Bàn chân được bắt đầu từ mắt cá tới đầu các ngón chân, được chia làm 2 phần là mu bàn chân và gan bàn chân. Để hiểu rõ hơn về cấu tạo của bàn chân, xương bàn chân và nguy cơ gãy xương… mời độc giả theo dõi bài viết dưới đây nhé!
Menu xem nhanh:
Cấu tạo bàn chân, xương bàn chân
Bàn chân và cổ chân tạo thành một cấu trúc phức tạp bao gồm:
✲ 26 xương hình dạng không đều
✲ 30 khớp hoạt dịch
✲ Hơn 100 dây chằng
✲ 30 cơ tác động lên các phân đoạn. Các khớp xương bàn chân tương tác hài hòa với cơ thể con người để thuận lợi cho quá trình vận động, đi lại.
Bàn chân được chia làm 3 vùng:
- Bàn chân sau bao qồm xương sên và xương gót
- Bàn chân giữa bao gồm xương ghe, 3 xương chêm và xương hộp
- Bàn chân trước bao gồm xương bàn ngón và xương ngón chân
Các khớp bàn chân
- Khớp cổ chân: là một khớp bản lề một trục được tạo bởi xương chày và xương mác, xương chày và xương sên.
- Khớp dưới sên: là khớp giữa xương sên và xương gót. Đây là các xương chịu trọng lượng lớn của bàn chân và tạo thành bàn chân sau.
- Khớp cổ – bàn ngón chân: là các khớp trượt, tạo các chuyển động giữa các xương chêm, xương hộp với các xương bàn ngón
Các cung vòm của bàn chân
Các xương cổ chân và bàn ngón tạo nên ba vòm, hai vòm chạy theo chiều dọc và một vòm chạy ngang bàn chân
- Vòm dọc bên ngoài được hình thành bởi xương gót, xương hộp, xương bàn ngón thứ tư và thứ năm.
- Vòm dọc trong chạy từ xương gót đến xương sên, ghe, chêm và ba xương bàn ngón đầu tiên.
- Vòm ngang được tạo bởi các xương cổ chân nêm vào và nền các xương bàn ngón.
Các cơ ở bàn chân
- Cơ ở mu chân là cơ nhỏ, giúp cơ duỗi các ngón chân.
- Cơ ở gan chân giúp giữ vững các vòm gan chân và làm cho con người đứng vững trên mặt đất.
Bàn chân bao gồm nhiều xương, các cơ và khớp bàn chân, tạo lên một bàn chân vững chắc, giúp con người di chuyển, vận động hàng ngày. Nếu một trong các xương bàn chân, cơ hoặc khớp bị tổn thương, sẽ khiến quá trình vận động của con người bị hạn chế.
Gãy xương bàn chân
Gãy xương bàn chân là một chấn thương rất hay gặp, ảnh hưởng tới chức năng vận động của cơ thể, vì thế cần được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Nguyên nhân gãy xương bàn chân
Gãy xương chân là tình trạng xương bị vỡ, nghiền nát hoặc uốn cong do các nguyên nhân như:
- Gãy xương ngón chân do va chạm, đá vào vật cứng
- Gãy xương gót chân do ngã từ trên cao xuống, tai nạn
- Gãy các xương khác ở bàn chân do lực xoáy, vặn mạnh ở bàn chân hoặc tai nạn giao thông, té ngã, vận động quá mức
Gãy xương bàn chân thường bị đột ngột. Nhiều trường hợp gãy từ những vết nứt nhỏ ở xương trong thời gian dài trước đó. Trường hợp này hay gặp ở những vận động viên điền kinh, bộ đội…
Dấu hiệu cảnh báo gãy xương
Khi bị gãy xương, người bệnh sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng như:
- Đau nhức tại bàn chân
- Bầm tím
- Sưng
- Đi lại khó khăn
- Biến dạng xương như xương gãy đâm ra ngoài hoặc bàn chân trẹo hẳn sang một bên
Khi thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường ở bàn chân, bạn nên tới các bệnh viện có chuyên khoa Cơ xương khớp để bác sĩ trực tiếp thăm khám. Qua khám lâm sàng, kết hợp làm các chẩn đoán chuyên sâu như X-quang, bác sĩ sẽ xác định chính xác xương gãy, mức độ gãy xương. Từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Gãy xương bàn chân bao lâu thì lành?
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của gãy xương bàn chân, độ tuổi của từng người bệnh sẽ có thời gian phục hồi khác nhau.
- Trường hợp gãy xương nhẹ chỉ cần bó bột, đeo nẹp thì thời gian phục hồi nhanh hơn.
- Ngược lại trường hợp gãy xương mức độ nặng cần phải phẫu thuật đặt đinh, ốc vít… thì thời gian phục hồi lâu hơn.
Thông thường, khi bị gãy xương sẽ lành lại sau 2-3 tháng.
Để bệnh sớm hồi phục, người bệnh gãy xương cần tuân thủ theo đúng phương pháp điều trị của bác sĩ, dùng đúng thuốc, đủ liều lượng và thời gian quy định. Đồng thời tuân thủ theo hướng dẫn về chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt và ăn uống khoa học, tái khám kiểm tra theo đúng lịch hẹn.