Là một trong những bệnh lý ung thư vùng đầu phổ biến, ung thư vòm họng dẫn tới nhiều nguy cơ cho sức khỏe bởi căn bệnh này khi phát triển thường âm thầm nhưng lại nhanh khiến người bệnh khó phát hiện và điều trị sớm. Nhận biết được các triệu chứng ung thư vòm họng ngay từ giai đoạn đầu giúp người bệnh điều trị tốt hơn.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu tổng quan về bệnh ung thư vòm họng
Bệnh ung thư vòm họng là bệnh lý hình thành khi cơ thể phát sinh những tế bào ác tính khó kiểm soát. Chúng xâm lấn vòm họng và lâu dài có thể di căn và ảnh hưởng đến các cơ quan khác.
Tuy nhiên ung thư vòm họng thường khó phát hiện ở giai đoạn đầu bởi thời điểm này vẫn chưa có nhiều dấu hiệu rõ ràng để phát hiện bệnh. Một số bệnh nhân có thể phát hiện ra bệnh sớm nhờ thăm khám sức khỏe định kì hoặc tầm soát ung thư từ sớm.
Đa số bệnh nhân ung thư vòm họng phát hiện ra bệnh khi đã ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Căn bệnh này ở giai đoạn đầu được gọi là giai đoạn ủ bệnh, thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường như: viêm amidan, viêm mũi họng, bệnh viêm xoang mãn tính… Tuy nhiên bệnh có thể phát triển rất nhanh chóng và giai đoạn xâm lấn này rất nguy hiểm.
2. Những biểu hiện phổ biến của bệnh ung thư vòm họng
2.1 Triệu chứng bệnh ung thư vòm họng ở vùng đầu – mặt
– Đau đầu:
Những triệu chứng ung thư vòm họng giai đoạn đầu thường là đau nửa đầu, đau đầu hoặc đau trong hốc mắt. Cơn đau này thường âm ỉ nhưng sẽ đau tăng khi khối u di căn nhiều và xa hơn.
Nguyên nhân của hiện tượng này là do các dây thần kinh chèn ép dẫn tới người bệnh đau đầu và tê bì mặt.
– Chảy nước mũi, nước mũi có máu
Ngạt mũi hay chảy máu mũi là một biểu hiện của bệnh ung thư vòm họng. Tuy nhiên những dấu hiệu này tương đồng với những bệnh lý mũi họng thông thường: cảm cúm, viêm xoang, chảy máu cam, polyp mũi, nhiễm trùng hô hấp…
Tình trạng này có thể xảy ra thường xuyên theo từng đợt kèm chất nhầy.
Tình trạng này xuất hiện do khối u xâm lấn khiến người bệnh ngạt mũi hoặc tổn thương nhẹ trong mũi.
– Ho mạn tính, khó nói chuyện, ù tai
Nhiều trường hợp bệnh nhân có thể nổi hạch khu vực góc hàm trước khi có những triệu chứng ở giai đoạn đầu bởi vòm họng có thể có cấu trúc các mô bạch huyết đa dạng. Khi tế bào ung thư không được tiêu diệt sẽ ảnh hưởng đến các dây thanh âm khiến bệnh nhân khó nói chuyện, khàn tiếng.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể gặp phải tình trạng ho kéo dài kèm theo đau họng, ho ra đờm, thậm chí ho ra máu…
2.2 Triệu chứng bệnh ung thư vòm họng ở vùng cổ
Khu vực vòm họng có rất nhiều hạch bạch huyết nên nếu không điều trị sớm có thể dẫn tới lây lan nhanh chóng. Từ đó hình thành hạch ở vùng cổ, đồng thời khiến cổ bị sưng.
3. Ung thư vòm họng có thể chữa khỏi được hay không?
Ở giai đoạn đầu, bệnh ung thư vòm họng có khả năng điều trị khỏi cao hơn, đây cũng là thời điểm điều trị tốt nhất. Bởi ở giai đoạn này các tế bào ung thư chưa xâm lấn đến các cơ quan xa trong cơ thể.
Khi được điều trị sớm với phác đồ đúng hướng, người bệnh có thể phối hợp điều trị với các phương pháp khác nhau. Đặc biệt ở giai đoạn này tình trạng sức khỏe của người bệnh còn ổn định nên có thể đáp ứng điều trị tốt hơn.
Đồng thời, mức chi phí điều trị khi ung thư ở giai đoạn đầu thấp hơn, phù hợp với điều kiện tài chính của đa số người bệnh. Bệnh ung thư này càng để lâu càng nguy hiểm và khó điều trị.
4. Các phương pháp chữa bệnh ung thư vòm họng hiện nay
4.1 Hóa trị
Đây là phương pháp điều trị bệnh với hóa chất dung nạp vào cơ thể thông qua uống hoặc tiêm vào tĩnh mạch, đôi khi là sử dụng song song.
Những phác đồ hóa trị phổ biến gồm:
– Hóa trị kết hợp với xạ trị: Hai phương pháp này khi kết hợp có thể đem lại hiệu quả cao hơn tuy nhiên sẽ có tác dụng phụ không mong muốn.
– Hóa trị sau khi xạ trị: Tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại khi xạ trị tiêu diệt chưa triệt để, áp dụng với cả trường hợp ung thư đã di căn.
– Hóa trị trước khi xạ trị: Dùng với mục đích hỗ trợ, áp dụng đơn lẻ hoặc đồng thời để đem lại hiệu quả cao nhất.
4.2 Xạ trị
Xạ trị được sử dụng để phá hủy các tế bào ung thư và đối với các khối u ở vòm họng kích thước nhỏ đa số chỉ cần xạ trị chiếu tia ngoài.
Xạ trị có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc cũng có thể kết hợp với các phương pháp khác để tăng hiệu quả.
Bên cạnh xạ trị ngoài, xạ trị trong hay tia phóng xạ gần áp dụng với các trường hợp ung thư vòm họng tái phát để tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả.
4.3 Phẫu thuật
– Phẫu thuật là phương pháp có độ xâm lấn cơ thể nhất định nên phương pháp này sẽ được hạn chế tối đa so với các phương pháp khác. Phẫu thuật thường áp dụng với các trường hợp được chỉ định để cắt bỏ hạch hạch huyết.
– Phương pháp này cũng cần thời gian phục hồi dài hơn những phương pháp khác và phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng sức khỏe của người bệnh.
– Điều trị với phẫu thuật, người bệnh có thể đối mặt với một số nguy cơ biến chứng hậu phẫu như: chảy máu, sưng phù, nhiễm trùng…
4.4 Chế độ ăn uống, sinh hoạt
Để điều trị ung thư hiệu quả, người bệnh cũng cần kết hợp với chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dưỡng chất và cân bằng nhóm thực phẩm để đảm bảo sức khỏe tốt.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên rèn luyện sức khỏe thường xuyên để tăng sức đề kháng.
Trên đây là những triệu chứng ung thư vòm họng điển hình người bệnh không nên chủ quan khi gặp phải. Khi thấy những dấu hiệu bất thường trên, bạn hãy đến ngay các cơ sở y tế để khám và tìm hiểu nguyên nhân nhé!