Viêm khớp nhiễm khuẩn là tình trạng viêm nhiễm trong khớp do vi khuẩn gây ra. Nếu không được điều trị, bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, dính khớp, viêm xương, thoái hóa khớp, … Thông tin về nguyên nhân, điều trị và triệu chứng viêm khớp nhiễm khuẩn sẽ có trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu đúng viêm khớp nhiễm khuẩn là gì?
Viêm khớp nhiễm khuẩn là tình trạng nhiễm trùng bên trong khớp, vi khuẩn xâm nhập vào khớp khiến khớp sưng, đau. Viêm khớp nhiễm khuẩn ít khi xảy ra ở nhiều khớp cùng lúc. Nhiễm trùng có thể đến từ vi trùng đi qua dòng máu từ một bộ phận khác trong cơ thể. Tình trạng này cũng có thể xảy ra khi một chấn thương xuyên thấu đưa trực tiếp vi trùng vào khớp. Những khớp có nguy cơ cao bị nhiễm trùng thường là:
– Khớp gối
– Khớp hông
– Khớp cổ tay
– Khớp vai
– Khuỷu tay
– Khớp mắt cá chân
2. Một số triệu chứng viêm khớp nhiễm khuẩn đặc trưng
Viêm khớp nhiễm khuẩn xảy ra do sự tấn công của vi khuẩn vào các ổ khớp dẫn đến tình trạng nhiễm trùng. Triệu chứng viêm khớp nhiễm khuẩn bao gồm đau nhức, sưng tấy các khớp, gây ra cảm giác khó chịu.
2.1. Cảnh báo triệu chứng viêm khớp nhiễm khuẩn tại khớp
– Thường chỉ viêm một khớp duy nhất
– Sưng, nóng, đỏ
– Đau dữ dội
– Hạn chế vận động
Nếu được điều trị trong vòng 1-3 ngày đầu tiên, bệnh thường cải thiện tích cực. Nếu không được điều trị kịp thời, khớp bị hủy hoại và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như:
– Dính khớp
– Biến dạng khớp
– Biến chứng viêm xương tủy
– Ảnh hưởng chức năng vận động
2.2. Triệu chứng viêm khớp nhiễm khuẩn toàn thân
– Xuất hiện hội chứng nhiễm trùng (sốt cao, rét run) xảy ra ở đối tượng có suy giảm miễn dịch.
– Nếu trẻ em mắc bệnh có thể gặp một số triệu chứng bao gồm ăn không ngon, nhịp tim đập nhanh, khó chịu, quấy khóc.
Tùy vào đối tượng từng người mà vị trí khớp sẽ ảnh hưởng khác nhau, cụ thể như sau:
– Với người bệnh là trẻ em: viêm khớp nhiễm khuẩn thường xảy ra ở khớp hông.
– Ở người lớn, nhiễm khuẩn thường diễn ra ở các khớp tay, chân đặc biệt là khớp đầu gối.
– Ngoài ra, một số trường hợp hiếm nhiễm khuẩn xảy ra ở khớp lưng, đầu và cổ.
3. Nguyên nhân
Viêm khớp nhiễm trùng thường do vi khuẩn lây lan qua dòng máu từ một bộ phận khác của cơ thể gây ra. Nguyên nhân cũng có thể là tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn từ vết thương hở hoặc vết mổ do thủ thuật phẫu thuật ví dụ như phẫu thuật đầu gối.
Một số nguyên nhân phổ biến gây ra viêm khớp nhiễm khuẩn cần lưu ý:
3.1. Nhiễm khuẩn xảy ra do virus, vi khuẩn và nấm
Theo ghi nhận, đây là nguyên nhân khá phổ biến. Các virus, vi khuẩn, nấm tấn công vào cơ thể khiến các tế bào khớp tổn thương lâu dần gây viêm nhiễm.
