Viêm phúc mạc ruột thừa là biến chứng nguy hiểm của bệnh lý viêm ruột thừa cấp tính. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do viêm ruột thừa không được chẩn đoán sớm dẫn đến vỡ, chất bẩn tràn vào ổ bụng gây viêm phúc mạc, người bệnh bị sốc nhiễm trùng toàn thân và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu chung về viêm phúc mạc ruột thừa
– Ruột thừa là bộ phận của hệ tiêu hóa, hẹp và dài khoảng 8cm, có dạng túi với một đầu kín và một đầu thông với manh tràng. Gốc ruột thừa nhỏ và hẹp nên rất dễ bị tắc nghẽn gây viêm – nguyên nhân chính dẫn đến viêm ruột thừa cấp.
– Phúc mạc là một màng tế bào mỏng, trơn láng, có chức năng bao bọc, bảo ᴠệ tất cả các cơ quan trong ổ bụng. Phúc mạc còn giúp làm cho cấu trúc các tạng ᴠững chắc hơn.
– Viêm phúc mạc ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm không được can thiệp kịp thời dẫn đến vỡ/thủng, khiến cho chất bẩn, mủ tràn vào trong ổ bụng, làm viêm nhiễm ổ bụng, bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn toàn thân và nếu không cứu chữa kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
2. Viêm phúc mạc ruột thừa có những triệu chứng gì?
2.1. Viêm phúc mạc ruột thừa gây ra các triệu chứng cơ năng
– Người bệnh bị đau bụng dữ dội: Cơn đau quặn, dữ dội lan khắp ổ bụng là dấu hiệu cảnh báo người bệnh đã bị vỡ ruột thừa gây viêm phúc mạc.
– Người bệnh bị rối loạn tiêu hóa: khi phúc mạc viêm khiến ruột bị kích thích hoặc bị liệt ruột gây chướng bụng, bí trung đại tiện, tiêu chảy, người bệnh buồn nôn và nôn.
2.2. Các triệu chứng thực thể
– Khi bác sĩ thăm khám bằng tay vùng bụng, gõ thấy tiếng vang do liệt ruột gây ứ đọng hơi và dịch.
– Người bệnh bị đau dữ dội ở hố chậu phải khi dùng tay ấn, thành bụng co cứng.
2.3. Các triệu chứng toàn thân khác
– Người bệnh có biểu hiện nhiễm trùng, nhiễm độc như sốt cao, ớn lạnh, mắt trũng, da xanh tái, lưỡi bẩn, hơi thở hôi… Tiếp đó là sự thay đổi về các chỉ số sinh tồn như lơ mơ, mạch nhanh, huyết áp tụt.
– Người bệnh có biểu hiện mất nước điện giải như môi khô, tiểu ít, bí tiểu, da thiếu đàn hồi…
3. Chẩn đoán và điều trị viêm phúc mạc ruột thừa
3.1. Các phương pháp chẩn đoán
– Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ quan sát biểu hiện toàn thân, các triệu chứng thực và khám bằng tay ổ bụng bệnh nhân.
– Tiến hành các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng bao gồm:
+ Chụp X-quang ổ bụng để xác định tình trạng viêm phúc mạc (như thành ruột dày bất thường, quai ruột giãn…)
+ Xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng nhiễm trùng, xác định các chỉ số quan trọng.
3.2. Tiến hành điều trị viêm phúc mạc ruột thừa
Bác sĩ căn cứ vào kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để đánh giá tình trạng bệnh lý và đưa ra chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
– Nếu bệnh nhân trong tình trạng viêm phúc mạc khu trú (hay có tên gọi khác là áp xe ruột thừa hoặc đám quánh ruột thừa), bác sĩ sẽ chỉ định chọc hút dẫn lưu và điều trị kháng sinh. Sau khi điều trị ổn định, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt ruột thừa.
– Nếu bệnh nhân trong tình trạng viêm phúc mạc toàn bộ cần tiến hành làm sạch ổ bụng, cắt ruột thừa, sau đó điều trị chống nhiễm trùng.
Quy trình phẫu thuật cấp cứu viêm phúc mạc ruột thừa
Tiến hành hồi sức tích cực cho bệnh nhân:
– Đặt các đường truyền tĩnh mạch để truyền dịch giúp bệnh nhân tránh khỏi tình trạng rối loạn nước và điện giải; truyền kháng sinh mạnh để điều trị nhiễm trùng.
– Người bệnh được thở oxy qua mặt nạ hoặc nội khí quản (nếu cần).
– Đặt sonde dạ dày để làm giảm áp lực trong ổ bụng, giúp phẫu thuật thuận lợi hơn.
– Đặt thông tiểu để theo dõi lượng nước tiểu thoát ra.
– Theo dõi chặt chẽ các chỉ số sinh tồn như nhiệt độ, huyết áp, nhịp tim…
Tiến hành phẫu thuật:
Phẫu thuật là phương pháp điều trị mang lại hiệu quả cao, giải quyết nhanh chóng tình trạng viêm phúc mạc. Phẫu thuật này có thể thực hiện bằng mổ mở hoặc mổ nội soi.
Việc chỉ định phương pháp phẫu thuật nào còn tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân.
4. Những lưu ý quan trọng sau điều trị viêm phúc mạc ruột thừa
Sau điều trị người bệnh cần đặc biệt chú ý chế độ ăn uống và điều chỉnh lối sống, sinh hoạt.
4.1. Lưu ý về chế độ ăn uống sau điều trị
– Người bệnh cần uống đủ nước mỗi ngày để bù điện giải và hỗ trợ tiêu hóa.
– Bổ sung đa dạng các loại thực phẩm, ưu tiên thực phẩm dinh dưỡng để hồi phục sức khỏe. Ưu tiên chế biến dưới dạng lỏng, mềm, ít gia vị để dễ dàng tiêu hóa.
– Hạn chế đồ ăn khó tiêu như thực phẩm nhiều chất béo, nhiều đường, đồ ăn cay nóng, thực phẩm lên men và nên dừng các loại thực phẩm và đồ uống có chất kích thích như nước ngọt có ga, bia rượu, nước tăng lực, cà phê, thuốc lá… để giảm áp lực lên hệ tiêu hóa, gan, thận…
4.2. Lưu ý về lối sống, sinh hoạt
– Người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, nghỉ ngơi hoàn toàn trong thời gian dẫn lưu chờ phẫu thuật hoặc sau phẫu thuật.
– Người bệnh tránh vận động mạnh, bê vác, nâng đỡ vật nặng, tránh quan hệ tình dục trong thời gian điều trị… Bởi các hoạt động thể chất này có thể kích thích tổn thương khiến việc hồi phục lâu hơn.
– Có thể sử dụng thuốc giảm với hướng dẫn của bác sĩ nếu sau điều trị vẫn xuất hiện những cơn đau âm ỉ.
– Liên hệ bác sĩ điều trị hoặc đến ngay cơ sở y tế nếu có dấu hiệu bất thường như sốt cao, mệt mỏi và thực hiện tái khám theo hẹn.
– Giữ tinh thần lạc quan, tránh căng thẳng, lo âu… vì những cảm xúc này có thể kích thích gây ra tình trạng viêm sưng.
Viêm phúc mạc ruột thừa là một cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không được xử lý kịp thời. Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường nghi ngờ viêm ruột thừa cấp, cần nhanh chóng đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị.