Xơ gan giai đoạn mất bù chức năng gan đã suy giảm nghiêm trọng, các mô gan lành bị thay thế bởi mô sẹo, không còn khả năng phục hồi. Xơ gan mất bù gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể.
Menu xem nhanh:
1. Xơ gan giai đoạn mất bù là gì?
Xơ gan mất bù là giai đoạn cuối của xơ gan, hay còn gọi là xơ gan cổ trướng. Lúc này hầu hết mô gan khỏe mạnh đều đã bị xơ hóa, suy giảm chức năng gan nghiêm trọng. Những tế bào chưa bị xơ hóa không thể bù đắp cho phần mô xơ sẹo nên gọi là xơ gan mất bù.
Khi xơ gan chuyển sang giai đoạn mất bù thì gan đã bị tổn thương nghiêm trọng, không còn khả năng tái sinh tế bào mới. Việc điều trị xơ gan trong giai đoạn này chỉ giảm triệu chứng, để người bệnh không quá khó chịu. Đồng thời phòng ngừa biến chứng, kéo dài sự sống cho bệnh nhân.
2. Triệu chứng xơ gan mất bù
Biểu hiện của xơ gan mất bù xuất hiện khi bệnh đã nghiêm trọng, không còn khả năng hồi phục. Người bệnh trong giai đoạn này có biểu hiện tích nước trong cơ thể, phù, chướng bụng, suy giảm chức năng thận.
– Sút cân trong thời gian ngắn, nôn, tiêu chảy
– Chân bị mềm, phù, ấn vào có vết lõm, đợi 1-2 phút mới biến mẩt
– Đại tiện phân đen do xuất huyết tiêu hóa.
– Cổ trướng ít đến nhiều, căng bụng do dịch ứ đọng
– Da có màu vàng nhẹ, sau đó đậm hơn. Vàng da xuất hiện ở các vùng niêm mạc sau lan ra toàn thân
– Gan không lọc được amoniac dẫn tới nhiễm độc não, người bệnh hôn mê lúc ngất, lúc tỉnh.
– Suy thận, sao mạch trên da
– Môi lưỡi, mắt nhợt nhạt, bầm huyết dưới da do viêm phúc mạc.
Bệnh nhân xơ gan ở giai đoạn mất bù có thể chuyển sang ung thư, gây tử vong trong thời gian ngắn.
3. Biến chứng nguy hiểm xơ gan giai đoạn mất bù
Xơ gan mất bù gây ra nhiều triệu chứng và biểu hiện rõ ràng hơn giai đoạn còn bù. Thậm chí xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm:
3.1 Xuất huyết nội tạng
Theo thống kê có đến 50% bệnh nhân xơ gan mất bù gặp phải tình trạng xuất huyết nội tạng. Đây là triệu chứng phổ biến của bệnh do các tĩnh mạch cửa gan giãn ra, phồng lên, vỡ và gây xuất huyết.
3.2 Xơ gan giai đoạn mất bù: Cổ trướng
Xơ gan mất bù hay còn gọi là xơ gan cổ trướng vì tỉ lệ gặp phải tình trạng này chiếm đến 85%. Bụng người bệnh xơ gan giai đoạn cuối bị phình to ra, da bụng căng, các mạch máu dưới da nổi lên, rốn lồi gây đau đớn, khó chịu.
Phù nề
Bệnh nhân xơ gan chuyển giai đoạn mất bù dễ bị phù nề ở tay chân. Do tế bào gan bị xơ hóa, gan không thể đảm bảo chức năng đào thải độc tố ra ngoài nên dịch tích tụ lại. Người bệnh bị phù 2 chi dưới, thậm chí nặng hơn có thể phù toàn thân.
3.3 Xơ gan giai đoạn mất bù: Vàng da
Triệu chứng vàng da, vàng mắt rất dễ thấy ở những người có bệnh gan, trong đó có xơ gan. Ở giai đoạn mất bù, không chỉ mắt mà da toàn thân, móng tay sẽ chuyển sang màu vàng nghệ.
