Có 4 phương pháp xét nghiệm HP phổ biến hiện nay, trong đó có xét nghiệm huyết thanh. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng đi sâu tìm hiểu phương pháp xét nghiệm vi khuẩn HP thông qua xét nghiệm máu nhé.
Menu xem nhanh:
1. Ý nghĩa của xét nghiệm HP huyết thanh
Nhiều người cho rằng việc thực hiện xét nghiệm máu để phát hiện vi khuẩn HP sẽ giúp kiểm tra khả năng bị viêm loét đường tiêu hóa. Tuy nhiên, đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm.
Nguyên lý hoạt động của xét nghiệm huyết thanh phát hiện khuẩn HP chính là việc tìm kiếm các kháng thể chống lại khuẩn HP. Các kháng thể này được sản sinh ra khi cơ thể nhiễm vi khuẩn HP. Loại kháng thể chống lại khuẩn HP tồn tại trong máu và phát hiện được thông qua xét nghiệm máu.
Kết quả của xét nghiệm máu nhằm kiểm tra khả năng cơ thể bạn có kháng thể với vi khuẩn HP hay không. Nếu bạn dương tính với kháng thể HP trong máu, điều đó đồng nghĩa là bạn đang bị nhiễm khuẩn HP hoặc đã bị nhiễm khuẩn HP trong quá khứ.
Tuy nhiên, vi khuẩn HP ở trong cơ thể không đồng nghĩa với việc chúng ta bị mắc bệnh về đường tiêu hóa. Bởi có nhiều trường hợp vi khuẩn HP không hoạt động và không gây bệnh ở người.
2. Đặc điểm của phương pháp xét nghiệm máu phát hiện vi khuẩn HP
2.1. Ưu điểm của phương pháp xét nghiệm HP huyết thanh
Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là thực hiện, phù hợp với gần như mọi đối tượng. Về cơ bản, xét nghiệm máu phát hiện khuẩn HP cũng được thực hiện tương tự như xét nghiệm máu khi đi kiểm tra sức khỏe. Thủ thuật được tiến hành nhanh chóng, ít xâm lấn, đa số chỉ cảm thấy đau nhói khi đưa kim vào cơ thể và khi rút ra.
Xét nghiệm huyết thanh có thể thực hiện nhiều lần mà không gây biến chứng nguy hiểm cho cơ thể. Tuy nhiên, xét nghiệm này thường chỉ được sử dụng để chẩn đoán bệnh, không dùng để theo dõi quá trình điều trị.
Một ưu điểm khác của phương pháp này nằm ở vấn đề chi phí. Giá thực hiện xét nghiệm máu khá rẻ, phù hợp với nhiều đối tượng.
2.2. Nhược điểm của phương pháp xét nghiệm HP huyết thanh
Xét nghiệm máu có độ nhạy cao, nên khả năng cho ra kết quả “dương tính giả” cũng rất cao. Ví dụ như sau: trường hợp vi khuẩn HP đã hoàn toàn hết sau khi điều trị, nhưng kháng thể kháng HP lại giảm rất chậm. Thực hiện xét nghiệm không đúng thời điểm có thể cho ra kết quả “dương tính giả”, làm sai lệch kết luận.
Xét nghiệm huyết thanh phát hiện HP cũng không hỗ trợ phát hiện vi khuẩn HP tại một cơ quan nhất định. Ví dụ, bạn muốn kiểm tra khả năng người bệnh bị loét dạ dày do khuẩn HP, nhưng nếu cơ thể cũng tồn tại khuẩn HP trong khoang miệng thì xét nghiệm sẽ cho ra kết quả dương tính. Tuy nhiên, chúng ta lại không đủ cơ sở để khẳng định nguyên nhân loét dạ dày là do có khuẩn HP tại đường ruột.
Tuy phù hợp với rất nhiều đối tượng nhưng xét nghiệm máu phát hiện khuẩn HP cũng không thể thực hiện với người đang mắc bệnh về máu. Người đang dùng thuốc điều trị cũng không thể làm xét nghiệm này. Bởi các loại thuốc có thể tác động làm thay đổi nồng độ nội tiết tố hoặc các hợp chất trong thành phần máu, khiến kết quả bị sai lệch.
3. Lưu ý thực hiện xét nghiệm máu để phát hiện vi khuẩn HP
Người bệnh khi đi xét nghiệm vi khuẩn HP cần nhịn ăn từ 4 – 6 tiếng để tăng khả năng chính xác của xét nghiệm. Thời điểm thực hiện xét nghiệm nên là buổi sáng, khi các chỉ số trong cơ thể ổn định.
Bên cạnh đó, sau khi có kết quả xét nghiệm bạn cũng cần lưu ý:
– Nếu kết quả dương tính, người bệnh chỉ nên lấy đó là cơ sở tham khảo cho tình trạng bệnh. Hãy tiếp tục thực hiện thêm phương pháp kiểm tra khác để có kết luận chính xác hơn. Các bác sĩ thường sẽ chỉ định thực hiện nội soi, có thể kết hợp sinh thiết hoặc không. Điều này sẽ giúp xác minh chính xác hơn về khả năng bạn có nhiễm khuẩn HP không. Đồng thời, bác sĩ có thể đánh giá cụ thể về tình trạng bệnh để có hướng điều trị phù hợp nhất.
– Trường hợp kết quả âm tính, bạn có thể an tâm về khả năng không nhiễm khuẩn HP. Tuy nhiên, nếu cơ thể bạn có những biểu hiện bệnh lý bất thường ở đường tiêu hóa thì vẫn nên thực hiện các phương pháp kiểm tra khác. Bởi vẫn có một tỷ lệ nhỏ người bị bệnh đường tiêu hóa không liên quan tới khuẩn HP.
Bên cạnh xét nghiệm máu, việc kiểm tra vi khuẩn HP còn có thể được thực hiện thông qua xét nghiệm phân, xét nghiệm đường thở hay xét nghiệm sinh thiết. Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ đưa ra tư vấn thực hiện xét nghiệm phù hợp với bạn. Vì vậy, hãy chú ý lựa chọn những cơ sở y tế chất lượng để đảm bảo quyền lợi của bản thân bạn nhé.