Hội chứng ống cổ tay khá phổ biến ở những người lao động chân tay hoặc những công việc tạo sức ép lớn lên cổ tay hằng ngày như bác sĩ phẫu thuật, vận động viên, thợ may,… Trong quá trình điều trị bệnh, việc kết hợp thực hiện các bài tập phục hồi chức năng hội chứng ống cổ tay tại nhà là rất cần thiết. Các bài tập này nhằm hỗ trợ cải thiện đáng kể khả năng vận động của người bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu: Hội chứng ống cổ tay là bệnh gì?
Hội chứng ống cổ tay xảy ra khi có sự chèn ép dây thần kinh đi qua ống cổ tay. Nguyên nhân dẫn đến sự chèn ép này có thể là do người bệnh phải thực hiện lặp đi lặp lại hằng ngày các thao tác bằng tay như chơi nhạc cụ, bác sĩ phẫu thuật, người lao động chân tay, vận động viên, thợ may vá,… Ở một số ít dân văn phòng, những người phải làm việc liên tục với máy tính cũng có nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay.
Hội chứng ống cổ tay thường tiến triển chậm theo thời gian, chỉ đến khi mức độ chèn ép nặng dần, gây ảnh hưởng đến chức năng thần kinh thì người bệnh mới bắt đầu có cảm giác đau, tê tay, ngứa ran ở các ngón tay. Từ đó gây ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt hằng ngày, kể cả những hoạt động đơn giản như cầm nắm, gõ bàn phím cũng trở nên khó khăn. Bệnh này có tỷ lệ gặp phải ở nữ giới cao gấp 3 lần so với nam giới do kích thước cổ tay nữ giới nhỏ hơn nên dây thần kinh sẽ dễ bị đè ép hơn.
Về điều trị hội chứng ống cổ tay sẽ được bác sĩ chỉ định dựa theo mức độ bệnh bao gồm điều trị bảo tồn bằng thuốc trong giai đoạn đầu của bệnh và điều trị ngoại khoa với những trường hợp nặng. Song song với chỉ định điều trị, người bệnh cần kết hợp thực hiện các bài tập vật lý trị liệu để cải thiện tốt chức năng cổ tay.
2. Các bài tập phục hồi chức năng hội chứng ống cổ tay hiệu quả
Những bài tập vật lý trị liệu có thể thực hiện đơn giản tại nhà với 2 mục đích chính là giúp cánh tay linh hoạt hơn và giảm triệu chứng đau, tê. Mỗi bài tập có thể được thực hiện nhiều lần trong ngày. Người bệnh nên kiên trì luyện tập đều đặn để cải thiện tích cực hội chứng ống cổ tay theo từng ngày.
2.1. Bài tập tư thế cầu nguyện giúp phục hồi chức năng hội chứng ống cổ tay
Nhịp 1, bạn bắt đầu luyện tập bằng tư thế chắp tay giống như đang cầu nguyện. Sau đó lần lượt tách các ngón tay ra, cố gắng tách các ngón tay xa nhất có thể và “gác chuông” các ngón tay lại. Nhịp thứ 2 sẽ tách hai lòng bàn tay ra trong khi các ngón tay cố gắng vẫn giữ lại với nhau.
Bài tập này có tác dụng giúp kéo căng gân gan bàn tay và các cấu trúc ống cổ tay. Từ đó giảm đáng kể tình trạng chèn ép dây thần kinh giữa trong hội chứng ống cổ tay. Thực hiện tốt bài tập này sẽ cho tác dụng cải thiện triệu chứng rất hiệu quả.
2.2. Lắc tay đúng cách giúp phục hồi chức năng hội chứng ống cổ tay
Ở bài tập này, bạn thực hiện lắc tay giống với tư thế lắc tay khi vừa rửa tay xong. Chú ý, thao tác thực hiện nhẹ nhàng, không nên dùng sức lắc quá mạnh. Bạn có thể thực hiện bài tập này nhiều lần trong ngày mỗi khi có thời gian hoặc làm khi thư giãn tay sau khi phải vận động liên tục một động tác.
Bài tập lắc tay đơn giản này sẽ giữ cho các cơ gấp của bàn tay và hệ thống dây thần kinh giữa không bị chèn ép hay căng cứng, tránh bị chuột rút cổ tay.
2.3. Xòe ngón tay kết hợp với duỗi cổ tay
Cách thực hiện như sau:
– Đặt một cánh tay để thẳng ra trước mặt, duỗi thẳng phần khuỷu tay, mở rộng cổ tay sao cho để các ngón tay hướng xuống sàn.
– Các ngón tay bắt đầu xòe ra, dùng bàn tay còn lại xoa bóp nhẹ nhàng lên phần cổ tay, bàn tay hướng xuống. Lưu ý, ở động tác này, cổ tay và các ngón tay để duỗi ở mức tối đa.
– Giữ tư thế cổ tay linh hoạt và các ngón tay duỗi tối đa trong khoảng 20 giây.
– Đổi bên tay và lặp lại theo tư thế hướng dẫn bên trên.
Nên thực hiện động tác xòe ngón tay kết hợp duỗi cổ tay từ 2 – 3 lần ở mỗi bên cánh tay và lặp lại hàng giờ. Trong nhiều trường hợp, người bị hội chứng ống cổ tay thực hiện kiên trì đều đặn động tác này đã cải thiện đáng kể độ linh hoạt của tay.
3. Những thói quen hằng ngày tốt cho người bệnh gặp hội chứng ống cổ tay
Bên cạnh việc điều trị tích cực theo đúng chỉ định của bác sĩ kết hợp thực hiện các bài tập vật lý trị liệu đơn giản tại nhà, người bệnh cần lưu ý những thói quen hằng ngày tốt cho việc điều trị cũng như tốt cho hoạt động ở tay như:
– Chú ý giữ cổ tay được thẳng. Tránh các động tác khiến cho cổ tay bị uốn cong về cả 2 hướng.
– Giữ ấm tay. Điều này sẽ giúp giảm các triệu chứng đau và tê tay.
– Thư giãn tay, không vận động tay lặp đi lặp lại liên tục, phải có một thời gian nghỉ nhất định giữa các lần vận động tay.
– Nghỉ ngơi điều độ, người bệnh không được làm việc quá sức nhất là vận động quá sức ở tay
– Thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, thiết kế khẩu phần khoa học giúp tăng cường sức khỏe tổng thể.
Điều trị hội chứng ống cổ tay đòi hỏi tính lâu dài và tuân thủ đúng các yêu cầu từ bác sĩ, Người bệnh nên tham khảo và kiên trì thực hiện đúng theo các bài tập phục hồi chức năng hội chứng ống cổ tay để cải thiện tốt khả năng vận động. Bạn có thể áp dụng bài tập vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Bên cạnh việc luyện tập, người bệnh cũng cần tích cực điều trị bằng thuốc theo chỉ định, thực hiện nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý để nhanh chóng cải thiện bệnh tích cực.