Viêm phúc mạc ruột thừa là một biến chứng nguy hiểm và thường gặp của bệnh lý viêm ruột thừa cấp. Nguyên nhân chính là do bệnh không được chẩn đoán và xử lý kịp thời dẫn đến tình trạng vỡ mủ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc, sốc nhiễm trùng và thậm chí là tử vong.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về bệnh viêm phúc mạc ruột thừa
Ruột thừa là một phần của hệ tiêu hóa, có dạng túi cùng, hẹp và dài khoảng 8cm. Vị trí thường gặp của ruột thừa ở phía sau trong manh tràng ở hố chậu phải. Gốc ruột thừa nhỏ và hẹp nên rất dễ bị tắc và gây viêm.
Phúc mạc là một màng tế bào mỏng, trơn láng, bọc lót mặt trong thành bụng, bao bọc và bảo vệ toàn bộ các tạng trong ổ bụng.
Viêm phúc mạc ruột thừa là một biến chứng nặng, nguy hiểm và thường gặp của bệnh lý viêm ruột thừa cấp. Tình trạng này xảy ra khi khi viêm ruột thừa không được can thiệp kịp thời bị vỡ mủ vào trong ổ bụng, làm viêm nhiễm khắp ổ bụng, sóc nhiễm khuẩn và nguy hiểm hơn nữa là tử vong.
2. Triệu chứng của viêm phúc mạc ruột thừa
2.1. Triệu chứng cơ năng
– Đau bụng: Đây là triệu chứng đầu tiên và dễ nhận biết của bệnh viêm ruột thừa. Đau thường bắt đầu từ vùng thượng vị và vùng quanh rốn, sau đó có xu hướng lan xuống hố chậu phải. Cơn đau đôi khi âm ỉ nhưng cũng có lúc đau quặn từng cơn. Khi cơn đau lan khắp ổ bụng, người bệnh đã có biến chứng viêm phúc mạc.
– Rối loạn tiêu hóa: khi phúc mạc bị ảnh hưởng khiến ruột bị kích thích hoặc bị liệt cơ năng gây chướng bụng, buồn nôn, nôn, bí trung đại tiện hoặc tiêu chảy.
2.2. Triệu chứng thực thể
– Bụng chướng.
– Gõ thấy tiếng vang ở vùng cao, đục ở vùng thấp do liệt ruột gây ứ đọng hơi và dịch trong lòng ruột.
– Đau khu trú điểm McBurney – vị trí ⅓ ngoài trên đường thẳng nối giữa rốn và gai chậu trước trên.
– Thành bụng co cứng: các khối cơ thẳng bụng nổi rõ, ấn thấy cứng như khúc gỗ..
– Cảm ứng phúc mạc: dấu hiệu Stokin Blumberg – đau dữ dội ở hố chậu phải khi dùng tay ấn.
2.3. Triệu chứng toàn thân
– Biểu hiện của nhiễm trùng, nhiễm độc: Người bệnh mắt trũng, da xanh tái, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, chân tay lạnh nhớp nháp mồ hôi… Sau đó là sự thay đổi về các chỉ số sinh tồn như lơ mơ, nói nhảm, mạch nhanh, huyết áp tụt…
– Biểu hiện mất nước điện giải: môi khô, tiểu ít, da thiếu đàn hồi…
3. Chẩn đoán và điều trị
3.1. Chẩn đoán viêm phúc mạc ruột thừa
– Xét nghiệm lâm sàng: quan sát biểu hiện toàn thân, triệu chứng thực thể và cơ năng.
– Xét nghiệm cận lâm sàng: Chụp X-quang ổ bụng xác định biểu hiện của hiện tượng viêm phúc mạc (bụng mờ, quai ruột giãn, thành ruột dày bất thường); xét nghiệm máu xác định số lượng bạch cầu và nồng độ Clo, Kali, ure máu…
3.2. Điều trị viêm phúc mạc ruột thừa
Bác sĩ căn cứ vào tình trạng bệnh lý để chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Nếu viêm phúc mạc ruột thừa khu trú (áp xe ruột thừa hoặc đám quánh ruột thừa), bác sĩ có thể chỉ định chọc hút dẫn lưu và điều trị kháng sinh tích cực. Nếu viêm phúc mạc toàn bộ cần phẫu thuật để cắt ruột thừa, lau rửa sạch ổ bụng và dẫn lưu dịch ứ đọng để điều trị nhiễm khuẩn.