3.2. Nhiễm trùng tại một số vị trí khác trên cơ thể
Khi cơ thể bị nhiễm trùng tại một số vị trí khác trên cơ thể có thể làm vùng viêm nhiễm lan rộng và gây nhiễm trùng tại khớp. Tình trạng này thường xuyên xảy ra khi người bệnh bị nhiễm khuẩn hô hấp, đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng máu. Đây là trường hợp đặc biệt của viêm khớp nhiễm khuẩn, lúc đó bệnh còn được gọi với cái tên viêm khớp phản ứng.
3.3. Viêm khớp nhiễm trùng do màng dịch khớp suy yếu
Khi cơ chế tự bảo vệ của màng dịch khớp bị suy yếu, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công màng hoạt dịch khớp và phá hủy sụn khớp.
3.4. Một số nguyên nhân khác
– Người mắc một số bệnh lý về xương khớp bao gồm viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, bệnh gout có nguy cơ cao bị viêm khớp nhiễm trùng.
– Những người có hệ miễn dịch yếu, sức đề kháng cũng thuộc nhóm nguy cơ cao. Nguyên nhân là do virus, vi khuẩn dễ tấn công vào cơ thể hơn.
– Nếu đang gặp phải các chấn thương gần khớp, người bệnh cũng cần lưu ý vì dễ bị viêm khớp nhiễm khuẩn.
– Những người có làn da mỏng, nhạy cảm, khu vực khớp xương dễ tổn thương khiến vi khuẩn và virus dễ dàng xâm nhập và gây nhiễm trùng.
4. Giải đáp: bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn có nguy hiểm không?
Bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn có nguy hiểm không, câu trả lời chắc chắn là có. Cũng giống như nhiều bệnh viêm khớp khác, viêm khớp nhiễm khuẩn cần được điều trị sớm và đúng cách. Nếu lơ là điều trị, bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Tốc độ tiến triển của bệnh rất nhanh và dễ dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp. Nhiều người bệnh chủ quan không điều trị phải chịu nhiều đau đớn do biến chứng của tình trạng viêm khớp này gây ra như biến dạng khớp, viêm khớp, … Do đó, ngay khi xuất hiện triệu chứng cảnh báo, người bệnh cần thăm khám để được chẩn đoán và điều trị sớm.
5. Tìm hiểu phương pháp điều trị viêm khớp nhiễm khuẩn
Sau khi thăm khám và xác định chính xác tình trạng viêm khớp, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
5.1. Sử dụng kháng sinh
Bác sĩ dựa trên kết quả xét nghiệm và kê đơn loại kháng sinh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây viêm khớp.
Người bệnh có thể được tiêm kháng sinh vào tĩnh mạch để đảm bảo khớp bị viêm nhanh chóng được nhận thuốc diệt vi khuẩn. Sau đó, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh bằng đường uống. Thông thường, triệu chứng bệnh sẽ thuyên giảm trong 48 giờ kể từ lần điều trị đầu tiên. Thời gian điều trị thường kéo dài từ 2-6 tuần.
Thuốc kháng sinh có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Vì thế, người bệnh cần tìm hiểu để có sự chuẩn bị từ trước.
5.2. Thoát dịch khớp
Bác sĩ có thể phải tháo dịch khớp khỏi khớp đang nhiễm trùng nếu tình trạng viêm nhiễm tái tiết dịch quá nhanh. Thoát dịch bị nhiễm từ khớp với mục đích loại bỏ vi khuẩn tại khớp, giảm áp lực lên khớp.
5.3. Khả năng hồi phục
Viêm khớp nhiễm trùng có thể được điều trị dứt điểm nếu người bệnh chủ động thăm khám và điều trị sớm. Phần lớn người bệnh cảm nhận triệu chứng dần thuyên giảm sau 2-3 ngày điều trị. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, viêm khớp nhiễm khuẩn có thể gây ra những tổn thương vĩnh viễn. Vì vậy, ngay khi cảm thấy đau nhức, sưng khớp, bệnh nhân cần đến chuyên khoa Cơ xương khớp để nhanh chóng chẩn đoán và điều trị.