Viêm phế quản J20 là cái tên còn xa lạ với nhiều phụ huynh. Thực chất, J20 là mã xác định của viêm phế quản cấp, được sử dụng trong Bảng Phân loại Quốc tế về Bệnh tật (ICD – 10). Như vậy, viêm phế quản J20 chính là bệnh lý viêm niêm mạc khí quản, phế quản và đặc biệt là các tiểu phế quản ở phần dưới của hệ hô hấp. Bài viết sau của Thu Cúc TCI chia sẻ mọi thông tin bố mẹ cần biết về bệnh lý hô hấp này, đừng bỏ lỡ bố mẹ nhé!
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân phổ biến gây viêm phế quản cấp J20 ở trẻ em
Viêm phế quản J20 ở trẻ thường do những nguyên nhân sau gây ra:
– Virus: Virus là nguyên nhân gây viêm phế quản J20 trong 50 – 90% các trường hợp. Các virus thường gặp gây bệnh lý hô hấp này là influenza virus, parainfluenza virus, respiratory syncytial virus (RSV), coronavirus, adenovirus, rhinovirus…
– Vi khuẩn: Vi khuẩn cũng có thể gây viêm phế quản J20 ở trẻ, nhưng ít phổ biến hơn virus. Một số vi khuẩn thường gặp gây bệnh lý hô hấp này là chlamydia pneumoniae, haemophilus influenzae (H. influenzae), mycoplasma pneumoniae, staphylococcus aureus, streptococcus pneumoniae, streptococcus pyogenes…
– Các nguyên nhân khác: Môi trường ô nhiễm (tiếp xúc với bụi, hóa chất… có thể kích thích niêm mạc phế quản, dẫn đến viêm phế quản J20); thay đổi thời tiết (nhiệt độ thay đổi đột ngột, từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại, cũng có thể khiến trẻ viêm phế quản J20)…
Trẻ có nguy cơ viêm phế quản J20 cao hơn bình thường nếu: Sinh non, nhẹ cân; bú sữa mẹ ít hoặc không bú sữa mẹ; sinh trưởng trong môi trường đông đúc; thường xuyên tiếp xúc với người bệnh….
Viêm phế quản J20 là bệnh truyền nhiễm. Bệnh truyền nhiễm này phát tán thông qua giọt bắn mũi họng người bệnh giải phóng ra không khí khi ho, hắt hơi, nói chuyện hay còn có thể nói là phát tán thông qua đường hô hấp.
2. Dấu hiệu nhận biết viêm phế quản cấp J20 ở trẻ em
Bố mẹ lưu ý các dấu hiệu sau để nhận biết viêm phế quản J20 ở trẻ:
– Triệu chứng phổ biến: Ho khan hoặc ho có đờm, đờm có thể trong, trắng, vàng, xanh lá cây hoặc nâu; sốt nhẹ, dưới 38°C; sổ mũi, nghẹt mũi; đau họng; khó thở…
– Triệu chứng hiến: Tiêu chảy, nôn trớ…
3. Biến chứng viêm phế quản cấp J20 ở trẻ em
Viêm phế quản J20 thường không nguy hiểm nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh lý hô hấp này có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:
– Viêm phổi: Đây là biến chứng phổ biến nhất, xảy ra khi virus, vi khuẩn xâm nhập vào phổi.
– Suy hô hấp: Suy hô hấp là tình trạng các mô và cơ quan không được cung cấp đủ oxy.
– Xẹp phổi: Xẹp phổi xảy ra khi một phần hoặc toàn bộ phổi bị xẹp, không còn khả năng trao đổi oxy.
– Viêm phế quản mạn tính: Viêm phế quản J20 tái đi tái lại có thể dẫn đến viêm phế quản mạn tính.