3.4 Não gan
Chứng não gan hay bệnh não do gan có thể xuất hiện khi tình trạng xơ gan mất bù trầm trọng. Nguyên nhân do gan mất chức năng thanh lọc và thải đọc, độc tố đặc biệt là amoniac tích tụ trong máu. Dẫn tới tăng nồng độ amoniac trong máu và não, gây ra bệnh não do gan. Khi xuất hiện triệu chứng, người bệnh mất dần ý thức, suy nhược cơ thể, mệt mỏi, mắt mờ. Nếu không được bác sĩ chuyên môn can thiệp kịp thời thì có thể đe dọa đến tính mạng.
4. Nguyên nhân xơ gan chuyển sang mất bù
Nguyên nhân chính khiến xơ gan chuyển sang giai đoạn mất bù là xơ gan khi ở giai đoạn còn bù không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh diễn biến ngày càng nặng, chuyển sang giai đoạn cuối. Nguyên nhân gây bệnh có thể do:
– Viêm gan siêu vi (viêm gan B, C) là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh xơ gan, xơ gan mất bù
– Gan nhiễm mỡ không do rượu
– Sử dụng quá nhiều rượu bia, thuốc lá khiến gan quá tải, cần hoạt động liên tục để đào thải độc tố. Lâu dần khiến chức năng gan suy giảm, phá hủy tế bào gan. Gây ra bệnh xơ gan và dẫn tới xơ gan mất bù.
Một số nguyên nhân khác có thể kể đến như:
– Bệnh sắt tích tụ trong cơ thể, hàm lượng sắt cao
– Bệnh tích tụ đồng trong gan
– Bệnh liên quan đến mật như: Viêm đường mật chính, tắc mật, viêm đường mật xơ cứng nguyên phát
– Rối loạn chuyển đường hóa di truyền
– Rối loạn đường tiêu hóa
– Do tác dụng phụ ảnh hưởng đến gan của một số loại thuốc.
5. Xơ gan giai đoạn mất bù sống được bao lâu
Hiện chưa có phương pháp nào chữa khỏi xơ gan mất bù. Mọi phương pháp điều trị đều chỉ giảm đau, giảm tốc độ xơ hóa để kéo dài tuổi thọ người bệnh.
Trong trường hợp xơ gan được phát hiện sớm ở giai đoạn còn bù, khi các tế bào gan chưa bị xơ hóa bù được vào lượng tế bào xơ hóa thì người bệnh có thể kéo dài tuổi thọ từ 10 – 20 năm.
Trong trường hợp xơ gan tiến triển lên giai đoạn mất bù thì người bệnh chỉ có thể kéo dài tuổi thọ từ 1-3 năm. Tuy nhiên có khoảng 50% trường hợp người mắc xơ gan mất bù chỉ sống thêm được 4-7 tháng.
Xơ gan mất bù nếu biến chứng thành ung thư gan và di căn thì tuổi thọ người bệnh suy giảm và thời gian sống kéo dài không quá 1 năm.
6. Yếu tố ảnh hưởng đến thời gian duy trì xơ gan mất bù
Người bệnh xơ gan mất bù sống bao lâu phụ thuộc vào thể trạng, hệ miễn dịch, biến chứng, mức độ nghiêm trọng của bệnh và khả năng đáp ứng với quá trình điều trị thế nào. Tâm lý cũng là yếu tố quan trọng kéo dài sự sống cho người bệnh. Người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị, tránh sợ hãi, lo lắng. Ăn uống và nghỉ ngơi theo hướng dẫn để tránh bệnh nặng thêm và biến chứng ung thư gan.
Xơ gan giai đoạn mất bù không còn khả năng phục hồi. Bởi vậy nên trong một vài trường hợp, bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên ghép gan để kéo dài sự sống cho người bệnh. Phương pháp này giúp người bệnh có thể sống thêm 15-20 năm. Tuy nhiên đây là phương pháp rất tốn kém, cần có gan hiến tặng và không phải ai cũng có thể thích nghi với gan sau ghép.
Trên đây là một số thông tin về xơ gan giai đoạn mất bù sống được bao lâu và một số biến chứng cần lưu ý. Thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ, tầm soát bệnh tật để theo dõi và kiểm soát tình trạng bệnh là cách hiệu quả để giảm các nguy cơ về xơ gan.