Nhiều trường hợp một gia đình có cả bố/ mẹ, con cái đều bị chẩn đoán bệnh ung thư khiến không ít người thắc mắc bệnh ung thư có di truyền không. Thông tin trong bài viết dưới đây sẽ giải đáp băn khoăn trên cho nhiều độc giả.
Các tế bào trong cơ thể phân chia, phát triển để tạo ra các tế bào mới và chết một cách có trật tự. Tế bào ung thư hình thành xuất phát từ các tế bào ung thư sắp chết, tiếp tục sinh sôi, phát triển tạo thành các tế bào bất thường mới và không có chức năng gì. Các tế bào bất thường phát triển không kiểm soát và có khả năng xâm lấn nhiều mô cơ thể.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh ung thư có di truyền không?
Một thực tế đã được thừa nhận là một phần yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư là yếu tố di truyền. Các bác sĩ cho biết, có đến 90 – 95% các trường hợp mắc bệnh ung thư là do yếu tố môi trường, thói quen sinh hoạt không tốt (hút thuốc lá, ăn nhiều thịt đỏ, ít hoạt động thể chất, làm việc trong môi trường hóa chất độc hại, vi rút , vi khuẩn…) và chỉ có khoảng 5 – 10% là do yếu tố di truyền.
Lưu ý dấu hiệu bệnh ung thư: giảm cân nhanh ngoài ý muốn
Các chuyên gia cho biết, những tổn thương gen có thể di truyền nhưng không di truyền cho tất cả con của người mang gen này. Chỉ khoảng 50% số con sẽ nhận di truyền các gen đó và trong số những người có gen sinh ung thư, không phải tất cả sẽ bị ung thư, chỉ một tỷ lệ mắc ung thư trong suốt cuộc đời.
2. Một số bệnh ung thư có đột biến di truyền cao
Một số bệnh ung thư có tỷ lệ đột biến di truyền cao là ung thư buồng trứng, ung thư dạ dày, ung thư vú…
2.1. Ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng là bệnh ung thư phụ khoa phổ biến ở nữ giới. Tỷ lệ các khối u có các đột biến di truyền của bệnh ung thư này lên tới 19%. Một số gen đột biến có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư buồng trứng bao gồm:
- Đột biến gen BRCA1, BRCA2: nữ giới mang gen đột biến BRCA1 có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng trong suốt cuộc đời là khoảng 35 – 70%. Với đột biến gen BRCA2, khoảng 10 – 30% nữ giới sẽ mắc ung thư buồng trứng trước độ tuổi 70 tuổi.
- Đột biến gen PTEN, STK11
- Hội chứng Lynch (ung thư đại trực tràng không polyp có tính di truyền) liên quan đến nhiều đột biến gen như MLH1, MLH3, MSH6… không chỉ làm tăng nguy cơ ung thư ruột mà còn liên quan đến ung thư buồng trứng. Nguy cơ mắc bệnh trong suốt những người này là khoảng 10%.
2.2. Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến ở cả nam giới và nữ giới. Tỉ lệ các khối u có đột biến di truyền ở bệnh ung thư này khoảng 11%. Một số đột biến gen có liên quan đến tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày bao gồm:
- Khiếm khuyết gen CDH1: tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày suốt cuộc đời lên đến 80%
- Hội chứng Lynch do đột biến gen MLH1, MLH3, MSH6…
- Hội chứng FAP do khiếm khuyết gen APC làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư dạ dày
- Đột biến gen TP53 tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày khi còn trẻ…
2.3. Ung thư vú
Ung thư vú phổ biến nhất trong các bệnh ung thư ở nữ giới tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Tỉ lệ các khối u có các đột biến di truyền ở bệnh nhân ung thư vú là khoảng 9%. Một số đột biến gen tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Đột biến gen BRCA1, BRCA2: 70% nữ giới mang gen đột biến này có nguy cơ mắc ung thư vú trước độ tuổi 80. Đột biến gen này cũng tăng 7 lần nguy cơ ung thư vú ở nam giới.
- CHEK2: những người mang gen đột biến này tăng 2 lần nguy cơ mắc ung thư vú
- ATM
- TP53
- STK11…
Những người mang gen đột biến gây ung thư đều thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao vì vậy khám sức khỏe và sàng lọc ung thư định kì sớm luôn được các bác sĩ khuyến khích.