Điều trị hội chứng ruột kích thích tùy thuộc vào các triệu chứng mà người bệnh gặp phải cũng như mức độ nghiêm trọng và ảnh hưởng của chúng tới cuộc sống hàng ngày. Hiện tại chưa có thuốc riêng biệt nào điều trị dứt hẳn mọi triệu chứng của hội chứng ruột kích thích nhưng sẽ cải thiện tốt hơn chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Các phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích
Người bệnh cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ để tìm ra những yếu tố kích thích gây ra các triệu chứng khó chịu. Một số thay đổi trong chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày sẽ giúp kiểm soát tình trạng bệnh.
2. Ghi lại các triệu chứng
Bước đầu tiên trong điều trị hội chứng ruột kích thích thường là quan sát và ghi lại các triệu chứng, những thực phẩm đã tiêu thụ, các hoạt động thể chất đã thực hiện và ảnh hưởng của chúng tới các triệu chứng. Những ghi chép này có thể giúp phát hiện được yếu tố kích thích khiến cho triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn để bắt đầu loại trừ chúng ra khỏi chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt hàng ngày.
3. Kiểm soát các triệu chứng
Đối với nhiều người mắc hội chứng ruột kích thích, một số loại thực phẩm nhất định có thể gây ra triệu chứng khó chịu. Những bí quyết sau đây có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm các triệu chứng này:
- Hạn chế tiêu thụ đồ uống có chứa caffeine và cồn.
- Hạn chế ăn đồ ăn nhanh.
- Nếu tiêu chảy là triệu chứng chính, hãy tránh xa các sản phẩm từ sữa, trái cây và chất làm ngọt nhân tạo như sorbitol hoặc xylitol.
- Tăng chất xơ trong chế độ ăn uống giúp làm giảm táo bón.
- Tránh các loại thực phẩm như đậu, bắp cải, súp lơ chưa nấu chín để làm giảm tình trạng đầy hơi, chướng bụng.
Ngoài những lưu ý về chế độ ăn uống, người bệnh cũng nên:
- Tập thể dục nhẹ nhàng, chẳng hạn như bơi lội, chạy bộ, đi xe đạp hoặc đi bộ.
- Bỏ thuốc lá (với những người có thói quen hút thuốc)
- Hạn chế căng thẳng, vì trong nhiều trường hợp căng thẳng càng làm cho các triệu chứng hội chứng ruột kích thích trở nên tồi tệ hơn.
- Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để điều trị các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích như tiêu chảy, táo bón, trầm cảm hoặc lo lắng.
4. Theo dõi, phát hiện các triệu chứng mới
Hội chứng ruột kích là một bệnh lý mạn tính, vì thế điều quan trọng là người bệnh cần phát hiện sớm trong các triệu chứng. Ví dụ như có máu lẫn trong phân, đau bụng nặng hơn, sốt cao hoặc giảm cân không lý do. Nếu có bất kỳ thay đổi nào xảy ra, bác sĩ sẽ tư vấn người bệnh làm thêm các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân dẫn tới điều này.
Bác sĩ cũng sẽ chỉ định thay đổi loại thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng thuốc đang sử dụng nếu việc điều trị hiện tại không mang lại hiệu quả.
5. Khám sức khỏe định kỳ
Để kiểm soát tốt hội chứng ruột kích thích, bạn cần khám sức khỏe định kỳ 6 tháng – 1 năm/lần.