Viêm kết mạc dị ứng là bệnh về kết mạc thường gặp, xảy ra do các tác nhân dị ứng trong không khí gây nhiều phiền toái cho người mắc, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Vậy căn bệnh này được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
Nước ta có khí hậu đặc trưng nóng ẩm nhiệt đới gió mùa. Đặc biệt, tháng 4,5,6 và 7 là những tháng cao điểm nhiều người dễ mắc bệnh dị ứng do nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ và độ ẩm trong môi trường, các dị nguyên như bụi, phấn hoa đạt mức độ đậm đặc cao nhất. Ngoài ra, ở Việt Nam có tới 90% bệnh nhân thường bị kèm các bệnh lý tại cơ quan khác như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, hắt hơi, sổ mũi,… Chỉ có 10% người bệnh bị dị ứng đơn thuần tại mắt.
Menu xem nhanh:
1. Các hình thái của bệnh viêm kết mạc dị ứng
– Dị ứng cấp: Mắt phản ứng ngay lập tức sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như phấn hoa, bụi. Biểu hiện thấy rõ nhất là mi mắt và kết mạc có hiện tượng sưng phù, nóng đỏ hoặc ngứa rát khiến người bệnh lo sợ. Tuy nhiên, biểu hiện này chỉ diễn ra trong vài giờ sẽ khỏi.
– Dị ứng theo mùa hoặc quanh năm: Thể này xảy ra do sự thay đổi của từng mùa trong năm, thường là mùa xuân và mùa hè ở các nước có khí hậu ôn đới, chủ yếu bị tác động do dị nguyên phấn hoa, nấm mốc, lông thú kèm theo bệnh lý viêm mũi dị ứng. Bệnh kéo dài mạn tính nhưng biểu hiện thường nhẹ.
– Dị ứng mùa xuân: Đây là một bệnh đặc biệt dai dẳng và khó điều trị nhất. Bệnh phổ biến ở đối tượng là nam giới từ 5-20 tuổi. từng có tiền sử mắc các bệnh như hen suyễn, chàm, dị ứng trong gia đình. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây tổn thương giác mạc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực.
– Dị ứng kết – giác mạc: Bệnh lý này xuất hiện ở nhóm đối tượng người trưởng thành, có tiền sỉ bị chàm, hen suyễn. Ở hình thái này, bệnh kèm biểu hiện viêm da atopy ở mặt, gây các tổn thương cho mi mắt như sưng đau, vảy sừng da mi và giác mạc kèm theo suy giảm thị lực.
– Dị ứng nhú gai khổng lồ: Bệnh xảy ra do kết mạc mi tiếp xúc trực tiếp với những dị vật như kính áp tròng, mắt giả,…làm tổn thương mi mắt dạng nhú to. Bệnh được phát hiện qua thăm khám trên lâm sàng.
2. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Hen suyễn và Dị ứng Hoa Kỳ, tình trạng dị ứng có thể gây ra ảnh hưởng đến 30% người lớn, 40% trẻ em. Từ đó có thể thấy rằng, dị ứng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó tình trạng này phổ biến ở nhóm đối tượng trẻ nhỏ và thanh niên. Mặt khác, người bị dị ứng lại sống ở nơi có lượng dị nguyên cao như phấn hoa, khói bụi ô nhiễm thì nguy cơ bị viêm kết mạc do dị ứng là rất cao.
3. Chẩn đoán viêm kết mạc dị ứng
Khi đi thăm khám mắt, bác sĩ thường hỏi bệnh nhân về tiền sử dị ứng. Sau đó, dựa trên quan sát, các bác sĩ nhãn khoa sẽ phát hiện thấy tổn thương mắt từ nhẹ đến nặng tùy biểu hiện lâm sàng. Tình trạng bệnh nhẹ thì xuất hiện phù kết mạc hoặc cương tụ kết mạc khu trú, lòng trắng của mắt bị đỏ và có những nốt sưng trong mí mắt. Tình trạng nặng hơn sẽ có biểu hiện mắt bị phù, nhú viêm, giác mạc có thể viêm vùng rìa, loét vô khuẩn hình khiên.
Để làm rõ tình trạng bệnh, bác sĩ thường chỉ định làm một số xét nghiệm quan trọng:
– Kiểm tra da: xác định da bị phản ứng với dị nguyên nào. Điều này giúp bác sĩ đánh giá được mức độ phản ứng của cơ thể với yếu tố dị nguyên, bao gồm đỏ, sưng.
– Làm xét nghiệm máu: Xét nghiệm các chỉ số máu giúp bác sĩ xác định được cơ thể người bệnh có đang sản xuất protein hoặc kháng thể tự nhiên để tự bảo vệ chống lại các tác nhân dị nguyên như bụi, phấn hoa, nấm mốc hay không.
– Tiến hành xét nghiệm mô kết mạc: Bác sĩ sẽ thực hiện cạo mô kết mạc để kiểm tra các tế bào bạch cầu kích hoạt khi bị dị ứng có tên là tế bào bạch cầu ái toan.
4. Viêm kết mạc do dị ứng điều trị như thế nào?
Bệnh tuy không gây nguy hiểm nhiều đến sức khỏe nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng như loét giác mạc và suy giảm thị lực. Hiện nay, người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp điều trị hiệu quả như:
4.1 Tự chăm sóc tại nhà
Các biện pháp chủ yếu tập trung vào phòng ngừa và giảm thiểu biến chứng của bệnh. Tuyệt đối tránh xa các yếu tố dị nguyên làm mắt bị dị ứng, bằng cách:
– Vệ sinh nhà cửa hàng ngày đảm bảo không gian sống sạch sẽ, thoáng đãng, không có bụi bẩn, lông chó mèo.
– Hạn chế ra đường khi ô nhiễm môi trường tăng cao, tránh đến các nơi có phấn hoa
– Sử dụng máy lọc không khí cho gia đình giảm thiểu ô nhiễm
– Hạn chế tiếp xúc các hóa chất như keo xịt, thuốc tẩy, nước hoa,…
– Người bệnh cần hạn chế dụi tay lên mắt, chịu khó đeo kính bảo vệ mắt khi ra đường.
– Trường hợp mắt bị sưng, ngứa và viêm do dị ứng, có thể chườm nóng hoặc lạnh.
4.2 Thăm khám, tuân theo chỉ định của bác sĩ
Khi các biện pháp chăm sóc mắt tại nhà không khả quan, người bệnh có thể đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Thông thường, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng một số loại thuốc:
– Nhỏ thuốc chống viêm hay thuốc kháng histamine
– Dùng nước mắt nhân tạo, các sản phẩm bôi trơn nhãn cầu vừa điều trị dị ứng, vừa chống khô cho mắt
– Có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng viêm steroid hoặc thuốc kháng sinh chống bội nhiễm
Chuyên khoa Mắt – Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI với hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ nhãn khoa đầu ngành, có nhiều năm kinh nghiệm thăm khám, điều trị các bệnh lý về mắt trong đó có bệnh viêm kết mạc dị ứng, người bệnh có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại đây.
Nếu khách hàng có bất kì câu hỏi gì về bệnh lý này hoặc cần tư vấn các gói khám mắt tại Thu Cúc TCI, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp sớm nhất.