Viêm đường tiết niệu bệnh học là một bệnh lý phổ biến, chỉ đứng sau các bệnh lý về đường hô hấp. Bệnh nếu không điều trị sớm hoặc điều trị không dứt điểm sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và khả năng sinh sản.
Menu xem nhanh:
1. Viêm đường tiết niệu bệnh học là gì?
Viêm đường tiết niệu là thuật ngữ y học chỉ tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở hệ tiết niệu do các vi khuẩn (chủ yếu là E.coli) xâm nhập, tấn công và gây nhiễm trùng. Sự viêm nhiễm này có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào thuộc hệ tiết niệu, bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo.
Căn cứ vào vị trí viêm nhiễm, bệnh viêm đường niệu được chia thành hai nhóm chính:
- Viêm đường tiết niệu cao: viêm nhiễm xảy ra ở thận và niệu quản.
- Viêm đường tiết niệu thấp: viêm nhiễm xảy ra ở bàng quang và niệu đạo.
Viêm đường tiết niệu có thể xảy ra ở cả nam giới và nữ giới. Tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh của nữ giới nhiều hơn từ 20-40% so với nam giới.
Viêm đường tiết niệu là bệnh lý dễ điều trị nhưng dễ tái phát. Nếu bệnh không được chữa trị một cách triệt để thì có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
2. Nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu
Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến đường tiết niệu bị viêm nhiễm. Tuy nhiên, thủ phạm gây bệnh chính là vi khuẩn E.coli và các vi khuẩn khác như Chlamydia, Proteus mirabilis, lậu cầu… Do một số yếu tố thuận lợi mà các vi khuẩn này có thể xâm nhập vào niệu đạo, bàng quang. Nước tiểu là môi trường thuận lợi để các loại vi khuẩn này sinh sôi và phát triển. Khi đạt đến một lượng nhất định sẽ gây tình trạng viêm đường niệu.
Nhiễm khuẩn E.coli:
Vi khuẩn E.coli là nguyên nhân gây nên 90% các trường hợp của bệnh. Chúng từ hậu môn thông qua phân, qua quan hệ tình dục hay qua các can thiệp ngoại khoa xâm nhập vào đường tiết niệu gây viêm nhiễm.
Vệ sinh vùng kín không sạch sẽ, đúng cách:
Sau khi đi vệ sinh hoặc khi quan hệ tình dục, việc quên vệ sinh hay vệ sinh từ trước ra sau tạo điều kiện cho vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào vùng kín gây viêm nhiễm.
Đặc biệt là trong thời kỳ kinh nguyệt ở nữ giới, máu kinh là môi trường giàu chất dinh dưỡng. Vi khuẩn càng có nhiều thuận lợi để phát triển. Nếu chị em vệ sinh vùng kín sai cách hoặc không thường xuyên thay băng vệ sinh 4 tiếng/lần thì viêm đường sinh dục và viêm đường tiết niệu rất dễ xảy ra.
Quan hệ tình dục không an toàn:
Quan hệ tình dục với người viêm đường niệu cũng là nguyên nhân gây bệnh. Trong quá trình giao hợp, vi khuẩn của người bệnh có thể xâm nhập vào dương vật hoặc âm đạo của bạn tình. Hoạt động tình dục có thể đẩy vi khuẩn vào sâu bên trong đường niệu, làm tăng nguy cơ viêm.
Nhịn tiểu thường xuyên và uống ít nước:
Trong nước tiểu luôn có sẵn một lượng vi khuẩn nhất định. Việc nhịn tiểu khiến vi khuẩn có thời gian nhân lên với số lượng lớn tấn công niêm mạc bàng quang gây nên viêm đường niệu.
Viêm đường niệu ở phụ nữ mãn kinh:
Phụ nữ mãn kinh có nguy cơ viêm đường tiết niệu cao hơn bình thường. Bởi khi này, hệ nội tiết của chị em bị suy giảm. Lớp niêm mạc âm đạo và đáy bàng quang mỏng dần dẫn đến khả năng kháng khuẩn của các bộ phận này bị suy giảm nên rất dễ bị vi khuẩn tấn công.
3. Đối tượng nào dễ mắc bệnh viêm đường tiết niệu?
Viêm đường tiết niệu có thể xảy ra ở cả nam giới và nữ giới trong mọi độ tuổi. Tuy nhiên, nữ giới thường có nguy cơ mắc bệnh hơn nam giới. Bởi nữ giới có cấu tạo niệu đạo ngắn (khoảng 3-4cm) hơn so với nam giới (khoảng 18-20cm), hơn nữa lại gần hậu môn. Vi khuẩn rất thuận lợi để xâm nhập vào và gây bệnh.
