Viêm gan B mạn tính là bệnh lý nguy hiểm bởi bệnh thường diễn biến âm thầm, virus viêm gan không ngừng nhân lên gây tổn thương gan dẫn đến các biến chứng như xơ gan, ung thư gan. Vì vậy, bệnh được ví là “kẻ giết người” thầm lặng nên tuyệt đối không thể chủ quan.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về bệnh
1.1. Không thể chủ quan với viêm gan B
Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có hơn 2 tỷ người đã nhiễm viêm gan B (HBV) với khoảng 400 triệu người trên thế giới mắc viêm gan B thể mạn tính và 1,5 triệu ca nhiễm mới mỗi năm. Tại Việt Nam hiện nay số người nhiễm virus HBV chiếm khoảng 20% dân số.
Viêm gan B là loại căn bệnh truyền nhiễm điển hình gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Bệnh gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của gan, hậu quả có thể dẫn tới nhiễm trùng gan thậm chí ung thư gan và đe dọa đến tính mạng. Hiện nay, virus viêm gan B vẫn là một mối đe dọa lớn đến sức khỏe trên toàn cầu.
Viêm gan B mạn tính thường không có biểu hiện ở giai đoạn đầu, phần lớn bệnh nhân chỉ có triệu chứng ở giai đoạn tiến triển rõ hoặc có biến chứng. Dẫn tới bệnh được phát hiện muộn và điều trị khó khăn, tốn kém, tiên lượng thấp.
1.2. Viêm gan B lây nhiễm qua đường nào?
Có rất nhiều người cho rằng viêm gan B là bệnh lý di truyền, do đó nếu gia đình có bố hoặc mẹ bị viêm gan b thì chắc chắn con sẽ bị. Thực chất, viêm gan B là bệnh truyền nhiễm, lây nhiễm qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con.
2. Virus viêm gan gây tổn thương gan như thế nào?
Khi virus HBV xâm nhập vào cơ thể đi từ máu vào gan, xâm nhập vào các tế bào gan.Virus sẽ tự sinh sôi và nảy nở trong các tế bào gan bị nhiễm và phóng thích các virus mới ra ngoài để nhiễm cho các tế bào gan khác.
Khi bị nhiễm virus HBV, có khoảng 1/4 trường hợp nhiễm viêm gan B cấp là có biểu hiện lâm sàng và có thể được chẩn đoán và điều trị được ở giai đoạn này. Một số bệnh nhân khác có khả năng chống lại virus viêm gan và loại bỏ được virus trong cơ thể. Số còn lại không có biểu hiện lâm sàng và tiến triển thành thể mạn tính.
Tiêm vacxin ngừa viêm gan B là cách phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất. Tuy đối với viêm gan thể mạn tính sẽ không thể khỏi hoàn toàn nhưng nếu bệnh được phát hiện và điều trị đúng cách sẽ có tiên lượng tốt cho người bệnh.
3. Chẩn đoán và điều trị bệnh
3.1. Chẩn đoán bệnh
Bác sĩ sẽ dựa vào bệnh sử, tiền sử, tiến hành thăm khám lâm sàng kết hợp việc làm các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh.
Xét nghiệm thực hiện bao gồm 2 phần:
– Xét nghiệm máu để kiểm tra sự có mặt của kháng nguyên, kháng thể HBV và đánh giá chức năng gan
– Chẩn đoán hình ảnh bao gồm siêu âm, CT scan, sinh thiết gan khi có chỉ định.
3.2. Điều trị viêm gan B
Bác sĩ sẽ dựa theo kết quả xét nghiệm: đánh giá nồng độ virus HBV DNA trong cơ thể bệnh nhân và trong một số trường hợp có thể cần phải sinh thiết gan nhằm đánh giá chính xác tình trạng bệnh để đưa ra phác đồ điều trị viêm gan B thích hợp.
Việc điều trị chủ yếu theo nguyên tắc là ngăn chặn sự sinh sôi, nhân lên của virus hoặc ngăn chặn các chất làm rối loạn quá trình tổng hợp và tự nhân lên của virus.
Đối với các trường hợp mẹ đã nhiễm HBV cần đặc biệt lưu ý việc phòng ngừa lây nhiễm cho bé. Sau sinh em bé cần được thực hiện tiêm huyết thanh đặc hiệu để tăng khả năng chống virus HBV.
Bên cạnh đó, người bệnh cần tăng cường đề kháng của cơ thể bằng việc nghỉ ngơi, chế độ ăn uống khoa học, lựa chọn các loại thực phẩm có lợi cho gan, hạn chế uống rượu bia. Rượu bia là tác nhân có hại không những gây ra xơ gan mà còn hỗ trợ quá trình nhân bản, sinh sản của virus viêm gan. Từ đó làm suy giảm khả năng chống chọi của tế bào gan khi bị virus tấn công.
4. Viêm gan B cần tầm soát sớm bệnh
Viêm gan B là một căn bệnh nguy hiểm và dễ lây lan qua đường máu. Do đó nếu nghi ngờ bị nhiễm virus HBV, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa xét nghiệm và điều trị sớm. Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh, cần tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ để có thể kiểm soát được diễn biến của bệnh và phòng ngừa lây nhiễm sang cho người khác.
Những yêu cầu quan trọng mà mọi người cần lưu ý về bệnh như sau:
– Đối với người bệnh đã nhiễm virus HBV, không nên tự ý dùng thuốc hoặc điều trị theo mách bảo kinh nghiệm, tránh sử dụng các bài thuốc dân gian khi chưa được kiểm chứng.- Tránh dùng chung kim tiêm, các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, dụng cụ bấm móng,… với người bệnh.
– Các cặp vợ chồng trước khi kết hôn cần xét nghiệm tầm soát bệnh trước, nếu phát hiện vợ hoặc chồng có nhiễm virus HBV mà người kia chưa có miễn dịch cần tiêm phòng trước khi kết hôn.
– Đối với trẻ sơ sinh được sinh ra từ những bà mẹ bị nhiễm viêm gan B cần được tiêm phòng trong vòng 24h đầu sau sinh để đạt hiệu quả phòng ngừa cao nhất.
Viêm gan B là mối đe dọa lớn tới sức khỏe toàn cầu tuyệt đối không thể chủ quan. Mỗi người cần có đầy đủ kiến thức về bệnh, tuân thủ các biện pháp phòng tránh bệnh an toàn để chung tay đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm này.