Nội soi dạ dày và nội soi đại tràng là các phương pháp chẩn đoán chính xác nhất các bệnh lý tại ống tiêu hóa. Nhiều người bệnh đặt ra câu hỏi: có nên nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc không? Để tìm kiếm câu trả lời cho việc nội soi đồng thời dạ dày và đại tràng, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Phương pháp nội soi dạ dày
Nội soi dạ dày là kỹ thuật y khoa giúp thăm khám trực tiếp ống tiêu hóa trên bao gồm thực quản, dạ dày, hành tá tràng và tá tràng. Một ống nội soi mềm nhỏ sẽ được bác sĩ đưa qua miệng hoặc mũi qua thực quản vào trong dạ dày. Đầu ống nội soi có gắn camera và đèn chiếu sáng, giúp quan sát niêm mạc và thu hình ảnh lên màn hình.
Thông qua phương pháp này, bác sĩ có thể phát hiện các tổn thương rất nhỏ từ vài milimet trong dạ dày. Nội soi dạ dày là giải pháp hiệu quả để tìm ra nguyên nhân của các triệu chứng như đau thượng vị, đầy hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, khó nuốt,… Nội soi dạ dày giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh lý ống tiêu hóa trên. Đặc biệt, công nghệ NBI 5P ứng dụng trong phương pháp nội soi này còn giúp phát hiện sớm ung thư thực quản, dạ dày.
Bên cạnh đó, trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể can thiệp để cầm máu, lấy dị vật, cắt polyp, nong thực quản, sinh thiết… Người bệnh có thể lựa chọn nội soi dạ dày qua đường miệng, nội soi dạ dày qua đường mũi hoặc nội soi không đau (nội soi qua đường miệng có gây mê).
2. Phương pháp nội soi đại tràng
Nội soi đại tràng là cách tốt nhất để chẩn đoán các bệnh lý ống tiêu hóa dưới, gồm phần cuối ruột non, manh tràng, đại tràng và trực tràng. Ống nội soi đại tràng có kích thước nhỏ, chiều dài từ 130cm đến 180cm. Bác sĩ sẽ đưa ống nội soi này được đưa vào hậu môn đến đại tràng để thăm khám.
Các bất thường, bệnh lý có thể được phát hiện thông qua nội soi đại tràng là viêm loét, dị vật, polyp, khối u, những vùng xuất huyết,… Đây cũng là phương pháp hữu hiệu để sàng lọc phát hiện sớm ung thư đại trực tràng, đặc biệt là với công nghệ NBI 5P tiên tiến. Tương tự như nội soi dạ dày, bác sĩ có thể tiến hành cắt polyp, cầm máu, sinh thiết, lấy dị vật, loại bỏ tổ chức tiền ung thư… ngay trong quá trình nội soi đại tràng.
Có 2 hình thức nội soi đại tràng là nội soi đại tràng tiêu chuẩn và nội soi đại tràng không đau (có gây mê).
3. Nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc
Từ các thông tin ở trên có thể thấy nội soi dạ dày và đại tràng có thể thực hiện cùng lúc.
3.1. Có nên nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc hay không?
Việc thực hiện đồng thời hai phương pháp nội soi này không làm tăng rủi ro của thủ thuật. Ngược lại, nó còn mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh về thời gian và chi phí. Do đó, người bệnh nên cân nhắc nội soi dạ dày và nội soi đại tràng cùng lúc.
Các lợi ích cụ thể của việc thực hiện nội soi này bao gồm:
– Giảm thời gian nội soi: Các công đoạn như khám ban đầu, làm hồ sơ, làm các xét nghiệm cận lâm sàng chỉ cần thực hiện một lần duy nhất.
– Tiết kiệm chi phí: Do chỉ thực hiện một lần các xét nghiệm, gây mê (với nội soi không đau), tổng chi phí sẽ ít hơn so với nội soi riêng lẻ.
– Thăm khám toàn bộ ống tiêu hóa trên và dưới trong một lần đến bệnh viện, tối ưu công sức di chuyển.
3.2. Có nên nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc có gây mê?
Người bệnh được khuyến cáo nên thực hiện nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc có gây mê. Bên cạnh các lợi ích đã nói ở trên, nội soi cùng lúc có gây mê còn mang lại những ưu điểm như sau:
– Trải nghiệm êm ái, loại bỏ hoàn toàn cảm giác khó chịu, buồn nôn, đau đớn hoặc lo lắng của người bệnh.
– Đảm bảo an toàn: Gây mê tĩnh mạch với bơm tiêm điện tự động có độ an toàn rất cao. Điều này có được là nhờ lượng thuốc mê được tính toán phù hợp với thể trạng của người bệnh và thời gian gây mê ngắn. Người bệnh ngủ ngon trong suốt thời gian thực hiện và tỉnh táo ngay khi kết thúc nội soi. Nội soi không đau không làm ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Mặt khác, người bệnh không chịu kích thích, ngăn ngừa các rủi ro không mong muốn. Đây là lựa chọn bắt buộc trong trường hợp cần cắt polyp, cầm máu,…
– Tối ưu hơn nữa thời gian thực hiện: Người bệnh ngủ ngon giúp bác sĩ dễ dàng thực hiện thao tác thăm khám. Bác sĩ có thể quan sát kỹ hơn ống tiêu hóa mà vẫn đảm bảo nội soi nhanh chóng. Chỉ 15 – 30 phút là cả hai phương pháp nội soi dạ dày và đại tràng đã được hoàn thành.
Tóm lại, câu hỏi “có nên nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc” đã có lời giải đáp. Người bệnh nên cân nhắc tiến hành cùng lúc hai phương pháp nội soi này để tối ưu thời gian và chi phí. Thêm vào đó, nội soi đồng thời dạ dày và đại tràng không đau nên được ưu tiên thực hiện.