Ung thư buồng trứng là bệnh lý nếu không điều trị kịp thời, tế bào ung thư sẽ xâm lấn tới các mô và cơ quan xung quanh, làm mất chức năng sản xuất nội tiết tố, sản xuất tế bào trứng, và khả năng mang thai của người phụ nữ. Vậy có những cách điều trị bệnh ung thư buồng trứng nào mang lại hiệu quả tích cực cho người bệnh, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Ung thư buồng trứng là gì, các giai đoạn bệnh
Ung thư buồng trứng là tình trạng xảy ra ở một hoặc cả hai buồng trứng xuất hiện các tế bào bất thường, hình thành nên những khối u ác tính có xu hướng xâm lấn và mở rộng sang những khu vực lân cận và cơ quan xa trên cơ thể. Có đến 90% ca bệnh xuất phát từ lớp ngoài của buồng trứng gọi là ung thư biểu mô buồng trứng.
Cũng như các bệnh ung thư khác, ung thư buồng trứng cũng bao gồm 4 giai đoạn:
– Giai đoạn I: Ung thư buồng trứng giới hạn ở một hoặc cả hai buồng trứng, ống dẫn trứng, chưa xâm lấn vào các hạch bạch huyết..
– Giai đoạn II. Tế bào ung thư đã lan sang các cơ quan ở khu vực khung chậu như là bàng quang, tử cung, đại trực tràng, tuy nhiên chưa lan đến các hạch bạch huyết và khu vực bên ngoài vùng chậu.
Giai đoạn III: Tế bào ác tính đã xâm lấn rộng ra khỏi xương chậu hoặc các hạch bạch huyết trong ổ bụng.
Giai đoạn IV: Là giai đoạn cuối cùng, ung thư buồng trứng đã di căn xa đến các bộ phận bên ngoài bụng, chẳng hạn như gan, xương, ruột, lá lách, phổi….
2. Điều trị bệnh ung thư buồng trứng bằng cách nào?
Để tìm được đúng phương hướng điều trị bệnh ung thư buồng trứng cần phụ thuộc vào kết quả sau thăm khám của người bệnh. Thông qua giai đoạn bệnh, mức độ xâm lấn, tuổi tác, sức khỏe hiện tại, bệnh sử, bệnh lý liên quan… từ đó bác sĩ chuyên khoa ung bướu sẽ đề xuất cách điều trị bệnh ung thư buồng trứng đạt hiệu quả nhất. Hiện tại sẽ có 3 phương pháp chủ yếu được sử dụng điều trị ung thư buồng trứng là phẫu thuật, hóa trị, xạ trị…
2.1 Phẫu thuật – Cách điều trị tại chỗ bệnh ung thư buồng trứng
Phẫu thuật là phương pháp chủ yếu được áp dụng đối với trường hợp bệnh nhân đang ở giai đoạn sớm, mục đích là để loại bỏ triệt để khối u ác tính ra khỏi cơ thể ngay khi kích thước khối u vẫn còn nhỏ, khu vực phát triển ung thư vẫn chủ yếu nằm trong buồng trứng.
Phẫu thuật thường bao gồm cắt bỏ 1 bên buồng trứng và ống dẫn trứng, cắt bỏ toàn bộ hai bên buồng trứng và ống dẫn trứng, cắt bỏ hoàn toàn buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, mạc nối, hạch bạch huyết trong ổ bụng tùy vào từng giai đoạn bệnh và mức độ xâm lấn ở mỗi người.
Phẫu thuật cũng có thể được thực hiện trước tiên sau đó kết hợp với hóa trị hoặc xạ trị để đảm bảo loại bỏ được hết tổ chức ung thư. Hoặc ngược lại phẫu thuật sẽ được thực hiện sau hóa trị hoặc xạ trị nhằm mục đích thu nhỏ khu vực cần phẫu thuật, để quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi và an toàn hơn.
