Vết loét dạ dày gây ra những cơn đau, triệu chứng tiêu hóa khó chịu cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh viêm loét dạ dày. Hiểu rõ về bệnh, nhận biết sớm các triệu chứng và tiến hành điều trị đúng phác đồ là cách tốt nhất dứt điểm bệnh hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh viêm loét dạ dày
1.1. Viêm loét dạ dày là gì?
Viêm loét dạ dày rất phổ biến ở mọi đối tượng, lứa tuổi và không phân biệt nam nữ. Bệnh xảy ra khi xuất hiện các tổn thương dạ viêm và loét trên thành niêm mạc dạ dày, cản trở hoạt động tiêu hóa, gây ra các triệu chứng khó chịu và nghiêm trọng hơn là nguy cơ xảy ra biến chứng đặc biệt là ung thư dạ dày.
Viêm loét dạ dày phát triển qua 2 giai đoạn: Viêm loét cấp tính và viêm loét mạn tính.
1.2. Nguyên nhân hình thành vết loét dạ dày
Nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày bao gồm các nguyên nhân trực tiếp và các yếu tố tăng nguy cơ, cụ thể:
Nguyên nhân trực tiếp:
– Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori): Đây là loại vi khuẩn có khả năng khu trú và phát triển tại lớp nhầy dạ dày. Theo thời gian, khi gặp điều kiện thuận lợi, vi khuẩn sẽ tăng tiết chất độc, phá hủy lớp nhầy bảo vệ và gây ra các tổn thương viêm loét.
– Lạm dụng sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm: Nguyên nhân này thường xuất hiện ở đối tượng người cao tuổi do nhu cầu sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm cao. Các loại thuốc này sẽ làm ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin – một chất có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày. Khi thành niêm mạc yếu dần sẽ dễ dẫn tới việc hình thành các vết loét dạ dày.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm loét:
– Hút thuốc lá, sử dụng quá độ các chất kích thích
– Uống rượu bia
– Stress, căng thẳng kéo dài
– Thực hiện lối sống không lành mạnh, ăn uống không khoa học
1.3. Nhận biết sớm các dấu hiệu
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu viêm loét là rất cần thiết để phục vụ điều trị bệnh ngay từ giai đoạn đầu. Tuy nhiên, các dấu hiệu bệnh thường không quá điển hình, có thể nhầm lẫn với các triệu chứng rối loạn thông thường nên nhiều người bệnh còn chủ quan mà bỏ qua.
Các dấu hiệu phổ biến giúp nhận biết viêm loét dạ dày bao gồm:
– Đau bụng tại vùng thượng vị – dấu hiệu điển hình nhất
– Đầy hơi, khó tiêu
– Buồn nôn hoặc nôn
– Chán ăn, ăn không ngon vì các cơn đau vùng bụng
– Ợ hơi, ợ chua
– Trào ngược dạ dày thực quản
– Khó ngủ, ngủ không được sâu giấc, ngủ chập chờn, mất ngủ
– Cơ thể mệt mỏi, suy nhược
– Đi cầu phân đen hoặc ra máu
– Sụt cân nhanh.
Khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường kể trên, hãy chủ động thăm khám sớm để được chẩn đoán bệnh chính xác và hướng dẫn điều trị đúng cách.
2. Vết loét dạ dày có tự khỏi không?
Các tổn thương ở dạ dày bao gồm cả các vết viêm loét sẽ có khả năng tự chữa lành nếu người bệnh kịp thời chăm sóc sức khỏe đúng cách, điều chỉnh chế độ ăn khoa học và thay đổi lối sống điều độ.
Ăn uống đủ chất, ăn đúng bữa đúng giờ, không nhịn đói hoặc ăn quá no, hạn chế dùng chất kích thích, không thức khuya, tránh căng thẳng mệt mỏi,… sẽ giúp quá trình tự hồi phục các tổn thương ở dạ dày tốt hơn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng sẽ nhận biết đúng các bất thường và nhanh chóng khắc phục chúng kịp thời. Vì vậy, các trường hợp viêm loét dạ dày khi được phát hiện đều cần can thiệp điều trị đúng cách. Phát hiện sớm ở giai đoạn cấp tính thì việc điều trị sẽ dễ dàng hơn, khi đã phát triển tới viêm loét mạn tính thì việc điều trị sẽ khó khăn và tốn nhiều thời gian hơn.
3. Điều trị bệnh đúng cách
Điều trị viêm loét dạ dày tuân thủ theo nguyên tắc chủ yếu tập trung vào nguyên nhân gây bệnh kết hợp cùng chế độ ăn khoa học và điều chỉnh thói quen sinh hoạt lành mạnh. Dựa theo từng tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị riêng biệt phù hợp.
3.1. Điều trị vết loét dạ dày bằng thuốc
Có tới 90% ca bệnh viêm loét dạ dày gây ra bởi vi khuẩn HP. Điều trị viêm loét dạ dày sẽ cần tập trung vào việc tiêu diệt vi khuẩn HP. Theo hướng dẫn Bộ Y tế đưa ra, các liệu pháp điều trị bằng thuốc được áp dụng thường là:
– Liệu pháp điều trị 3 thuốc
– Liệu pháp điều trị 4 thuốc
– Liệu pháp điều trị nối tiếp
– Liệu pháp điều trị 3 thuốc có chứa Levofloxacin
Người bệnh cần tiến hành thăm khám trực tiếp, đánh giá tình trạng bệnh chính xác mới có thể đưa ra hướng điều trị tương ứng. Lưu ý, người bệnh tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị tại nhà. Trong quá trình điều trị bằng thuốc cần tuân thủ đúng các chỉ định về loại thuốc, liều dùng, thời gian sử dụng. Đồng thời kết hợp cùng chế độ ăn và sinh hoạt khoa học để có được hiệu quả tốt nhất.
3.2. Phẫu thuật cắt dạ dày
Trong trường hợp điều trị viêm loét dạ dày bằng thuốc không mang lại hiệu quả hoặc bệnh diễn biến phức tạp kèm theo các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa nặng, thủng bao tử, ung thư dạ dày thì sẽ cần can thiệp ngoại khoa cắt dạ dày.
Với chỉ định này, bác sĩ sẽ cần đánh giá kỹ lưỡng giữa yếu tố thuận lợi và yếu tố nguy cơ mới có thể quyết định có nên tiến hành phẫu thuật hay không.
Như vậy, các vết loét dạ dày có khả năng tự hồi phục song việc điều trị vẫn là cần thiết. Bệnh viêm loét dạ dày nên được phát hiện sớm, điều trị đúng cách ngay từ đầu. Mỗi người nhất là những đối tượng có nguy cơ viêm loét cao hãy lựa chọn các bệnh viện uy tín và tiến hành thăm khám, kiểm tra định kỳ để tầm soát bệnh một cách tốt nhất.