Hoạt động kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm cho người lao động đã không còn xa lạ với các doanh nghiệp. Tuy nhiên khi tổ chức khám, chọn gói tầm soát nào luôn là câu hỏi lớn của người đứng đầu. Cùng tìm hiểu gói khám sức khỏe tổng quát cho doanh nghiệp qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Lý giải 03 hiểu lầm về gói khám doanh nghiệp
Nếu không nắm rõ bản chất của việc lựa chọn gói tầm soát sức khỏe, cả người lao động và người sử dụng lao động đều dễ hình thành những luận điểm sai lầm.
1.1. Không có quy định nào về gói khám sức khỏe tổng quát cho doanh nghiệp
Khám sức khỏe định kỳ là trách nhiệm bắt buộc của doanh nghiệp với nhân viên. Điều này được quy định trong nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam như:
– Theo điều 152 Bộ luật lao động 2019, người lao động có quyền được chăm sóc sức khỏe
– Thông tư số 19/2016/TT-BYT quy định các nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối trong vấn đề bảo đảm sức khỏe cho người lao động làm việc trong công ty mình
– Theo điều 21 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, mỗi năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khoẻ ít nhất một lần cho người lao động
– Thông tư 14/2013/TT-BYT hướng dẫn chi tiết về việc khám sức khỏe cho người lao động hàng năm
Đặc biệt, thông tư 14 không chỉ quy định rõ ràng về quy trình, hồ sơ, điều kiện khám cho người lao động, mà còn hướng dẫn đầy đủ về các danh mục khám mà gói tầm soát sức khỏe mỗi doanh nghiệp cần phải đảm bảo. Có như vậy, gói khám mới phát huy được hiệu quả của nó.
Nhờ kết quả khám chính xác, rõ ràng, người lao động nắm bắt được tình trạng bản thân, phát hiện các vấn đề sức khỏe bất thường có liên quan tới yếu tố nghề nghiệp. Từ đó họ có phương án xử lý sớm nhất để không ảnh hưởng tới cuộc sống và công việc.
1.2. Gói khám sức khỏe tổng quát cho doanh nghiệp nào cũng giống nhau
Quan điểm này chưa mang tính bao quát. Khi doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ sẽ lựa chọn một cơ sở y tế uy tín để đồng hành. Các chuyên gia của bệnh viện sẽ hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp lựa chọn gói khám phù hợp. Ngoài những danh mục bắt buộc theo quy định pháp luật, tùy theo đặc thù công việc, tài chính của mỗi công ty mà lãnh đạo có thể bổ sung thêm các bước khám cho phù hợp. Ví dụ:
– Doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và chế biến thực phẩm: Bổ sung danh mục tầm soát các bệnh truyền nhiễm như lao, phổi, viêm gan B, C,…
– Nghề nghiệp phải đứng nhiều như nhân viên bán hàng, giáo viên,…: Bổ sung danh mục đo mật độ xương
Hiện nay, nhiều công ty đã hiểu rõ những lợi ích thiết thực mà tầm soát định kỳ mang lại. Do đó, lãnh đạo luôn sáng suốt lựa chọn gói khám đầy đủ, chi tiết và cần thiết cho cán bộ nhân viên bên mình.
1.3. Gói khám của lao động nước ngoài và trong nước giống nhau
Đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, khi khám sức khỏe định kỳ công ty sẽ có những điểm khác biệt so với người lao động Việt từ bác sĩ khám, nhân sự hỗ trợ cho tới các mục thăm khám. Người lao động nước ngoài cần được kiểm tra và sàng lọc các bệnh lý như sốt rét; viêm gan A, B, C, E; giang mai; HIV; ma túy; bệnh phong. Cùng với đó danh mục khám cũng cần bổ sung thêm cho phù hợp.
2. Khám phá gói khám sức khỏe tổng quát cho doanh nghiệp
Theo Thông tư 14, người lao động khi tầm soát định kỳ sẽ trải qua các bước khám tối thiểu sau:
2.1. Khám tổng quát
Lần lượt các cán bộ nhân viên được đo chiều cao, cân nặng, huyết áp, chỉ số BMI,… Các số liệu này nhằm đánh giá tổng quan thể lực của mỗi người, là điều kiện đảm bảo để họ thực hiện các bước về sau.
Nối tiếp đó, người lao động tới các khu vực khám chuyên khoa. Tại đây bác sĩ sẽ kiểm tra mức độ hoạt động của các hệ cơ quan, phát hiện các bệnh lý nghề nghiệp như:
– Khoa mắt: Đo thị lực, tầm soát chứng cận, viễn, khô mắt, đau mắt,…
– Khoa tai mũi họng: Đo thính lực, tầm soát bệnh lý
– Khoa da liễu
– Khoa răng hàm mặt: Phát hiện các bệnh lý như sâu răng, viêm nha chu, viêm nướu,…
2.2. Xét nghiệm
Người lao động được các nhân viên y tế lấy mẫu máu và nước tiểu. Bằng việc phân tích, đo lường nồng độ các chất trong mẫu, bác sĩ có thể phát hiện các bệnh lý bên trong, cụ thể:
– Đo lường số lượng hồng cầu, bạch cầu, chẩn đoán các bệnh lý về máu như thiếu máu, đường huyết,…
– Đánh giá chức năng, sàng lọc bệnh lý gan, thận, tiết niệu, bài tiết,…
Riêng với người lao động nước ngoài, kết quả xét nghiệm còn giúp chẩn đoán các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS, lậu, phong,…
2.3. Thăm dò chức năng và chẩn đoán hình ảnh
Thông thường, ở bước này, người lao động sẽ tiến hành siêu âm ổ bụng, tuyến giáp và chụp X-quang ngực thẳng. Hình ảnh soi được giúp bác sĩ quan sát các cơ quan bên trong, phát hiện vị trí, mức độ tổn thương hay các bất thường nếu có. Với danh mục siêu âm, các bệnh lý tạng và tuyến giáp sẽ được sàng lọc cụ thể. Với X-quang, các nhân viên được kiểm tra hình thái cấu trúc xương cùng tầm soát các bệnh lý tim phổi.
Đối với người lao động ngoại quốc, các danh mục được bổ sung gồm điện tâm đồ, điện não đồ, xét nghiệm phân,…
Khi tổng hợp kết quả khám và chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên cùng những tư vấn khoa học để người lao động cải thiện sức khỏe bản thân trong quá trình làm việc và sinh hoạt.
Kết lại, với những hiệu quả của mình đem lại, gói khám sức khỏe cho doanh nghiệp sẽ hỗ trợ đắc lực cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Nhân viên được sống khỏe, làm việc tốt. Doanh nghiệp phát triển vững mạnh với nguồn nhân lực chất lượng cao. Để làm được điều này, lãnh đạo hãy tìm hiểu kỹ và lựa chọn gói khám thật sáng suốt, đúng đắn.