Triệu chứng rối loạn tiêu hóa trẻ em thường gặp

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa là một trong những vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ nhỏ. Tình trạng này không quá nguy hiểm và có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên rối loạn tiêu hóa kéo dài có thể khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển thể chất và trí tuệ. Chính vì vậy, phụ huynh cần chú ý phát hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa trẻ em gặp phải, từ đó điều trị kịp thời, dứt điểm, tránh để bệnh kéo dài và tái phát. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cũng cần nắm được giải pháp phòng tránh rối loạn tiêu hóa cho trẻ.

1. Tổng quan về rối loạn tiêu hóa ở trẻ em

Tình trạng cơ vòng trong hệ tiêu hóa co thắt bất thường sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hóa, khiến người bệnh đau bụng và gặp những bất thường trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Đây là vấn đề tiêu hóa phổ biến, ai cũng có thể gặp phải. Và trẻ nhỏ là một trong những nhóm đối tượng có nguy cơ rối loạn tiêu hóa cao nhất.

Khác với người lớn, trẻ nhỏ bị rối loạn tiêu hóa có thể làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển trong tương lai. Trẻ em ở mỗi độ tuổi đều thuộc một giai đoạn phát triển nhất định, yêu cầu chế độ dinh dưỡng phù hợp. Tuy vậy, khi bị rối loạn tiêu hóa, khả năng hấp thu giảm sút khiến lượng dinh dưỡng thiếu hụt. Điều này lâu dài có thể khiến trẻ chậm lớn, suy dinh dưỡng, còi xương, suy giảm hệ miễn dịch.

Rối loạn tiêu hóa trẻ em

Rối loạn tiêu hóa kéo dài có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm cho sự phát triển của trẻ

2. Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ

– Sức đề kháng và hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, đặc biệt là trẻ từ 0 đến 6 tuổi: Trẻ em dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công (như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm,…). Đây chính là nhân tố gây ra các bệnh lý tiêu hóa, trong đó có rối loạn tiêu hóa.

– Sử dụng thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn tác động đến cả vi khuẩn có lợi. Hệ vi sinh đường ruột mất cân bằng sẽ dẫn đến chứng rối loạn tiêu hóa.

– Môi trường sống có chất lượng vệ sinh kém, trẻ sử dụng nguồn nước và thực phẩm ô nhiễm.

– Một số bệnh lý có thể gây ra biến chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ như: viêm mũi họng cấp, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm phế quản,… Các bệnh lý này có thể gây tiết đờm chứa vi khuẩn. Trẻ em thường nuốt thay vì khạc nhổ ra ngoài, dẫn đến nhiễm khuẩn đường ruột, gây rối loạn tiêu hóa.

– Chế độ ăn uống không hợp lý: Sử dụng nhiều thực phẩm chứa dầu mỡ, thịt công nghiệp, đồ ăn chế biến sẵn, nước ngọt, đồ uống có gas,…

3. Triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ thường gặp

Trẻ em có cơ địa non nớt và thành ruột còn yếu, do đó các triệu chứng rối loạn tiêu hóa có thể thay đổi rất nhanh. Có trường hợp trẻ có triệu chứng tiêu chảy, một lúc sau lại bị táo bón. Trẻ có thể đồng thời bị đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, quặn bụng,… Say đây là các biểu hiện rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ:

3.1. Nôn trớ – Triệu chứng rối loạn tiêu hóa trẻ em thường gặp

Tình trạng này đặc biệt phổ biến ở trẻ nhỏ khi cấu trúc đường tiêu hóa chưa hoàn thiện. Trẻ thường nôn trớ sữa, thức ăn,… ngay sau các bữa ăn.

3.2. Táo bón

Đây là triệu chứng thường gặp sau khi trẻ ăn những thực phẩm khó tiêu hóa như: các loại đạm nóng khó tiêu, thực phẩm nhiều dầu mỡ, thức ăn cứng,… Đồng thời chế độ ăn ít rau củ và thói quen uống ít nước cũng làm trầm trọng thêm tình trạng táo bón ở trẻ.

Khi bị táo bón, trẻ thường biếng ăn, bỏ bữa, khiến cơ thể không được cung cấp đủ dinh dưỡng và khoáng chất cần thiết. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến trẻ suy dinh dưỡng, còi xương, chậm phát triển.