– Tăng nguy cơ mắc hen phế quản: Viêm phế quản J20 có thể làm tăng nguy cơ mắc hen phế quản ở trẻ
Nguy cơ biến chứng cao hơn ở trẻ: Dưới 6 tháng tuổi (trẻ dưới 6 tháng tuổi có hệ miễn dịch yếu); sinh non, nhẹ cân (trẻ sinh non, nhẹ cân có phổi kém phát triển); có bệnh lý nền…
4. Điều trị viêm phế quản cấp J20 ở trẻ em
Viêm phế quản J20 thường tự khỏi trong 1 – 2 tuần nếu được chăm sóc cẩn thận; tuy nhiên, rong một số trường hợp, trẻ cần được điều trị bằng thuốc. Bởi thế, tốt nhất là bố mẹ nên cho trẻ khám bác sĩ khi trẻ có dấu hiệu viêm phế quản J20. Dựa trên các triệu chứng, kết quả khám lâm sàng và kết quả khám cận lâm sàng, bác sĩ sẽ chẩn đoán và chỉ định thuốc, tùy thuộc nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của viêm phế quản J20.
Theo đó, điều trị viêm phế quản J20 cho trẻ có thể bao gồm một số nội dung chính như sau:
4.1. Điều trị nguyên nhân viêm phế quản cấp J20
Nếu viêm phế quản J20 do vi khuẩn gây ra, trẻ cần sử dụng thuốc kháng sinh. Bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh phù hợp với độ tuổi, tình trạng sức khỏe và loại vi khuẩn gây viêm phế quản J20.
Viêm phế quản J20 do những nguyên nhân khác gây ra không có thuốc điều trị nguyên nhân. Những trường hợp đó chỉ điều trị triệu chứng.
4.2. Điều trị triệu chứng viêm phế quản cấp J20
– Thuốc hạ sốt: Paracetamol là thuốc hạ sốt an toàn và hiệu quả cho trẻ viêm phế quản J20.
– Thuốc giảm ho: Ho là một phản ứng tự nhiên có lợi cho cơ thể. Tuy nhiên, khi trẻ viêm phế quản J20 ho nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ăn uống, ngủ nghỉ, bác sĩ sẽ kê thuốc giảm ho cho trẻ.
– Thuốc long đờm: Thuốc long đờm làm loãng đờm, giúp tống đờm ra ngoài dễ dàng hơn.
4.3. Chăm sóc tại nhà
– Vệ sinh mũi họng cho trẻ: Vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý làm loãng đờm, giúp trẻ dễ dàng hắt hơi hoặc khạc đờm ra ngoài.
– Vệ sinh môi trường sống: Môi trường sống sạch sẽ giúp hạn chế sự phát triển của virus, vi khuẩn. Bố mẹ nên thường xuyên vệ sinh nhà cửa, dọn dẹp đồ đạc, giặt giũ quần áo.
– Cho trẻ uống nhiều nước: Nước cũng làm loãng đờm. Bố mẹ nên cho trẻ uống nước lọc, nước hoa quả…
– Nghỉ ngơi đầy đủ: Trẻ cần nghỉ ngơi đầy đủ để cơ thể phục hồi. Bố mẹ nên cho trẻ ngủ đủ giấc, hạn chế tham gia các hoạt động vui chơi.
4.4. Theo dõi sức khỏe của trẻ viêm phế quản cấp J20 chặt chẽ
Bố mẹ cần theo dõi sức khỏe của trẻ chặt chẽ, đặc biệt là trong những ngày đầu trẻ viêm phế quản J20. Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường, cha mẹ cần cho trẻ khám bác sĩ ngay lập tức. Sau đây là những dấu hiệu bất thường như thế: Khó thở dữ dội, thở nhanh, tím tái; giảm ý thức; sốt cao liên tục không hạ; bỏ bú hoặc bỏ ăn; quấy khóc nhiều, bứt rứt…
Phía trên là những thông tin bố mẹ cần biết về viêm phế quản cấp J20. Hy vọng rằng chúng có thể hỗ trợ bố mẹ phần nào trong công cuộc bảo vệ sức khỏe trẻ trước bệnh lý hô hấp này.