Ngoài ra, những người bị suy giảm hệ miễn dịch (như đái tháo đường, HIV, uống thuốc ức chế miễn dịch); người mắc bệnh sỏi tiết niệu hay bị hẹp tắc đường niệu bẩm sinh; người suy giảm chức năng thận; người thực hiện thủ thuật đặt ống thông tiểu, nội soi bàng quang; nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt; người bị viêm nhiễm phụ khoa, nam khoa…cũng dễ mắc bệnh viêm đường tiết niệu hơn bình thường.
4. Những triệu chứng của bệnh viêm đường niệu
Do cấu tạo bộ phận sinh dục của hai giới là khác nhau nên triệu chứng viêm đường tiết niệu ở nam giới và nữ giới cùng có sự khác biệt. Ở nam giới, đường niệu đạo đồng thời là đường sinh dục nhưng ở nữ giới hai đường này hoàn toàn khác biệt.
4.1. Dấu hiệu viêm đường tiết niệu bệnh học ở nam giới:
- Rối loạn tiểu tiện: đây là triệu chứng đặc trưng của bệnh. Nam giới luôn có cảm giác buồn tiểu mà muốn đi tiểu ngay. Lượng nước tiểu mỗi lần đi tiểu thường rất ít. Mỗi ngày đi khoảng 20 lần kèm theo cảm giác đau buốt khi đi tiểu khiến nam giới rất khó chịu.
- Nước tiểu có màu bất thường: nước tiểu màu vàng đục, có lẫn mủ hoặc máu. Mùi khai khó chịu.
- Tiết dịch bất thường: ở phần đầu dương vật tiết ra dịch có màu vàng hoặc xanh, đôi khi có thể lẫn máu.
- Đau và khó chịu khi quan hệ tình dục: do đường niệu đạo của nam giới đồng thời là đường tình dục nên sẽ cảm thấy khó chịu thậm chí đau đớn khi xuất tinh.
- Đau vùng hông lưng âm ỉ, niệu đạo ngứa ngáy và bị sưng đỏ. Nam giới có thể bị sốt cao, buồn nôn, cơ thể mệt mỏi nếu viêm tiết niệu gây viêm thận – bể thận.
4.2. Biểu hiện viêm đường tiết niệu bệnh học ở nữ giới:
- Rối loạn tiểu tiện: giống như nam giới, viêm đường tiết niệu khiến nữ giới cũng luôn có cảm giác buồn tiểu, đi tiểu nhiều lần, liên tục. Lượng nước tiểu mỗi lần rất ít kèm cảm giác đau buốt và nóng rát khi đi tiểu.
- Màu sắc nước tiểu khác ngày thường: nước tiểu màu đục, mùi khai nồng, đôi khi có lẫn máu.
- Vùng kín ngứa, rát khó chịu.
- Triệu chứng toàn thân: đau lưng, đau vùng bụng dưới, đau khi quan hệ tình dục. Thậm chí là sốt cao và buồn nôn nếu viêm nhiễm đã lan lên thận – bể thận.
5. Biến chứng nguy hiểm của viêm đường tiết niệu
Viêm đường tiết niệu không chỉ mang đến những triệu chứng vô cùng khó chịu mà nó còn có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe và đời sống của người bệnh.
Gây tổn thương đường tiết niệu:
Tình trạng viêm nhiễm ở đường niệu xảy ra trong thời gian dài có thể chuyển sang mãn tính. Điều này khiến các triệu chứng bệnh càng gia tăng và gây tổn thương nghiêm trọng ở niêm mạc đường niệu.
Gây nhiễm trùng các cơ quan lân cận:
Các tác nhân có hại không được loại bỏ sẽ phát triển và tấn công vào các cơ quan khác của cơ thể. Nó có thể làm tổn thương thận, nhiễm trùng huyết và nhiều hậu quả nghiêm trọng khác.
- Suy thận: đây là biến chứng nghiêm trọng của bệnh. Vi khuẩn có thể ngược dòng lên thận làm sưng viêm, phù nề các tế bào thận, giảm khả năng bài tiết của thận. Lâu ngày có thể phá huỷ chủ mô thận, hoại tử nhú thận, gây tắc nghẽn và làm suy giảm chức năng thận. Nếu tình trạng kéo dài có thể dẫn đến hệ quả suy thận vĩnh viễn.
