Vắc xin Synflorix giúp tạo miễn dịch chủ động cho trẻ nhỏ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi, từ đó phòng ngừa hiệu quả các bệnh gây ra cho trẻ bởi phế cầu Streptococcus pneumoniae điển hình là hội chứng viêm não màng não, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm tai giữa cấp tính.
Menu xem nhanh:
1. Nguy cơ bệnh tật do phế cầu khuẩn
Vi khuẩn Streptococcus pneumoniae hay còn gọi là phế cầu khuẩn là một loại vi khuẩn phổ biến, có thể gây ra nhiều bệnh nguy hiểm ở trẻ em và người lớn, bao gồm: viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm tai giữa, viêm xoang,…
Mỗi năm, phế cầu khuẩn gây ra gánh nặng bệnh tật vô cùng lớn cho trẻ em và người lớn trên toàn thế giới. Theo điểm tin của Cổng thông tin điện từ Bộ Y tế năm 2016 đã chỉ ra:
– Phế cầu khuẩn là nguyên nhân của khoảng 1.4 triệu ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Nếu không ảnh hưởng tính mạng, trẻ vẫn có khả năng cao đối mặt với các di chứng điếc, mù, liệt và thần kinh chậm phát triển.
– Theo ước tính, hàng năm có 40-50% trong số 2,9 triệu ca viêm phổi có nguyên nhân từ phế cầu khuẩn, nằm trong top 15 nước có số ca viêm phổi cao trên thế giới.
– Trẻ em dưới 3 tuổi bị viêm màng não do phế cầu khuẩn chiểm tỉ lệ khá cao, có thể dẫn đến hậu quả nặng nề nếu không được điều trị kịp thời.
– Theo WHO, có hơn 350 triệu trẻ em dưới 5 tuổi mắc bệnh viêm tai giữa cấp. Trong số đó, hơn 30% bị tái phát cần phẫu thuật lại.
Trước hiện trạng này, chủ động tiêm phòng vắc xin Synflorix là biện pháp tiết kiệm và hiệu quả giúp phòng ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra.
2. Thông tin chung về vắc xin Synflorix
2.1. Thông tin chung về vắc xin Synflorix
Vắc xin Synflorix là một loại vắc xin phế cầu được nghiên cứu và phát triển bởi tập đoàn GlaxoSmithKline (GSK) – Bỉ. Vắc xin được chỉ định để phòng ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra ở trẻ em từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi, bao gồm: Viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết và viêm tai giữa cấp.
Vắc xin Synflorix chứa 10 typ kháng nguyên phổ biến của vi khuẩn Streptococcus pneumoniae là 1, 4, 5, 6B, 7F, 9V, 14, 18C, 19F, 23F. Sau khi tiêm, vắc xin sẽ kích thích hệ miễn dịch của cơ thể sản sinh ra các kháng thể chống lại các typ phế cầu khuẩn nêu trên. Khi phế cầu khuẩn xâm nhập vào cơ thể, các kháng thể này sẽ trung hòa vi khuẩn, ngăn chặn chúng gây bệnh.
Phác đồ tiêm Synflorix phụ thuộc vào độ tuổi con bắt đầu tiêm mũi đầu tiên. Tuy nhiên tiêm càng sớm trong độ tuổi được khuyến cáo càng tốt vì nó sẽ giúp cơ thể trẻ sớm hình thành kháng thể bảo vệ.
Vắc xin Synflorix cần được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 độ C đến 8 độ C, không được để đông băng và tránh ánh sáng trực tiếp.
2.2. Phác đồ tiêm
Vắc xin được chỉ định cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến dưới 5 tuổi với số mũi tiêm phụ thuộc vào lứa tuổi tiêm mũi đầu tiên. Lịch tiêm cụ thể dưới đây.
Nếu bắt đầu tiêm khi trẻ đủ 6 tuần tuổi đến 6 tháng tuổi sẽ tiêm 4 mũi:
– Mũi 1: Lần tiêm đầu.
– Mũi 2 và 3: Sau lần lượt 1 tháng.
– Mũi 4 (tiêm nhắc): Sau 6 tháng.
Nếu bắt đầu tiêm khi trẻ từ 7 tháng tuổi đến 11 tháng tuổi sẽ tiêm 3 mũi:
– Mũi 1: Lần tiêm đầu.
– Mũi 2: Sau 1 tháng.
– Mũi 3 (tiêm nhắc): Sau 6 tháng.
Nếu bắt đầu tiêm khi trẻ từ 12 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi sẽ tiêm 2 mũi:
– Mũi 1: Lần tiêm đầu.
– Mũi 2: Sau 2 tháng.
