Nhiều người khi gặp phải tình trạng đau mỏi vai gáy đều chủ quan không đi khám. Đây là biểu hiện của nhiều bệnh lý ở cơ xương khớp mà ít người biết. Nếu không phát hiện và xử trí đúng cách có thể gây biến chứng nặng nề.
Menu xem nhanh:
Đau vai gáy – dấu hiệu cảnh báo bệnh
Thoái hóa đốt sống cổ
Thông thường khi bị thoái hóa đốt sống cổ, người bệnh sẽ có các biểu hiện như mọc dọc từ vùng gáy xuống vai, tay. Cơn đau có khi dữ dội, lúc âm ỉ kéo dài, châm chích khó chịu. Kèm theo đó là các biểu hiện xoay đầu khó khăn, chóng mặt, hoa mắt, suy nhược cơ thể, giảm khả năng vận động.
Đau mỏi vai gáy do thoái hóa đốt sống cổ thường gặp ở những người làm việc văn phòng, người làm việc nặng, thường xuyên khuân vác… Nếu không phát hiện và có biện pháp điều trị kịp thời, thoái hóa đốt sống cổ ngày càng nghiêm trọng, có thể gây thiếu máu não, rối loạn thần kinh, thoát vị đĩa đệm cổ, gai cột sống cổ…
Chèn ép dây thần kinh đốt sống cổ
Vùng vai gáy chứa nhiều dây thần kinh vì thế khi dây thần kinh vùng này bị chèn ép sẽ gây đau vai gáy.
Ngoài ra, chèn ép dây thần kinh còn gây ra các biểu hiện như ngứa ra, tê ở cánh tay và các đầu ngón tay, bàn tay, khó cầm nắm, làm việc. Bệnh kéo dài còn có thể khiến rối loạn tuần hoàn máu, rối loạn tiền đình, liệt tại những vị trí nhất định.
Loãng xương
Mật độ xương trong cơ thể giảm sút cũng gây ra đau nhức mỏi ở nhiều vị trí trên cơ thể, trong đó có vai gáy. Loãng xương khiến xương giòn, yếu, dễ nứt gãy. Nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể gây biến dạng xương cột sống, xương vai gáy, lún xương, gãy xương, thậm chí bại liệt.
Chấn thương
Một trong những nguyên nhân gây đau vai gáy phổ biến nữa là chấn thương. Các chấn thương ở vùng vai gáy như rách cơ, lệch gân, trật cổ… do va chạm mạnh trong chơi thể thao, té ngã, tai nạn giao thông….
Chấn thương ở vùng vai gáy thường gây đau kèm theo các biểu hiện khác như sưng, nóng, khó chịu. Cơn đau kéo dài có thể tiến triển mạn tính, ảnh hưởng tới vận động, sinh hoạt.
Ngoài các bệnh lý ở xương khớp, đau mỏi vai gáy còn có thể là do chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng. Ngồi làm việc hoặc ngủ không đúng tư thế, hút thuốc lá, căng thẳng stress kéo dài.
Cách điều trị đau mỏi vai gáy
Tùy vào từng mức độ đau vai gáy, nguyên nhân gây bệnh cụ thể sẽ có phương pháp điều trị phù hợp.
Đau vai gáy mức độ nhẹ
Ở các trường hợp nhẹ, người bị đau mỏi vai gáy có thể tự khắc phục bằng việc thay đổi thói quen sinh hoạt, vận động đúng cách. Lúc này, người bệnh nên:
- Ngồi đúng tư thế khi làm việc
- Không nên kê gối quá cao khi ngủ. Với người bị thoái hóa đốt sống cổ cần hạ thấp chiều cao của gối. Không nằm nghiêng, nằm co quắp cản trở lưu thông máu, chèn ép gân, cơ,…
- Hạn chế tập trung quá lâu vào màn hình smartphone trong tư thế cúi đầu.
- Hạn chế mang vác nặng, làm việc quá sức
- Tăng cường thực phẩm giàu canxi, kẽm, vitamin tốt cho sức khỏe
- Vận động hợp lý 30 phút mỗi ngày bằng những môn thể thao phù hợp với sức khỏe
Đau vai gáy mức độ nặng
Đối với các trường hợp đau vai gáy mạn tính hoặc kèm theo các triệu chứng cảnh báo bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể thì người bệnh cần tới ngay bệnh viện. Qua thăm khám và làm các chẩn đoán chuyên sâu, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Người bệnh có thể cần phải sử dụng thuốc điều trị đau vai gáy (tùy vào bệnh lý cụ thể). Thuốc nên dùng đúng loại thuốc, đủ liều lượng. Và đúng thời gian bác sĩ đã chỉ định để tránh tác dụng phụ ảnh hưởng tới sức khỏe.
Đau vai gáy gây ảnh hưởng tới sức khỏe, khả năng vận động, sinh hoạt. Vì thế khi có dấu hiệu đau mỏi vai gáy, thời gian kéo dài với mức độ đau khác nhau, người bệnh nên đi khám càng sớm càng tốt.