Hồi sức tích cực:
– Đặt các đường truyền tĩnh mạch: truyền dịch, điện giải để tránh rối loạn nước và điện giải; truyền kháng sinh mạnh, phổ rộng ngay từ giai đoạn đầu.
– Cho người bệnh thở oxy hoặc mổ nội khí quản (nếu cần).
– Đặt sonde dạ dày hút liên tục để làm giảm áp lực trong ổ bụng.
– Đặt sonde tiểu để theo dõi lượng nước tiểu và lượng dịch truyền.
– Theo dõi các chỉ số sinh tồn: nhiệt độ, huyết áp, nhịp tim…
Phẫu thuật:
Đây được xem là phương pháp điều trị có hiệu quả cao, giúp giải quyết nhanh chóng và dứt điểm viêm phúc mạc ruột thừa. Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa có thể thực hiện bằng mổ hở truyền thống hoặc mổ nội soi.
Với phẫu thuật nội soi, người bệnh ít đau, ít chảy máu, ít xảy ra biến chứng hậu phẫu, ít để lại sẹo và sức khỏe phục hồi nhanh sau mổ. Với phẫu thuật mổ hở, tuy đau hơn, vết sẹo mổ dài hơn, khả năng hồi phục sức khỏe lâu hơn nhưng có thể quan sát khắp ổ bụng, kiểm soát tốt nhiễm trùng.
Việc chỉ định phương pháp nào còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của người bệnh.
4. Cần làm gì sau điều trị viêm phúc mạc ruột thừa
Viêm phúc mạc ruột thừa là bệnh liên quan đến cơ quan tiêu hóa. Vì vậy sau điều trị, ngoài việc điều chỉnh chế độ sinh hoạt và lối sống, người bệnh cần đặc biệt chú ý chế độ ăn uống.
4.1. Chế độ ăn uống
– Uống nhiều nước mỗi ngày để bù điện giải và bổ sung cho thất thoát do nhiễm trùng cho cơ thể.
– Bổ sung thực phẩm giàu chất dinh dưỡng dưới dạng lỏng, mềm, dễ tiêu hóa và ít gia vị để tránh gây áp lực cho cơ quan tiêu hóa. Đồng thời cung cấp năng lượng, dưỡng chất giúp cơ thể nhanh hấp thu để nâng cao thể trạng và tăng cường chức năng miễn dịch.
– Hạn chế đồ ăn nhiều chất béo, cay nóng, đồ ăn nhiều đường, thực phẩm lên men, các thực phẩm có chất kích thích (gas, bia rượu, nước tăng lực, cafe), hút thuốc lá… để hạn chế gáp lực lên hệ tiêu hóa.
4.2. Chế độ sống, sinh hoạt
– Cần nghỉ ngơi trong thời gian chọc hút mủ và sau phẫu thuật. Tránh vận động mạnh, nâng vác vật nặng, quan hệ tình dục trong thời gian điều trị. Bởi các hoạt động này có thể kích thích vị trí tổn thương và làm phát sinh cơn đau khiến thời gian hồi phục lâu hơn.
– Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng thuốc giảm đau nếu sau điều trị vẫn xuất hiện những cơn đau âm ỉ và kéo dài.
– Liên hệ ngay với bác sĩ nếu có dấu hiệu bất thường và thực hiện tái khám đúng hẹn theo chỉ định.
– Giữ tinh thần lạc quan, thoải mái; tránh căng thẳng, lo âu vì nó có thể kích thích gây ra tình trạng viêm sưng ở ruột thừa.
– Thăm khám sức khỏe theo định kỳ để bác sĩ theo dõi tiến triển của bệnh.
Viêm phúc mạc ruột thừa là một trong các bệnh cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm nhưng thường gặp. Bệnh có thể gây tử vong nếu không được xử lý kịp thời. Nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường hoặc triệu chứng của bệnh, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được thăm khám và điều trị.