Cường giáp là tên gọi tắt là hội chứng cường chức năng tuyến giáp. Đây là tình trạng tăng nồng độ hormon tuyến giáp trong máu. Nồng độ các chất này tăng trong máu sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào? Bệnh cường giáp có nguy hiểm không? Bạn có thể tham khảo những thông tin dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Vai trò của tuyến giáp với cơ thể
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng trong cơ thể. Vai trò của tuyến giáp được thể hiện thông qua tác động của các hormon tuyến giáp. Trong đó, hormon tuyến đóng vai trò: Tăng cường chức năng trao đổi chất của tế bào, kích thích tăng trưởng của cơ thể, ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan trong cơ thể như: tim mạch, hô hấp, chuyển hóa, sinh dục… Vì thế khi chức năng tuyến giáp bị rối loạn sẽ dẫn đến hội chứng với nhiều biểu hiện trên các cơ quan khác nhau trong cơ thể.
2. Thế nào là cường giáp?
Cường giáp là tình trạng tăng năng tuyến giáp hay tuyến giáp sản xuất ra lượng hormon cao hơn bình thường. Cường giáp có hai loại là bệnh Basedow hay còn gọi là bướu cổ lồi mắt (chủ yếu) và bướu cổ đa nhân nhiễm độc. Hội chứng có biểu hiện điển hình là tình trạng tăng chuyển hóa: ăn nhiều, uống nhiều, sút cân nhanh chóng, nhịp tim nhanh thường dẫn đến loạn nhịp tim và suy tim, tăng chuyển hóa cơ thể dẫn đến tình trạng da dẻ nóng, người nóng nảy, hay cáu gắt, khó ngủ và rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn tình dục….
3. Biểu hiện của cường giáp
Khi gặp cường giáp trạng, người bệnh không thấy những triệu chứng lâm sàng rõ rệt mà chỉ xuất hiện biểu hiện tình trạng bướu cổ kèm theo các dấu hiệu tăng chuyển hóa:
– Sụt cân trầm trọng, thậm chí có thể sụt 10 kg trong thời gian ngắn.
– Căng thẳng, hồi hộp, tim đập nhanh.
– Run giật đột ngột.
– Luôn có cảm giác nóng nực, bực tức, đổ mồ hôi nhiều.
– Rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu).
– Rối loạn thị giác: mắt mờ, nhạy cảm với ánh sáng.
– Khó thở, thở gấp.
– Phì đại tuyến giáp.
– Giảm ham muốn, giảm chất lượng tình dục, rối loạn kinh nguyệt.
4. Cường giáp có nguy hiểm không?
Đây là thắc mắc của nhiều người và có thể nói trước các biểu hiện rầm rộ của bệnh cường giáp có thể thấy đây là một bệnh lý nguy hiểm. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: suy tim, hiếm muộn, bão giáp…nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Tuy nhiên, ngay cả việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn vì cơ chế bệnh sinh vẫn còn đang được nghiên cứu. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà khả năng đáp ứng điều trị và hồi phục khác nhau.
Hiện nay có 3 biện pháp được áp dụng trong điều trị bệnh bao gồm: sử dụng thuốc kháng giáp kết hợp với các thuốc điều trị biến chứng, dùng iod phóng xạ, phẫu thuật tuyến giáp (ít được sử dụng do nguy cơ cao dẫn đến suy giáp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, sử dụng để khắc phục triệu chứng nặng của bệnh hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác).
Mặc dù vậy, các bệnh nhân cường giáp hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Người bệnh cần kiên trì thực hiện theo chỉ dẫn của các chuyên gia y tế giàu kinh nghiệm.