hen phế quản có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao hơn so với người không có tiền sử gia đình.
– Ở trẻ em, bé trai có tỷ lệ mắc hen phế quản cao hơn bé gái.
– Đến khoảng 20 tuổi, sự khác biệt giữa hai giới gần như không còn rõ rệt.
– Sau tuổi 40, phụ nữ có xu hướng mắc hen phế quản nhiều hơn nam giới.
– Tiền sử bị dị ứng: Những đối tượng có tiền sử mắc các bệnh dị ứng cũng có nguy cơ cao phát triển bệnh hen phế quản.
– Tình trạng thừa cân, béo phì: Chỉ số khối cơ thể (BMI) cao là yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh và khiến triệu chứng hen phế quản trở nên nặng nề hơn.
– Người hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động đều có nguy cơ mắc hen phế quảncao hơn đáng kể so với người không tiếp xúc với khói thuốc.
– Làm việc trong môi trường có nhiều khói bụi, hóa chất công nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật (trong nông nghiệp) hoặc vật liệu xây dựng làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen phế quản nghề nghiệp.

Không nên sử dụng các thực phẩm không lành mạnh
Chăm sóc bệnh nhân hen suyễn không chỉ là hỗ trợ trong những lúc lên cơn mà còn là cả quá trình đồng hành, kiên nhẫn và thấu hiểu. Hy vọng những kinh nghiệm được chia sẻ trên đây sẽ phần nào giúp bạn trong việc chăm sóc người bệnh, cũng như tự chăm sóc bản thân. Góp phần cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho họ. Đừng quên thăm khám định kỳ và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát bệnh hiệu quả nhất!