Xơ gan phát triển qua 4 giai đoạn khác nhau, mức độ sẽ ngày càng tăng dần theo thời gian và gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Vậy xơ gan F4 là gì? Xơ gan F4 có thể chữa khỏi được không? Cùng tìm hiểu ngay nhé!
Menu xem nhanh:
1. Xơ gan có nguy hiểm không?
Xơ gan tuỳ vào từng giai đoạn có thể gây ra biến chứng nguy hiểm cho người bệnh, nếu không được phát hiện từ sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng xơ gan cổ trướng. Đây là giai đoạn gan bị tổn thương nặng nề nhất. Gan mất đi chức năng hoạt động, không thể trao đổi chất và có nước trong ổ bụng gây chèn ép các cơ quan nội tạng, làm thay đổi cấu trúc tế bào gan và xơ hoá gan. Từ đó khiến chức năng lọc máu, tiêu hoá, bài tiết mật kém dần, suy giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh về đường ruột, đường tiết niệu, đường hô hấp và ống mật, gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
Không chỉ vậy, xơ gan còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể như: Xuất huyết tiêu hóa, bệnh não gan, nhiễm trùng. Đặc biệt xơ gan rất dễ chuyển biến thành ung thư gan, hiện nay tỷ lệ ung thư gan đang ngày một tăng cao.
2. Xơ gan F4 là gì? Triệu chứng của xơ gan F4
2.1. Xơ gan F4 là gì?
Xơ gan phát triển qua 4 giai đoạn khác nhau theo mức độ tăng dần, mỗi mức độ sẽ có những biến chứng đe dọa cho người bệnh khác nhau. Đối với giai đoạn F1, gan bắt đầu xuất hiện những thương tổn nhưng chưa có biểu hiện rõ ràng. Giai đoạn F2, gan xuất hiện những tổn thương nhiều hơn và các chức năng bắt đầu suy yếu rõ rệt, chất độc bị ứ đọng dần, không thể thoát ra ngoài. Ở giai đoạn F3, gan bắt đầu xuất hiện nhiều tổn thương với triệu chứng rõ rệt hơn, gan bắt đầu mất đi hầu hết các chức năng vốn có. Tại giai đoạn này, người bệnh đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng cổ trướng. Vậy còn xơ gan F4 là gì? Xơ gan giai đoạn F4 còn được gọi là xơ gan mất bù hoặc xơ gan cổ trướng bởi hiện tượng cổ trướng lúc này mới bắt đầu thể hiện ra rõ rệt hơn. Đây cũng là giai đoạn cuối của bệnh, tế bào gan lúc này đã bị tổn thương hoàn toàn, lúc này gan không còn chức năng nữa và bệnh cũng trở nên ngày một xấu hơn.
2.2. Triệu chứng xơ gan F4
Bệnh nhân xơ gan F4 sẽ xuất hiện một số biến chứng, triệu chứng bệnh lý khác như:
– Chán ăn, sụt cân nhanh chóng: Những bệnh nhân trong giai đoạn F4 này thường chán ăn, cơ thể trở nên suy nhược, sụt cân nhanh.
– Vàng da: Khi chuyển đến giai đoạn mất bù, da người bệnh sẽ trở nên vàng sẫm, móng tay, mắt của bệnh nhân cũng chuyển vàng.
– Uể oải, tinh thần không minh mẫn: Do chức năng thải độc của gan đã không còn, Amoniac sẽ thâm nhập lên não tạo ra chứng não gan. Bệnh nhân sẽ mất đi ý thức về hành vi, lời nói, luôn trong trạng thái lơ mơ, thèm ngủ.
– Phù chi, trướng bụng: Tuy rằng cân nặng giảm sút nhưng những bệnh nhân xơ gan F4 thường bị phù chân tay, bên trong chứa dịch lỏng, ấn vào có vết lõm phải mất 1 – 2 phút sau mới trở về bình thường, bụng phình to, da bụng căng bóng, các mạch máu nổi rõ rệt.
3. Xơ gan F4 có nguy hiểm không?
Xơ gan F4 có thể gây ra nhiều biến chứng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các biến chứng nặng có thể xảy ra như:
– Xuất huyết tiêu hoá do tăng áp lực tĩnh mạch cửa: Đây là biến chứng do các mô xơ gan chèn ép lên các mạch máu, việc tăng huyết áp tĩnh mạch cửa sẽ khiến huyết áp trở nên dễ vỡ hơn và gây ra hiện tượng xuất huyết nội tạng.
– Bệnh não gan: Đây là một bệnh nguy hiểm, xảy ra do sự tác động lên não từ các chất mà gan chuyển hóa, gây ra tình trạng rối loạn tri thức như: ngủ gà gật, lơ mơ, không tỉnh táo, mất đi ý thức, tay chân run rẩy.
Ngoài ra còn có các biến chứng khác như: Cổ trướng, viêm phúc mạc tiên phát, hội chứng gan thận, hội chứng gan phổi, ung thư gan.
4. Xơ gan F4 có chữa được không?
Đối với xơ gan giai đoạn F4 thì hiện nay vẫn chưa có khả năng chữa khỏi hoàn toàn, mọi việc chữa trị lúc này mục đích là giảm thiểu tối đa các triệu chứng cho người bệnh và ngăn ngừa bệnh xơ gan tiến triển thành ung thư gan. Bác sĩ chuyên khoa gan mật sẽ thăm khám và đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn.
5. Phương pháp chẩn đoán xơ gan
5.1. Xét nghiệm máu
Trong chẩn đoán xơ gan, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh xét nghiệm máu để đánh giá chức năng gan và tổn thương ở gan. Nếu phát hiện nồng độ của enzyme alanine transaminase (ALT) và Aspartate transferase (AST) trong máu tăng cao vượt mức, đây là dấu hiệu cảnh báo tình trạng của viêm gan.
5.2. Chẩn đoán hình ảnh
Các xét nghiệm chẩn đoán xơ gan bằng hình ảnh thường được sử dụng là chụp cắt lớp vi tính (CT), siêu âm màu 4D hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Các loại xét nghiệm này giúp xác định được sự bất thường ở gan, đánh giá mức độ xơ hóa gan bằng máy siêu âm đo độ đàn hồi xơ gan.
Ngoài ra, tại Thu Cúc còn một phương pháp hiện đại nhất được ưu tiên hiện nay chính là siêu âm đàn hồi mô gan. Đây là kỹ thuật giúp phân tích độ cứng của mô gan khi chịu tác động của lực cơ học thông qua mức độ đàn hồi của mô. Giúp đánh giá khối tổn thương ở mô gan, cho phép nhận định sơ bộ về tổn thương với độ chính xác cao. Ưu điểm của kỹ thuật này chính là không xâm lấn, dễ dàng thực hiện được cả ở bệnh nhân béo phì, báng bụng và có thể áp dụng cho nhiều cơ quan khác nhau.
5.3. Sinh thiết gan
Đây là phương pháp chẩn đoán xơ gan bằng cách lấy một mô mẫu nhỏ ở trong gan và kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định các tổn thương trong gan, viêm gan nhiều hay ít hay bệnh gan đang ở giai đoạn nào.