Khi gặp tình trạng dạ dày đau liên tục kéo dài, người bệnh đặc biệt lưu ý và không thể chủ quan vì rất có thể đây là dấu hiệu cảnh báo về các bệnh lý tiêu hóa thậm chí là cả ung thư dạ dày.
Menu xem nhanh:
1. Dạ dày đau nhiều cảnh báo bệnh tiêu hóa gì?
Đau dạ dày xảy ra với nhiều cấp độ khác nhau và từ nhiều nguyên nhân. Thông thường, người bệnh đau dạ dày có thể đến từ nguyên nhân như ăn uống, do căng thẳng mệt mỏi, ngộ độc thực phẩm, tác dụng phụ của thuốc. Tuy nhiên, trong các trường hợp đau bụng kéo dài triền miên thì không loại trừ khả năng gặp phải các bệnh lý về dạ dày sau đây.
1.1. Dạ dày đau nhiều cảnh báo bệnh viêm loét
Đau dạ dày thường xuyên có thể báo hiệu về các tổn thương viêm loét ở dạ dày, tá tràng. Phần lớn các trường hợp bệnh (đến 80%) có liên quan đến việc nhiễm khuẩn HP hoặc đến từ thói quen ăn uống không lành mạnh, lạm dụng thuốc điều trị kéo dài.
Cơn đau bụng điển hình do viêm loét dạ dày thường xuất phát từ vùng thượng vị với những cấp độ khác nhau có thể là đau âm ỉ hoặc đau quặn từng cơn phụ thuộc vào tình trạng tổn thương ở mỗi người. Người bệnh thường đau khi bụng đói (sau khi ăn 2-3 giờ), lúc ăn quá no và hay đau bụng về đêm.
Cùng với đó, người bệnh còn xuất hiện thêm các triệu chứng tiêu hóa khác như:
– Đầy bụng, khó tiêu.
– Ợ hơi, ợ chua.
– Buồn nôn và nôn
– Nóng rát thượng vị, đôi khi còn bị đau tức ngực.
– Rối loạn tiêu hóa, phổ biến là tiêu chảy, táo bón hoặc bị đồng thời cả hai.
– Chán ăn, kém tiêu hóa và hấp thu. Hệ quả là người bệnh có thể bị thiếu hụt dinh dưỡng và sút cân nhanh.
1.2. Viêm loét hang vị
Ít gặp hơn so với viêm loét dạ dày tá tràng nhưng viêm loét hang vị cũng là một trong những nguyên nhân gây ra đau dạ dày thường xuyên. Cụ thể, vị trí tổn thương gặp phải là vùng hang vị (phần nằm ngang của dạ dày).
Dạ dày đau cảnh báo về viêm loét hang vị thường là những cơn đau âm ỉ và đau quặn thắt cùng xảy ra. Ở giai đoạn đầu còn nhẹ, cơn đau thường xuất hiện sau khi ăn, lúc nặng hơn sẽ đau nhiều về đêm hoặc đau bất kỳ lúc nào trong ngày.
Bên cạnh đau bụng, người bệnh viêm loét hang vị còn gặp phải các triệu chứng khó chịu sau:
– Buồn nôn, nôn mửa.
– Rối loạn đại tiện, đi ngoài lúc phân lỏng lúc phân đặc và đôi khi phân bón cục nhỏ dạng phân dê.
– Kém hấp thu, người bệnh bị gầy đi, mệt mỏi và da xanh xao.
Viêm loét hang vị dạ dày nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách từ sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, cơn đau dạ dày ngày một nặng hơn, dữ dội hơn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.
1.3. Dạ dày đau nhiều cảnh báo ung thư dạ dày
Có khoảng 25% trường hợp ung thư dạ dày có tiền sử bị viêm loét dạ dày và thường diễn tiến từ viêm dạ dày mạn tính. Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ khác như nhiễm khuẩn HP, chế độ ăn uống không khoa học, hút thuốc, uống nhiều rượu hoặc có yếu tố tiền sử gia đình,…
Điều khiến ung thư dạ dày càng thêm nguy hiểm đó là các triệu chứng thường “cỏn con”, không rõ ràng nên nhiều trường hợp khi phát hiện bệnh cũng đã ở giai đoạn nặng. Vì vậy, mỗi người hãy lưu ý với những dấu hiệu sau:
– Đau vùng thượng vị kéo dài từ mức độ nhẹ, mơ hồ đến khi đau nhiều hơn và đau liên tục triền miên.
– Những dấu hiệu về tiêu hóa như ăn không ngon, không no, chán ăn, hay có cảm giác buồn nôn và nôn.
– Các cơn đau bụng xảy ra thường xuyên nhiều lần trong ngày. Người bệnh sút cân nhanh không rõ nguyên nhân, cơ thể mệt mỏi, da xanh xao, có thể gặp phải tình trạng nôn ra máu, đại tiện ra phân đen.
– Có thể xuất hiện một số dấu hiệu hoặc triệu chứng của di căn xa. Vị trí thường gặp nhất là từ gan, phúc mạc, hạch,…
Trong trường hợp phát hiện mình gặp phải những cơn đau bụng bất thường và không có xu hướng thuyên giảm, bạn cần chủ động thăm khám sớm tại các đơn vị y tế uy tín để nhanh chóng chẩn đoán bệnh chính xác và tiến hành điều trị đúng phác đồ. Điều này sẽ giúp bạn phòng tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra và cải thiện tốt chất lượng cuộc sống.
2. Khi nào nên chủ động khám đau dạ dày?
Dạ dày đau có thể là tình trạng tạm thời nhiều người vẫn hay gặp phải. Tuy nhiên, nên đi khám đau dạ dày nếu tình trạng này thường xuyên xảy ra, cơn đau dạ dày tăng dần cấp độ và kéo dài hơn 2 tuần.
Trường hợp nghi ngờ đau dạ dày có liên quan đến nhiễm khuẩn HP, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm kiểm tra vi khuẩn HP trong dạ dày theo đúng chỉ định. Chẩn đoán là bước quan trọng để khẳng định và làm cơ sở thực hiện điều trị đau dạ dày hiệu quả đúng cách, tránh tái phát bệnh thay vì chỉ dùng thuốc điều trị vào triệu chứng.
Không để tình trạng dạ dày đau liên tục kéo dài, người bệnh chủ động thăm khám khi cần để được phát hiện kịp thời các bệnh lý, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra và nhanh chóng điều trị khỏi bệnh.