- Nhiễm trùng máu: Khi vi khuẩn tại hệ niệu không được điều trị dứt điểm, chúng có thể di chuyển vào máu, gây nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng và tử vong.
Gây vô sinh, hiếm muộn:
Ở nữ giới, tình trạng viêm nhiễm ở hệ tiết niệu có thể lây lan và gây ra các bệnh lý viêm nhiễm cơ quan sinh dục như viêm vùng chậu, viêm âm đạo, viêm cổ tử cung… Ở nam giới, các biến chứng thường gặp của viêm đường niệu là viêm tinh hoàn, viêm mào tinh, áp -xe tuyến tiền liệt, tắc ống dẫn tinh… Đây đều là những căn bệnh gây ra nhiều sự tác động tiêu cực đến chức năng sinh sản. Bệnh làm cản trở quá trình thụ tinh và gia tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn.
Nguy hiểm hơn, nữ giới bị viêm đường tiết niệu khi mang thai có thể gặp phải tình trạng nhiễm trùng nước ối, nhiễm trùng bào thai, gia tăng nguy cơ sinh non…
Ảnh hưởng đến cuộc sống:
Viêm đường tiết niệu làm người bệnh thường xuyên phải đối mặt với những triệu chứng khó chịu khi đi tiểu. Điều này khiến họ luôn cảm thấy đau đớn và sợ hãi. Khi tình trạng này kéo dài quá lâu nó khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, chán nản, stress… gây ra nhiều tác động xấu làm suy giảm chất lượng cuộc sống.
6. Chẩn đoán và điều trị viêm đường tiết niệu
6.1. Chẩn đoán:
Chẩn đoán viêm đường tiết niệu giúp bác sĩ xác định chính xác được nguyên nhân gây bệnh, tình trạng viêm nhiễm, tình trạng sức khỏe người bệnh để từ đó xây dựng phác đồ điều trị hiệu quản.
- Xét nghiệm nước tiểu: xác định phản ứng viêm ở trong nước tiểu.
- Ngoài ra còn có thể thực hiện xét nghiệm máu, siêu âm, chụp CT, chụp cản quang đài bể thận, sỏi niệu đạo.
6.2. Điều trị:
Điều trị viêm đường tiết niệu cần dùng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh đồng thời loại trừ các nguy cơ tái phát bệnh. Tùy mức độ nặng – nhẹ và tùy từng loại vi khuẩn gây bệnh mà người bệnh sẽ được chỉ định các loại thuốc khác nhau. Người bệnh tuyệt phải tuân thủ theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Dùng đúng liều, đúng lượng, đủ liệu trình của thuốc. Tránh ngưng sử dụng giữa chừng vì điều này khiến tình trạng viêm nhiễm trở nặng hơn và gây khó khăn cho quá trình điều trị về sau.
7. Cách phòng tránh bệnh viêm đường tiết niệu hiệu quả
Các biện pháp giúp phòng tránh và ngăn ngừa bệnh tái phát là:
- Uống đủ nước mỗi ngày ( khoảng 2 lít nước) giúp thanh lọc đường niệu và thải vi khuẩn trong hệ niệu ra ngoài.
- Tăng cường ăn rau xanh, hoa quả, sữa chua giúp cung cấp dưỡng chất, tăng sức đề kháng chống lại vi khuẩn có hại.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ đúng cách sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi quan hệ tình dục để ngăn chặn con đường vi khuẩn xâm nhập và tấn công hệ tiết niệu và cơ quan sinh dục.
- Không nhịn tiểu để làm trống rỗng hoàn toàn bàng quang, không cho vi khuẩn trong nước tiểu có cơ hội phát sinh.
- Không nên mặc các loại quần áo, đồ lót quá chật hay sử dụng các sản phẩm có tính khử cao.
- Quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh tránh nguy cơ lây nhiễm sang bạn tình.
- Điều trị ngay và luôn các nguy cơ gây viêm đường tiết niệu như sỏi tiết niệu, u xơ tiền liệt tuyến…
- Thăm khám sức khỏe định kỳ và đi khám bác sĩ ngay khi xuất hiện các triệu chứng viêm đường tiết niệu.
Viêm đường tiết niệu bệnh học sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu bệnh để lâu hoặc bị tái phát nhiều lần. Do đó, nếu bạn nghi ngờ đường niệu đang có dấu hiệu viêm nhiễm, phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị dứt điểm.