Hướng dẫn bạn cách sơ cứu bệnh nhân suy hô hấp
Suy hô hấp là tình trạng nguy hiểm có thể xảy ra đột ngột và đe dọa đến tính mạng nếu không được xử lý kịp thời. Trong nhiều trường hợp khẩn cấp, việc sơ cứu đúng cách ngay tại hiện trường có thể giúp bệnh nhân giữ được sự sống trước khi được chuyển đến cơ sở y tế. Vậy làm thế nào để nhận biết và thực hiện sơ cứu cho bệnh nhân suy hô hấp hiệu quả, an toàn? Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn các bước cụ thể, dễ hiểu để có thể hỗ trợ kịp thời cho người gặp nạn.
1. Tổng quan về bệnh suy hô hấp
Trước khi nắm được các phương pháp sơ cứu và cấp cứu hiệu quả trong suy hô hấp, điều quan trọng là hiểu rõ bản chất của tình trạng này. Suy hô hấp là hiện tượng phổi không thể đảm bảo đủ lượng oxy cho cơ thể hoặc không loại bỏ được khí carbon dioxide một cách hiệu quả, dẫn đến rối loạn trao đổi khí nghiêm trọng. Khi lượng oxy trong máu động mạch suy giảm, quá trình cung cấp oxy đến các mô và cơ quan bị chậm lại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng sống.

2. Nguyên nhân gây suy hô hấp
Suy hô hấp có thể bắt nguồn từ nhiều vấn đề khác nhau trong hệ hô hấp hoặc các cơ quan liên quan. Các tổn thương không chỉ giới hạn ở phổi và đường thở mà còn có thể xuất phát từ những rối loạn ở thần kinh, cơ hoặc các mô hỗ trợ quá trình hô hấp.
Nhóm nguyên nhân xuất phát từ phổi:
– Các bệnh lý nhiễm trùng tại phổi như: viêm phổi, lao phổi, viêm phế quản, xơ phổi, thuyên tắc động mạch phổi, hay tắc nghẽn phế quản.
– Phù phổi cấp do tim, gây tích tụ dịch trong phế nang, cản trở trao đổi khí.
Nhóm nguyên nhân ngoài phổi:
– Tắc nghẽn đường thở trên do các khối u (u khí quản, u thanh quản, u vùng cổ họng/thực quản), nhiễm trùng thanh quản, hoặc hóc dị vật, thức ăn gây tắc đường thở.
– Tràn dịch màng phổi: sự tích tụ dịch nhanh chóng quanh phổi gây chèn ép và làm giảm khả năng hô hấp.
– Chấn thương lồng ngực: như gãy xương sườn làm tổn thương phổi hoặc màng phổi.
– Tổn thương hệ thần kinh trung ương: điển hình như tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, ảnh hưởng đến trung tâm điều khiển hô hấp.
3. Hướng dẫn sơ cứu khi gặp bệnh nhân suy hô hấp cấp
Khi xử trí sơ cứu cho người bị suy hô hấp cấp, điều quan trọng là đảm bảo đường thở thông suốt, hỗ trợ hô hấp bằng cách hà hơi thổi ngạt và cung cấp oxy nếu có thể. Trường hợp người bệnh ngừng tim, cần tiến hành hồi sức tim phổi bằng ép tim ngoài lồng ngực.
3.1. Thực hiện hô hấp nhân tạo trong sơ cứu bệnh nhân suy hô hấp
– Tư thế người bệnh: Đặt bệnh nhân nằm ngửa, đầu nghiêng sang một bên và cổ ưỡn ra để mở rộng đường thở.
– Làm sạch đường hô hấp: Dùng khăn sạch hoặc gạc để loại bỏ đờm dãi hay dị vật khỏi miệng và mũi.
– Tiến hành hà hơi: Đặt khăn mỏng hoặc gạc che miệng người bệnh, bịt mũi họ bằng ngón tay cái và trỏ, sau đó thổi hơi trực tiếp vào miệng.
Nếu phát hiện ngừng tim, khi không bắt được mạch ở cổ (mạch cảnh) hoặc ở tay (mạch quay), nghĩa là tim đã ngừng đập. Lúc này cần thực hiện ép tim theo hướng dẫn sau:
– Kỹ thuật ép tim: Đặt hai tay chồng lên nhau, ấn mạnh và đều lên vùng ngực ngoài tim với tốc độ từ 70 – 100 lần mỗi phút.
– Trường hợp chỉ có một người: Thực hiện 15 lần ép tim rồi thổi ngạt 1 lần, lặp lại liên tục.
– Nếu có hai người cùng tham gia: Một người ép tim, người còn lại thổi ngạt theo tỷ lệ 30 lần ép: 2 lần thổi ngạt và duy trì đều đặn.
– Theo dõi mạch: Cần kiểm tra mạch cảnh hoặc mạch bẹn của người bệnh mỗi 2 – 3 phút để đánh giá hiệu quả sơ cứu.
Nếu bệnh nhân suy hô hấp bắt đầu có dấu hiệu thở trở lại, có phản xạ cử động, hoặc mạch và nhịp thở xuất hiện trở lại dù vẫn còn mê, chứng tỏ sơ cứu bước đầu đã có hiệu quả. Ngay lúc này, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất bằng các phương tiện sẵn có hoặc gọi xe cấp cứu để tiếp tục điều trị chuyên sâu.

