Viêm ruột nhiễm khuẩn là bệnh do các vi khuẩn dạng campylobacter gây ra. Ðây cũng là nguyên nhân gây tiêu chảy quan trọng nhất trên toàn thế giới và ở mọi lứa tuổi. Hiểu đúng về bệnh viêm ruột nhiễm khuẩn sẽ giúp phát hiện và điều trị hiệu quả bệnh.
Nguyên nhân gây viêm ruột nhiễm khuẩn
Nguyên nhân gây bệnh thường là do vi khuẩn. Các vi khuẩn rất đa dạng. Ổ chứa vi khuẩn là động vật, gia súc và gia cầm. Chó con, mèo con, các vật nuôi làm cảnh khác, các động vật gậm nhấm và chim, lợn, cừu đều có thể là nguồn lây bệnh cho người qua tiếp xúc. Thời kỳ lây truyền kéo dài suốt giai đoạn nhiễm khuẩn, thường từ vài ngày đến vài tuần.
Triệu chứng của bệnh
Đây là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính với các đặc điểm điển hình như tiêu chảy, đau bụng, mệt mỏi, sốt, buồn nôn và nôn. Thời kỳ ủ bệnh có thể từ 2 – 5 ngày, cũng có thể là từ 1 – 10 ngày tuỳ theo thể trạng của từng người.
Khi mắc bệnh, người bệnh đi ngoài phân lỏng, có nhiều máu hoặc không rõ, lẫn với chất nhày và có bạch cầu. Có thể có hội chứng giống thương hàn hoặc viêm khớp hoạt tính. Hiếm khi bệnh nhân có sốt cao co giật.
Một số bệnh nhân có biểu hiện giống viêm ruột thừa cấp tính, nhưng cũng có những trường hợp biểu hiện bệnh không rõ ràng. Ở các nước phát triển, trẻ dưới 5 tuổi và thiếu niên có tỷ lệ mắc cao nhất, còn ở các nước đang phát triển đối tượng chủ yếu là trẻ dưới 2 tuổi.
Viêm ruột nhiễm khuẩn có thể phòng ngừa
Để phòng bệnh viêm ruột nhiễm khuẩn mọi người cần ăn chín, uống nước sôi, nấu chín kỹ các thức ăn có nguồn gốc từ gia cầm, chỉ uống sữa đã tiệt khuẩn, tránh để thức ăn bị nhiễm bẩn lại sau khi đã nấu chín.
Nếu gia cầm, gia súc nuôi mắc bệnh cần phải được điều trị kháng sinh, người tiếp xúc nên mặc quần áo bảo hộ, đi giày dép vào chuồng trại. Khi vật nuôi bị ốm không nên cho trẻ ôm ấp, gần gũi để tránh lây bệnh.
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay thường xuyên trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh bằng xà phòng tiệt khuẩn.
Các chất thải của người và gia cầm, gia súc, vật nuôi phải được tập trung ở những khu cách ly với nơi sinh sống, không chỉ để tránh phát tán các vi khuẩn gây viêm ruột mà còn nhiều bệnh truyền nhiễm khác.
Nếu có người bị nhiễm bệnh, cần đưa đi đến các cơ sở y tế, tránh tự ý dùng kháng sinh vì dễ gây ra kháng thuốc và khó khăn cho điều trị khi bệnh tái phát hoặc mắc phải bệnh nhiễm khuẩn khác có chỉ định dùng kháng sinh.
Phòng ngừa viêm ruột nhiễm khuẩn không khó. Chúng ta nên tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe. Đồng thời, chú ý kiểm tra, khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần nhằm phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể để kịp thời điều trị hiệu quả.