Một số yếu tố được xem là nguyên nhân bệnh ung thư tinh hoàn như tinh hoàn co rút, tiếp xúc với một số hóa chất, có người thân bị bệnh, vv… Ngoài ra, người có chiều cao vượt trội (>190cm) có nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn cao hơn người bình thường. Cho tới nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân ung thư tinh hoàn một cách chính xác. Tuy nhiên, một số yếu tố được xem là nguy cơ gây bệnh như sau.
Menu xem nhanh:
Tinh hoàn co rút (tinh hoàn ẩn)
Tinh hoàn co rút ở nam giới được xem là nguyên nhân ung thư tinh hoàn quan trọng nhất. Khi trẻ trai phát triển trong tử cung của người mẹ, tinh hoàn cũng phát triển. Các tinh hoàn sau đó di chuyển xuống bìu khi em bé được sinh ra hoặc trong năm đầu tiên của cuộc đời.
Tuy nhiên, đối với một số trẻ, tinh hoàn không xuống, gọi là tinh hoàn co rút hoặc tinh hoàn ẩn. Những trẻ này thường cần phẫu thuật để di chuyển tinh hoàn xuống. Nếu bạn đã từng phẫu thuật để di chuyển tinh hoàn xuống bìu, nguy cơ phát triển ung thư tinh hoàn có thể tăng lên.
Một nghiên cứu cho thấy rằng nếu phẫu thuật được thực hiện trước khi đứa trẻ được 13 tuổi, nguy cơ phát triển ung thư tinh hoàn sau này là khoảng gấp đôi so với những trẻ khác. Tuy nhiên, nếu phẫu thuật được thực hiện trên 13 tuổi, nguy cơ tăng lên 5 lần.
Trước đây từng bị ung thư tinh hoàn
Từng bị ung thư tinh hoàn ở một bên cũng là nguyên nhân bệnh ung thư tinh hoàn ở bên còn lại. Những người trước đây từng bị ung thư tinh hoàn có nguy cơ phát triển ung thư ở bên tinh oàn còn lại cao gấp 12 lần so với những người khác.Vì vậy, những người đã mắc bệnh nên thường xuyên kiểm tra để theo dõi.
Tuổi tác và chủng tộc
Không giống như hầu hết các loại ung thư khác, ung thư tinh hoàn thường phổ biến hơn ở nam giới trẻ tuổi và trung niên. 85% các trường hợp được chẩn đoán trong độ tuổi 15-49. Nam giới độ tuổi 30-34 có khả năng được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tinh hoàn nhiều nhất.
Ung thư tinh hoàn cũng phổ biến hơn ở những người da trắng.
Bệnh sử gia đình
Ung thư tinh hoàn có thể di truyền trong gia đình do kế thừa gen đột biến. Có một người thân có tiền sử ung thư tinh hoàn cũng là một nguyên nhân bệnh ung thư tinh hoàn quan trọng. Người có bố bị ung thư tinh hoàn, có nguy cơ mắc bệnh này nhiều hơn 4-6 lần so với người khác. Nếu có anh trai mắc ung thư tinh hoàn, nguy cơ này tăng lên 8-10 lần. Anh/em sinh đôi mắc ung thư tinh hoàn, nguy cơ ở người còn lại là 75%.
Chiều cao vượt trội
Một nghiên cứu đã được thực hiện trong năm 2008 cho thấy rằng chiều cao của con người ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh ung thư tinh hoàn.
Cụ thể, nam cao từ 190-194cm có nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn cao gấp hai lần so với nam giới có chiều cao trung bình.
Nam giới cao trên 195cm có nguy cơ mắc bệnh ung thư tinh hoàn cao gấp 3 lần.
Những người có chiều cao dưới 170cm giảm nguy cơ mắc bệnh khoảng 20%.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, có mối liên hệ giữa chiều cao và chế độ ăn uống. Những người cao thường đòi hỏi chế độ ăn uống có hàm lượng calo cao hơn, và điều này có thể là là một yếu tố nguy cơ dẫn tới ung thư.
Các chất hóa học
Một số loại thuốc trừ sâu hay Polychlorinated biphenyls (PCBs), các hợp chất hóa học được sử dụng như một chất làm mát, Dibutyl phthalate, một loại hóa chất được sử dụng để sản xuất mỹ phẩm, chẳng hạn như sơn móng tay có liên quan đến ung thư tinh hoàn. Tiếp xúc với các chất này làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, chưa có đủ bằng chứng cho điều này.
Vô sinh
Nam giới vô sinh có nhiều khả năng mắc ung thư tinh hoàn so với người bình thường. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng rõ ràng.
Hút thuốc
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người hút thuốc lâu dài (một gói 20 điếu thuốc mỗi ngày, trong 12 năm hoặc 10 điếu một ngày trong 24 năm) có nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn cao gấp 2 lần so với người không hút thuốc.
HIV và AIDS
Nghiên cứu cho thấy rằng những nam giới bị HIV hoặc AIDS có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư tinh hoàn.