Viêm mũi dị ứng có thể nói là bệnh lý đường hô hấp vô cùng phổ biến. Tuy không quá nguy hiểm, thế nhưng viêm mũi dị ứng để lâu có thể dẫn tới nhiều biến chứng tác động xấu đến sức khỏe người bệnh. Do đó, ngay khi nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu bị viêm mũi dị ứng, bạn nên thăm khám để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh cũng như được tư vấn phương pháp điều trị hiệu quả.
Vậy cách nhận biết và điều trị viêm mũi dị ứng thế nào, cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé!
Menu xem nhanh:
1. Nhận biết viêm mũi dị ứng qua biểu hiện nào?
Theo các chuyên gia định nghĩa, viêm mũi dị ứng là một dạng rối loạn dị ứng xảy ra khi niêm mạc mũi tiếp xúc với các dị nguyên trong không khí như: Phấn hoa, bụi, lông chó mèo, bông sợi trong quần áo… Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, từ trẻ em, người già đến phụ nữ mang thai. Viêm mũi dị ứng thường được chia làm 2 loại, đó là loại có chu kỳ và không có chu kỳ. Tùy thuộc vào loại viêm mũi mắc phải mà người bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau.
1.1. Dấu hiệu của viêm mũi dị ứng có chu kỳ
Viêm mũi dị ứng theo chu kỳ đa phần thường xảy ra vào đầu mùa lạnh hoặc mùa nóng, người bệnh thường gặp một số triệu chứng như:
– Thấy cay cay ở mũi, ngứa mũi, hắt hơi liên tục
– Cay mắt, đỏ mắt, chảy nhiều nước mắt
– Nước mũi trong suốt giống màu nước lã
– Ngứa ở vùng vòm hầu họng
– Hắt hơi, chảy nước mũi thường xuất hiện nhiều vào lúc sáng sớm và dịu đi khi ngủ dậy
1.2. Dấu hiệu của viêm mũi dị ứng không có chu kỳ
Đối với viêm mũi dị ứng, biểu hiện của bệnh cũng giống tương tự với loại có chu kỳ. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở chỗ là bệnh không xuất hiện theo mùa cũng như không phụ thuộc vào thời tiết. Thay vào đó, các cơn viêm mũi thường xảy ra đột ngột, triệu chứng nhận biết cũng không rõ ràng, người bệnh đôi khi chỉ có dấu hiệu hắt hơi vài cái. Tình trạng nghẹt mũi thường tăng dần và kéo dài khoảng giữa hai cơn liên tiếp.
Khi bệnh kéo dài có chiều hướng trở thành mạn tính, khi đó, tình trạng nghẹt mũi xảy ra thường xuyên, có khả năng dẫn đến ù tai, kèm nhức đầu hoặc đau nặng đầu, những triệu chứng này có biểu hiện khá giống với viêm xoang nên dễ gây nhầm lẫn. Một số trường hợp người bệnh có thể gây ra loạn khứu giác hoặc ngủ ngáy do bị nghẹt mũi.
2. Điểm qua các nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng
Với viêm mũi dị ứng có chu kỳ, nguyên nhân chủ yếu là do phấn hoa và bào tử. Điều này là do khi thời tiết thay đổi, nồng độ phấn hoa và bảo tử ở trong không khí tăng mạnh khiến cho niêm mạc mũi dễ bị kích ứng.
Với viêm mũi dị ứng không theo chu kỳ, theo các chuyên gia, nguyên nhân có thể là do bụi nhà. Những hạt bụi li ti bám trên các bề mặt đồ vật trong gia đình là “thủ phạm” gây ra các phản ứng kích ứng như hắt xì, sổ mũi.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, một số yếu tố khác gây bệnh viêm mũi dị ứng có thể bao gồm:
– Thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại
– Tiếp xúc nhiều với những yếu tố gây kích ứng mũi như lông động vật, khói thuốc, ký sinh trùng, nước hoa và mỹ phẩm
– Một số loại thuốc kháng sinh, thuốc nhỏ mũi có thể gây tác dụng phụ là viêm mũi dị ứng
– Các bệnh lý như viêm xoang, viêm amidan, viêm họng trở thành nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng
– Tiền sử ở trong gia đình từng có người bị viêm mũi dị ứng
– Người có sức đề kháng yếu nên thường xuyên bị cảm cúm, cảm lạnh
3. Chẩn đoán và điều trị viêm mũi dị ứng thế nào?
3.1. Biện pháp chẩn đoán viêm mũi dị ứng hiện nay
Bên cạnh thăm khám các dấu hiệu lâm sàng, hiện nay chuyên gia y tế có thể chẩn đoán viêm mũi dị ứng thông qua những phương pháp như:
– Test kích thích thông qua các phản ứng dị nguyên khác nhau
– Xét nghiệm dị ứng da dựa trên sự mẫn cảm tức thời của da (thông qua trung gian IgE) khi tiếp xúc với các dị nguyên
– Xét nghiệm máu qua thử nghiệm hấp thụ dị ứng phóng xạ, dựa trên xét nghiệm này, bác sĩ có thể xác định được dạng dị ứng cụ thể trong máu để từ đó đưa ra mức độ ảnh hưởng cụ thể của tình trạng dị ứng.
3.2. Viêm mũi dị ứng điều trị bằng phương pháp nào?
Điều trị viêm mũi dị ứng chủ yếu sử dụng thuốc để làm giảm các triệu chứng. Tuy nhiên, bạn không được tự ý mua thuốc điều trị mà cần có sự cho phép của các bác sĩ chuyên khoa. Tốt hơn hết, để việc điều trị đạt kết quả tốt nhất thì bạn nên thăm khám ngay từ khi phát hiện những dấu hiệu của bệnh.
– Thuốc kháng Histamin được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng do các kích thích từ môi trường. Lúc này, thuốc kháng histamin sẽ giúp ngăn chặn cơ thể tạo ra histamin
– Thuốc chống xung huyết Decongestant với tác dụng giảm tình trạng nghẹt mũi. Lưu ý với loại thuốc này thì bạn không được lạm dụng mà chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn, không kéo dài quá 3 ngày.
– Thuốc thông mũi OTC được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng cấp và mạn tính
Ngoài ra, trong quá trình điều trị, bác sĩ cũng có thể chỉ định sử dụng thêm thuốc nhỏ mắt và thuốc sổ mũi với người bệnh thường xuyên gặp phải tình trạng ngứa, sổ mũi và hắt hơi liên tục.
Lưu ý, cho dù sử dụng bất cứ loại thuốc nào thì tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ cũng là nguyên tắc đầu tiên bạn cần thực hiện. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc hoặc thay đổi liều lượng trong quá trình sử dụng có thể dẫn tới tình trạng kháng thuốc gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, nếu thấy cơ thể xuất hiện mẩn ngứa hoặc có các triệu chứng đau đầu, buồn nôn thì bạn nên liên hệ với bác sĩ ngay để được xử trí kịp thời.
4. Một số lưu ý dành cho người bệnh viêm mũi dị ứng
Đối với những người mắc viêm mũi dị ứng, đừng quên rằng chế độ sinh hoạt hợp lý sẽ là yếu tố quan trọng giúp bạn cải thiện các triệu chứng hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số biện pháp như sau:
– Vệ sinh thường xuyên để nhà cửa luôn sạch sẽ, thoáng mát, tránh tình trạng ẩm ướt tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển
– Đeo khẩu trang khi đi đường hoặc ở nơi có nhiều khói bụi
– Đảm bảo vệ sinh ăn uống, không ăn thực phẩm gây kích ứng
– Hạn chế tiếp xúc với lông động vật vì đây là tác nhân hàng đầu gây dị ứng
Tuy không phải là bệnh lý quá nguy hiểm, thế nhưng khi bị viêm mũi dị ứng, chúng ta cũng không được chủ quan bởi bệnh rất dễ gây biến chứng như: Viêm xoang mạn tính, viêm thanh quản, viêm tai giữa… Do đó, hãy điều trị từ sớm ngay khi phát hiện những dấu hiệu của bệnh để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Chuyên khoa Tai Mũi Họng – Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI là nơi quy tụ của các bác sĩ Tai-Mũi-Họng đầu ngành với hơn 30 năm kinh nghiệm. Ngoài ra, với sự hỗ trợ đắc lực của hệ thống thiết bị hiện đại, tân tiến được nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài sẽ giúp các bác sĩ “vươn dài cánh tay” về kỹ thuật, giúp việc điều trị của khách hàng đạt hiệu quả tốt nhất.