Nếu bắt đầu tiêm khi trẻ từ 24 tháng tuổi đến 5 tuổi:
– Tiêm 2 mũi, cách nhau ít nhất 60 ngày.
Khi tiêm sử dụng liều 0.5ml và tiêm bắp mặt trước bên đùi của trẻ nhỏ, cơ delta cánh tay của trẻ lớn.
2.3. Lưu ý khi sử dụng
Trước, trong và sau khi tiêm, trẻ cần được khám và theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa nhi để được chỉ định tiêm phù hợp và tránh các trường hợp không mong muốn xảy ra. Theo đó, một vài lưu ý khi sử dụng vắc xin Synflorix gồm:
– Không tiêm tĩnh mạch hay tiêm trong da đối với Synflorix trong bất kỳ trường hợp nào.
– Hoãn tiêm chủng nếu trẻ có biểu hiện sốt hoặc nhiễm trùng cấp tính.
– Cực kỳ cẩn trọng khi tiêm Synflorix cho trẻ bị giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu.
– Trẻ suy giảm miễn dịch hoặc đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch có thể làm giảm mức độ đáp ứng của kháng thể với miễn dịch chủ động.
– Trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh lý do phế cầu khuẩn nên tiến hành tiêm chủng càng sớm càng tốt.
– Không tiêm Synflorix cho trẻ trên 5 tuổi.
– Tiêm phòng với Synflorix không thể thay thế phác đồ tiêm chủng thường quy được khuyến cáo với vắc xin bạch hầu, uốn ván và Hib.
– Hoàn toàn có thể tiêm đồng thời Synflorix với các vắc xin bạch hầu, ho gà vô bào, viêm gan B, Hib, thủy đậu, não mô cầu, rotavirus, vắc xin bại liệt bất hoạt, vắc xin tam giá sởi – quai bị – rubella. Tuy nhiên cần tiêm khác vị trí.
– Vắc xin Synflorix chỉ có tác dụng phòng ngừa với những vi khuẩn có typ huyết thanh được liệt kê trong bảng thành phần. Do đó trẻ từ 2 tuổi được khuyến cáo bổ sung vắc xin polysaccaride 23 tuýp phế cầu (Pneumo 23).
– Cần theo dõi hô hấp và lưu ý đến nguy cơ ngừng thở trong vòng 2-3 ngày sau khi chỉ định tiêm phòng cho trẻ sinh non tháng hoặc trẻ có tiền sử chưa trưởng thành hệ hô hấp.
– Luôn sẵn sàng phác đồ phản ứng đề phòng sốc phản vệ sau tiêm.
2.4. Những phản ứng phụ có thể xảy ra sau tiêm vắc xin Synflorix
Tất cả các loại vắc xin đều có thể gây ra một số tác dụng phụ, và Synflorix cũng không ngoại lệ. Các tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm Synflorix bao gồm:
– Đau, sưng, đỏ nhẹ tại chỗ tiêm.
– Sốt nhẹ (thường dưới 38,5°C).
– Chán ăn.
Những triệu chứng này có thể kéo dài khoảng 1-2 ngày sau tiêm rồi tự biến mất mà không cần điều trị, không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Trong trường hợp trẻ gặp phải những tác dụng phụ hiếm gặp dưới đây, phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời:
– Sưng tấy nghiêm trọng tại chỗ tiêm, u máu.
– Sốt cao (trên 38,5°C).
– Khóc bất thường.
– Ngừng thở ở trẻ sinh non.
– Tiêu chảy.
– Nôn mửa.
– Phát ban, mề đay.
– Co giật.
– Viêm da dị ứng.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều cơ sở y tế thực hiện tiêm chủng vắc xin Synflorix. Do đó để đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ, phụ huynh cần cân nhắc lựa chọn cơ sở tiêm chủng uy tín, chất lượng. Khi lựa chọn cơ sở tiêm chủng, phụ huynh cần lưu ý những tiêu chí sau:
– Cơ sở y tế được cấp phép hoạt động tiêm chủng; có đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản về tiêm chủng; đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết; quy trình tiêm chủng an toàn, đảm bảo.
– Cơ sở tiêm chủng có tư vấn đầy đủ cho phụ huynh về vắc xin trước khi tiêm, theo dõi phản ứng sau tiêm cho trẻ và hướng dẫn chăm sóc cho trẻ tại nhà sau tiêm.
Hi vọng bài viết đã phần nào giúp phụ huynh nắm được những thông tin cơ bản về vắc xin Synflorix cũng như phác đồ tiêm và lưu ý khi sử dụng. Nếu còn thắc mắc, phụ huynh hãy liên hệ TCI để được hỗ trợ.