3.3. Đi ngoài phân sống

Trẻ đi ngoài phân sống do có sự mất cân bằng lợi khuẩn và hại khuẩn đường ruột. Đường ruột khỏe mạnh thường có hệ vi sinh vật sống cộng sinh với tỷ lệ lợi khuẩn/ hại khuẩn là 85%/ 15%. Hệ vi sinh vật đường ruột ổn định giúp quá trình tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng và thải trừ chất độc hại diễn ra bình thường.

Ngược lại, khi tỷ lệ trên thay đổi, lượng lợi khuẩn giảm xuống và hại khuẩn tăng lên sẽ dẫn đến tình trạng loạn khuẩn đường ruột. Lúc này, trẻ sẽ gặp phải các triệu chứng như: đi ngoài phân sống, phân lỏng, có thể có lẫn chất nhầy. Ngoài ra, trẻ có thể cảm thấy đầy bụng khó chịu.

3.4. Tiêu chảy – Triệu chứng rối loạn tiêu hóa trẻ em thường gặp

Tình trạng tiêu chảy kéo dài rất dễ dẫn đến mất nước và các chất điện giải ở trẻ. Tiêu chảy kéo dài không được xử trí kịp thời thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng trẻ nhỏ.

Triệu chứng rối loạn tiêu hóa trẻ em

Tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước và mất các chất điện giải, rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ

4. Cần xử trí như thế nào khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa?

Khi phát hiện các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa ở trẻ, phụ huynh cần sớm đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành kiểm tra, chẩn đoán chính xác vấn đề trẻ đang gặp phải cũng như nguyên nhân gây bệnh. Từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp cho trẻ.

Các phụ huynh tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng các loại thuốc như kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy,… Trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, phụ huynh cần tham khảo y kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Cha mẹ cần xây dựng chế độ ăn uống hợp lý và đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ. Hãy bổ sung các thực phẩm giàu vitamin vào các bữa ăn; chế biến thức ăn mềm, dễ tiêu hóa và ít dầu mỡ. Bên cạnh đó, phụ huynh cần giúp trẻ vệ sinh thân thể sạch sẽ, vệ sinh nhà cửa và môi trường sinh hoạt xung quanh trẻ.

5. Cách phòng tránh rối loạn tiêu hoá ở trẻ em

5.1. Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp và thói quen ăn uống khoa học

– Hạn chế cho trẻ ăn những đồ ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn,… Thay vào đó, phụ huynh nên nấu ăn ở nhà để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đầy đủ dinh dưỡng.

– Xây dựng cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh như: rửa tay kỹ bằng xà phòng trước khi ăn; ăn uống điều độ và đúng giờ; ăn chậm, nhai kỹ…

– Bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ vào thực đơn của trẻ như: các loại rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt,…

– Khuyến khích trẻ uống nhiều nước mỗi ngày – đây là thói quen rất tốt cho việc tiêu hóa.

– Phụ huynh cần tránh tạo áp lực lên trẻ em trong các bữa ăn, khiến trẻ ăn không ngon miệng, ức chế quá trình tiêu hóa và hấp thu. Ngược lại, hãy tạo cho trẻ tâm lý thoải mái và thích thú khi ăn.

Phòng tránh rối loạn tiêu hóa trẻ em

Phụ huynh cần xây dựng cho trẻ chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất

5.2. Tạo cho trẻ thói quen rèn luyện thể chất mỗi ngày

Việc tập thể dục, thể thao và vận động hàng ngày giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru và trẻ ăn uống ngon miệng hơn. Thêm vào đó, thói quen này cũng tăng cường sức đề kháng cho trẻ, bảo vệ trẻ khỏi sự tấn công của các tác nhân gây bệnh.

Phụ huynh cần lưu ý cho trẻ tập những bài tập hoặc chơi môn thể thao phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra, tránh để trẻ vận động quá mạnh, đặc biệt là sau khi ăn no.

Bài viết trên đây đã nêu rõ các triệu chứng rối loạn tiêu hóa trẻ em, cách xử trí và đề phòng hội chứng này. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để kịp thời thăm khám và điều trị dứt điểm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital