Chế độ ăn uống có mối quan hệ mật thiết với bệnh trĩ nội. Cụ thể, chế độ ăn uống đúng cách sẽ giúp người bệnh trĩ hạn chế các triệu chứng và làm chậm lại quá trình phát triển của búi trĩ. Ngược lại, nếu ăn uống không khoa học sẽ khiến trĩ trở nặng và khó khỏi bệnh dù cho có áp dụng đúng phương pháp điều trị. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết.
Menu xem nhanh:
1. Mối liên hệ giữa bệnh trĩ nội và chế độ ăn uống
Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới trĩ đó là táo bón. Chính vì thế, nguyên tắc chung khi xây dựng chế độ ăn cho người bệnh trĩ đó là ngăn ngừa táo bón bằng cách lựa chọn các thực phẩm lành mạnh, tốt cho tiêu hóa.
Chế độ ăn ít rau xanh, nghèo chất xơ hoặc việc lười uống nước, ăn quá nhiều đồ ăn cay nóng, đồ ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ,… khiến cho chức năng tiêu hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi đó, quá trình chuyển hóa thức ăn bị rối loạn và sẽ dễ dẫn tới táo bón, đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ bệnh trĩ.
Không chỉ vậy, chế độ ăn uống cũng là một yếu tố quan trọng quyết định khả năng hồi phục cũng như hỗ trợ hiệu quả điều trị bệnh. Nhiều trường hợp, dù đã điều trị đúng cách song bệnh không có chuyển biến tích cực hoặc trĩ tái lại đều xuất phát từ việc xem nhẹ thói quen ăn uống. Chính vì thế, người bệnh trĩ cần hết sức lưu tâm vấn đề này.
2. Người bệnh trĩ nội nên ăn gì?
2.1. Ăn nhiều rau xanh và các thực phẩm giàu chất xơ
Chất xơ đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều hòa hệ thống tiêu hóa, giúp tiêu hóa tốt và nhuận tràng, ngăn ngừa táo bón. Người bệnh trĩ nên bổ sung thêm các nhóm thực phẩm giàu chất xơ hòa tan như mồng tơi, rau đay, đậu bắp, thanh long,… Hoặc nhóm thực phẩm chứa nhiều chất xơ không hòa tan như trái cây, rau xanh các loại, ngũ cốc nguyên hạt, khoai lang…
2.2. Thực phẩm giàu vitamin
Các loại hoa quả tươi giàu vitamin, khoáng chất thiết yếu là thực phẩm rất tốt với những người bị bệnh trĩ nội. Đặc biệt là những loại quả mọng như trái cây có múi (cam, chanh, quýt), nho, kiwi, việt quất,… Các vitamin có trong hoa quả giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, ngăn ngừa bệnh tật. Đặc biệt là thành phần chống oxy hóa sẽ giúp tái tạo lại các tế bào bị tổn thương.
2.3. Người bệnh trĩ nội cần uống nhiều nước
Người bị trĩ cần duy trì uống thật nhiều nước mỗi ngày. Uống từ 2 – 3 lít nước trong 1 ngày giúp cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể để đào thải độc tố và tham gia quá trình tiêu hóa thức ăn. Không chỉ vậy, nước còn giúp mềm phân, nhờ đó, mỗi lần đi đại tiện sẽ dễ dàng hơn, điều này rất tốt cho người bệnh trĩ.
2.4. Bổ sung các vi chất Magie và Kẽm
Đây là 2 loại vi chất giúp ổn định mạch máu, duy trì sự phát triển bình thường của các mô cơ, còn có tác dụng nhuận tràng, chống viêm tốt và chữa lành những vết thương.
Một số loại thực phẩm giàu Magie và Kẽm có thể tham khảo như sôcôla đen, bơ, quả hạnh, nho khô, các loại hạt, ngũ cốc nguyên cám,… Ngoài việc ăn uống, người bệnh cũng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để thay bằng các thực phẩm chức năng.
3. Người bệnh trĩ nội nên kiêng ăn gì?
3.1. Thực phẩm cay nóng
Đồ ăn cay nóng là nhóm thực phẩm hàng đầu mà người bệnh trĩ nên hạn chế tối đa. Hạn chế các loại gia vị cay như ớt, tiêu, gừng mù tạt, hạt tiêu,… Đồ ăn cay có tính nóng khiến cơ thể bị nóng trong dễ gây táo bón và khó tiêu. Điều này sẽ làm cho các triệu chứng trĩ nội ngày một nặng, cảm giác nóng ngứa nghiêm trọng hơn.
3.2. Thực phẩm giàu đạm
Các loại thực phẩm giàu đạm điển hình là các loại thịt đỏ như thịt lợn, thịt bò, thịt trâu,… Nếu tiêu thụ lượng thịt đỏ quá nhiều sẽ rất khó tiêu hóa, gây táo bón nặng và tình trạng trĩ thêm nghiêm trọng.
Thay vào đó, người bệnh trĩ có thể thay thế các loại thịt đỏ giàu đạm bằng các loại thịt trắng như cá, hải sản, thịt gà,.. hoặc một số nguồn đạm thực vật từ đậu, mè, các loại hạt,..
3.3. Thực phẩm nhiều muối
Thực phẩm nhiều muối, đồ ăn quá mặn khi đi vào cơ thể sẽ hút một lượng nước lớn khiến cho cơ thể bị mất nước. Như vậy sẽ không đủ lượng nước để làm mềm thức ăn, làm chậm lại quá trình tiêu hóa. Vì thế, phân sẽ bị cứng và dễ vón cục làm đại tiện khó, người bệnh thường phải rặn mạnh và gây ra áp lực lên vùng tĩnh mạch hậu môn và dễ dẫn tới trĩ.
3.4. Đồ ăn nhiều dầu mỡ
Những thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ hoặc các loại chất béo không tốt sẽ khiến dễ dẫn tới cảm giác đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, khi tình trạng kéo dài sẽ dẫn tới khó tiêu và táo bón.
3.5. Người bệnh trĩ nội cần tránh đồ uống có cồn
Rượu, bia và các loại đồ uống có chứa chất kích thích khác đều khiến cho cơ thể tích nhiệt, dễ đầy bụng, mất nước. Chất cồn còn làm hại tới trực tràng, thậm chí làm sung huyết dạ dày, cản trở quá trình lưu thông máu. Điều này được coi là tối kỵ với những người bệnh trĩ vì sẽ kiến bệnh thêm trầm trọng một cách nhanh chóng.
Bên cạnh chế độ ăn đúng cách, người bệnh bị trĩ nội cũng cần kết hợp điều chỉnh thói quen sinh hoạt hằng ngày cũng như chế độ vận động điều độ.
– Ưu tiên các môn thể thao cường độ vừa và nhẹ như đi bộ, tránh vận động quá sức như bê vác nặng, tập gym, cưỡi ngựa,…
– Tránh việc nằm/ngồi một chỗ quá lâu.
– Một số thói quen hằng ngày tốt cho người bệnh trĩ như đi vệ sinh đều đặn mỗi ngày, dùng loại giấy vệ sinh mềm, tránh việc rặn mạnh cả khi đại tiện khó,..
– Vệ sinh sạch sẽ và đúng cách vùng hậu môn từ 2-3 lần/ngày.
Một chế độ chăm sóc đúng cách là điều mà mọi người bệnh trĩ nội cần thực hiện. Người bệnh cần tiến hành thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá chính xác tình trạng búi trĩ và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cũng như được hướng dẫn về cách chăm sóc đúng cách.