2.2 Hóa trị – Cách điều trị tại chỗ bệnh ung thư buồng trứng
Là liệu pháp sử dụng thuốc/ hóa chất đưa vào cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư buồng trứng. Hóa trị thường được sử dụng để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau điều trị bằng phẫu thuật, kiểm soát sự gia tăng kích thước và mức độ xâm lấn của khối u trước phẫu thuật, điều trị giảm nhẹ triệu chứng của ung thư buồng trứng ở giai đoạn cuối.
Hóa chất điều trị ung thư buồng trứng thường ở các dạng qua đường tiêm tĩnh mạch, thuốc đường uống, thuốc bơm trực tiếp vào khoang bụng của người bệnh.
Hóa trị sử dụng cho ung thư buồng trứng nói riêng và ung thư nói chung đều theo cơ chế gây độc tế bào nghĩa là không chỉ tế bào ác tính bị tiêu diệt mà các tế bào khỏe mạnh cũng sẽ bị ảnh hưởng phần nào đó. Vì thế sẽ dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn như: Mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, rụng tóc, sạm da, rối loạn tiêu hóa… Các triệu chứng này có thể cải thiện và nhanh chóng hết khi người bệnh kết thúc quá trình sử dụng hóa trị toàn diện. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ của mình về các triệu chứng gặp phải để được theo dõi, tư vấn giải pháp, lời khuyên…
2.3 Xạ trị – Cách điều trị tại chỗ bệnh ung thư buồng trứng
Là cách điều trị bệnh ung thư buồng trứng sử dụng tia phóng xạ năng lượng cao để làm suy yếu tế bào ung thư nhưng vẫn đảm bảo đối với tế bào bình thường. Xạ trị có thể được chỉ định thay thế phẫu thuật hoặc điều trị kết hợp sau khi phẫu thuật để ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư có thể vẫn còn sót lại. Xạ trị cũng có thể được chỉ định thực hiện trước, trong hoặc sau khi sử dụng hóa chất. Một số trường hợp xạ trị sẽ là liệu pháp điều trị duy nhất bạn sẽ được khuyến nghị thực hiện.
3. Làm thế nào để tăng hiệu quả điều trị ung thư buồng trứng?
Cách để điều trị bệnh ung thư buồng trứng đạt hiệu quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó phác đồ điều trị là một yếu tố quan trọng. Bệnh nhân được xây dựng phác đồ điều trị toàn diện sau khi thăm khám, có kết quả chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh với bác sĩ. Hiện nay phác đồ sử dụng trong điều trị ung thư buồng trứng thường sẽ là phác đồ đa mô thức, kết hợp các phương pháp điều trị và thực hiện chúng trong từng thời điểm phù hợp để mang đến hiệu quả cao.
Trong quá trình điều trị bằng phác đồ đa mô thức, bệnh nhân mắc ung thư buồng trứng cần lưu ý tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ, đảm bảo thực hiện đúng liệu trình điều trị trong thời gian quy định… Và để người bệnh theo đúng được tiến trình điều trị yêu cầu bệnh nhân phải có một sức khỏe không bị suy nhược, cân nặng đảm bảo vì thế nên:
– Bệnh nhân cần cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, ăn uống lành mạnh, nên ăn nhiều bữa, chế biến đồ ăn theo nhiều cách để có thể tăng cảm giác thèm ăn…
– Luyện tập thể dục thể thao, thực hiện các bài tập vận động đơn giản mỗi ngày phù hợp với sức khỏe của từng bệnh nhân, để kích thích sự thèm ăn, tăng cường sức khỏe cho hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch, và cải thiện các vấn đề mất ngủ, khó ngủ, nâng cao tinh thần.
Cuối cùng, việc lựa chọn địa chỉ bệnh viện uy tín có chuyên môn cao trong điều trị ung bướu, đội ngũ y bác sĩ giỏi nhiều kinh nghiệm cũng sẽ giúp người bệnh có cơ hội được điều trị toàn diện, chăm sóc, và tư vấn chi tiết tận tâm, nghỉ ngơi trong một môi trường thoải mái nhất có thể.