Sỏi niệu đạo là một dạng tinh thể khoáng chất rắn nằm trong ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể hay còn gọi là niệu đạo. Vậy sỏi niệu đạo trước và sau là gì? Tại sao sỏi lại xảy ra ở nam giới? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi để giải đáp những thắc mắc về loại sỏi này nhé.
Menu xem nhanh:
1. Sỏi niệu đạo trước và sau là gì?
1.1 Niệu đạo trước và niệu đạo sau
Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang tới miệng sáo hay lỗ tiểu để thoát ra ngoài. Bên cạnh chức năng dẫn nước tiểu, niệu đạo ở nam giới còn giữ chức năng dẫn tinh dịch. Niệu đạo của nam giới có độ dài khoảng 18-20cm, và dài hơn gấp đến 6 lần so với nữ giới. Chính vì vậy chỉ có ở nam giới, niệu đạo mới được phân chia thành hai phần là niệu đạo trước và niệu đạo sau.
Niệu đạo trước dài khoảng 10-12cm, còn gọi là niệu đạo xốp vì có vật xốp bao quanh, gồm niệu đạo hành, niệu đạo dương vật, niệu đạo hố thuyền. Niệu đạo sau dài khoảng 4,5-5cm gồm niệu đạo tuyến tiền liệt và niệu đạo màng.
1.2 Sỏi niệu đạo trước và sau ở nam giới
Sỏi niệu đạo cũng là một loại sỏi tiết niệu xuất hiện ở niệu đạo mà không tự bài xuất được ra ngoài theo dòng nước tiểu. Thông thường sỏi niệu đạo thường xảy ra phần lớn ở nam giới hơn ở nữ giới bởi niệu đạo ở nam giới dài và hẹp nên quá trình di chuyển đưa sỏi ra ngoài cũng sẽ gặp khó khăn hơn.
Chính bởi chỉ ở nam giới niệu đạo mới được chia thành hai phần trước và sau, do đó sỏi niệu đạo trước và sỏi niệu đạo sau cũng là hai khái niệm chỉ dành riêng cho sỏi niệu đạo ở nam giới. Sỏi niệu đạo trước là sỏi nằm ở vị trí gần với lỗ sáo hơn, trên con đường xuôi từ niệu đạo hành đến niệu đạo hố thuyền. Sỏi niệu đạo sau là sỏi nằm ở đoạn trên gần bàng quang hơn, tại các vị trí niệu đạo tuyến tiền liệt, niệu đạo màng. Thông thường có đến ⅓ sỏi xuất hiện ở niệu đạo sau và ⅔ sỏi xuất hiện sỏi ở niệu đạo trước, và thường chỉ có 1 viên sỏi nằm dọc theo niệu đạo.
Tương tự như các loại sỏi khác, sỏi niệu đạo dù nằm ở trước hay sau, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, càng để lâu ngày sỏi càng lớn sẽ gây nhiều triệu chứng và biến chứng ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và sức khỏe người bệnh.
2. Sỏi niệu đạo gây ra những triệu chứng và biến chứng gì?
2.1 Triệu chứng đặc trưng của sỏi niệu đạo
Tùy vào từng vị trí, kích thước của sỏi và tình trạng sức khỏe của người bệnh mà các triệu chứng có thể khác nhau. Nhìn chung phần lớn sẽ có những triệu chứng điển hình do sỏi gây ra như:
– Tiểu buốt, tiểu ngắt quãng, tiểu són, tia tiểu nhỏ, buồn tiểu nhưng đi tiểu lượng nước ít.
– Cơn đau lan ở vùng bụng dưới, dương vật, trường hợp nước tiểu bị tắc hoàn toàn có thể dẫn đến cơn đau quặn thận.
– Sốt, ớn lạnh, buồn nôn là những biểu hiện bệnh nhân có thể gặp nếu tình trạng sỏi gây viêm nhiễm.
2.2 Những biến chứng nguy hiểm của bệnh sỏi niệu đạo
Niệu đạo là đoạn cuối cùng thông qua đó nước tiểu sẽ được đưa ra ngoài. Do vậy nếu sỏi không được loại bỏ kịp thời sẽ ngăn chặn sự lưu thông của dòng nước tiểu, gây ra tình trạng ứ đọng nước tiểu ở toàn bộ hệ tiết niệu, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
– Viêm, nhiễm trùng đường tiết niệu: Do sỏi ở vị trí đặc biệt nên khi cọ xát nhiều vào niệu đạo, sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào vết thương hở và phát triển gây viêm nhiễm.
– Thận ứ nước, ứ mủ, giãn đài bể thận: Nước tiểu không được thoát hoàn toàn ra ngoài sẽ dẫn đến tình trạng đẩy ngược lại thận, khiến thận sẽ bị giãn rộng, từ đó chức năng của thận cũng sẽ suy giảm theo thời gian.
– Suy thận cấp tính và mạn tính: Đây là bệnh lý nguy hiểm, nếu chức năng thận suy giảm nhiều người bệnh cần phải thay thận, ghép thận tốn rất nhiều chi phí.
3. Các phương pháp điều trị sỏi niệu đạo trước và sau
Dựa vào kích thước, vị trí của sỏi, và khả năng đáp ứng điều trị của bệnh nhân, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị loại bỏ sỏi phù hợp, hiệu quả nhất.
3.1 Điều trị nội khoa
Sỏi nằm tại niệu đạo nghĩa là con đường sỏi có thể tự trôi ra ngoài ngắn hơn so với sỏi ở các vị trí phía trên ở đường tiết niệu. Vậy nên nếu sỏi chưa gây nhiều tắc nghẽn, điều trị nội khoa sẽ được ưu tiên.
Bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thuốc để bào mòn sỏi, giảm đau, cải thiện các triệu chứng gây ra bởi sỏi… để sỏi có thể tự trôi ra bên ngoài cơ thể thông qua quá trình đi tiểu.
Bệnh nhân cần lưu ý tuân thủ yêu cầu sử dụng thuốc của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc mà không có chỉ định. Sau mỗi đợt điều trị bệnh nhân cần đến thăm khám để được đánh giá chính xác tình trạng bệnh. Trong trường hợp không đáp ứng điều trị bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp điều trị ngoại khoa.
3.2 Điều trị ngoại khoa
Đối với sỏi niệu đạo ở nam giới, cũng tùy vào vị trí sỏi ở trước và sau niệu đạo, cùng những yếu tố liên quan đến sức khỏe của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị ngoại khoa phù hợp.
– Bệnh nhân có thể được lấy sỏi ra ngoài bằng cách gắp sỏi niệu đạo qua miệng sáo (lỗ sáo) khi sỏi nằm ở vị trí niệu đạo trước nghĩa là sỏi nằm ở vị trí gần với lỗ sáo. Bác sĩ sẽ sử dụng thủ thuật và dụng cụ chuyên biệt để gắp sỏi ra ngoài.
– Trong trường hợp sỏi ở niệu đạo sau nghĩa là sỏi ở vị trí gần bàng quang: Phương hướng điều trị là đẩy sỏi niệu đạo vào bàng quang và áp dụng điều trị loại bỏ như sỏi bàng quang. Bệnh nhân có thể được sử dụng phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser để lấy sỏi ra ngoài mà không cần mổ mở.
– Khi sỏi ở niệu đạo không gắp và cũng không đẩy được vào bàng quang, bệnh nhân có tình trạng hẹp niệu đạo, hoặc tình trạng bí đái cấp, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật mở lấy sỏi.
Khi đã phát hiện mắc sỏi niệu đạo nói chung dù ở vị trí trước hay sau của niệu đạo, người bệnh cũng cần chủ động điều trị xử lý kịp thời để tránh gặp những biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe. Bên cạnh đó người bệnh cũng cần chú ý về những yêu cầu hay lời khuyên của bác sĩ về chế độ ăn uống, vận động, sử dụng thuốc, thăm khám định kỳ để bệnh nhanh chóng được cải thiện và giảm thiểu nguy cơ tái phát.