3.2. Cấp cứu bệnh nhân suy hô hấp chuẩn y khoa
Việc cấp cứu bệnh nhân suy hô hấp đòi hỏi can thiệp kịp thời và đúng kỹ thuật để duy trì sự sống. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và điều kiện trang thiết bị, bác sĩ có thể tiến hành các bước xử trí như sau:
Hỗ trợ hô hấp và duy trì nồng độ oxy máu
– Người bệnh cần được thở oxy để duy trì các chỉ số SpO₂, SaO₂ trên 92% và PaO₂ trên 60 mmHg. Trường hợp thở oxy không hiệu quả, phải nhanh chóng tiến hành các kỹ thuật nhằm đảm bảo sự thông thoáng của đường thở:
– Đặt người bệnh ở tư thế ưỡn cổ hoặc nằm nghiêng để hạn chế nguy cơ sặc.
– Đặt canuyn miệng để tránh tụt lưỡi, hút sạch đờm dãi hoặc chất tiết.
– Nếu nghi ngờ có dị vật đường thở, áp dụng nghiệm pháp Heimlich.
– Khi các biện pháp này không đủ kiểm soát tình trạng suy hô hấp, cần đặt nội khí quản để thiết lập đường thở ổn định.
Kiểm soát thông khí
Sau khi đặt nội khí quản, tiếp tục hút sạch đờm dãi để duy trì thông khí. Nếu người bệnh vẫn thiếu oxy hoặc không đảm bảo thông khí, cần sử dụng bóng Ambu có oxy hỗ trợ hoặc thở máy (nếu có sẵn). Đồng thời, cần xử trí ngay nguyên nhân gây suy hô hấp nếu xác định được:
– Tràn khí màng phổi: chọc ống và dẫn lưu khí của người bệnh.
– Mảng sườn di động: cố định vùng tổn thương.
– Vết thương ngực hở: băng kín vết thương ngực.
Ổn định huyết động
Đặt ít nhất hai đường truyền tĩnh mạch ngoại biên vững chắc và bù dịch nếu huyết áp người bệnh giảm. Việc đảm bảo tưới máu mô và tuần hoàn ổn định là yếu tố then chốt trong giai đoạn cấp cứu.
3.3. Chuyển tuyến và tiếp tục xử trí chuyên sâu
Sau khi kiểm soát được tình trạng của bệnh nhân suy hô hấp bước đầu, người bệnh nên được chuyển đến cơ sở y tế chuyên sâu có đầy đủ thiết bị và nhân lực để tiếp tục điều trị. Trong quá trình chuyển viện:
– Tiếp tục hỗ trợ hô hấp: duy trì các biện pháp như thở oxy, bóp bóng Ambu hoặc thở máy.
– Theo dõi chức năng sống: giám sát nhịp tim, huyết áp, SpO₂ và xử lý kịp thời nếu xuất hiện biến chứng.
– Duy trì ổn định tuần hoàn: tiếp tục truyền dịch, dùng thuốc vận mạch nếu có tụt huyết áp hoặc sốc.
Thông khí phù hợp sau chuyển tuyến
– Với người bệnh đã đặt nội khí quản: lựa chọn chế độ thở và điều chỉnh thông số máy theo tình trạng rối loạn trao đổi khí, đáp ứng lâm sàng và kết quả khí máu.
– Với người bệnh chưa đặt nội khí quản: sử dụng phương pháp thở oxy phù hợp (ví dụ: oxy lưu lượng thấp với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính). Nếu không hiệu quả, chuyển sang thở máy không xâm nhập. Trường hợp không đáp ứng, cần đặt nội khí quản để thở máy xâm nhập.
Giảm nhu cầu tiêu thụ oxy
– Kiểm soát thân nhiệt, tránh sốt cao kéo dài.
– Giảm gắng sức hô hấp bằng cách chủ động hỗ trợ thông khí sớm khi có chỉ định.

Việc nắm vững kỹ năng sơ cứu bệnh nhân suy hô hấp không chỉ giúp bạn chủ động xử lý khi gặp tình huống nguy cấp mà còn có thể cứu sống một mạng người trong gang tấc. Hãy luôn ghi nhớ các bước cơ bản và giữ bình tĩnh khi thực hiện sơ cứu. Bên cạnh đó, nếu có điều kiện, bạn nên tham gia các khóa học sơ cấp cứu y tế để trang bị thêm kiến thức thực tế, phòng khi cần đến trong cuộc sống.