Menu xem nhanh:
1.Nguyên nhân do đâu?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh phình đại tràng bẩm sinh và bệnh có tính chất di truyền. Do trong thời kỳ bào thai, sự phát triển của ống tiêu hóa theo hướng từ trên xuống dưới, cùng với nó là sự phát triển của hệ thống thần kinh chi phối ruột. Hệ thống thần kinh này có chức năng nhận cảm giác có thức ăn hay phân trong lòng ruột, sau đó chuyển đến cơ ở thành ruột thông qua các hạch ở hai đám rối thần kinh có tên là Aubach và Meissner. Nhờ đó, khi trẻ sinh ra và lớn lên, ruột có được nhu động giúp trẻ đi cầu bình thường. Trong quá trình này, nếu như các hạch ở hai đám rối thần kinh đó không có, ruột của trẻ sẽ không co bóp khiến trẻ không đi đại tiện được.
2.Dấu hiệu nhận biết
Những trẻ mắc chứng phình đại tràng thường có các dấu hiệu đặc trưng như táo bón, nhiều trẻ không tự đại tiện được mà cần phải thụt tháo thường xuyên, bụng trướng, gầy sút, kém ăn, suy dinh dưỡng.
Thông thường, ở trẻ mới sinh, bụng trướng căng, không đi phân su sau hơn 24h hoặc chỉ thể đi có đại tiện khi dùng ống thông đưa vào hậu môn kích thích. Nếu được kích thích hậu môn, trẻ ra nhiều phân. Bên cạnh đó, do bụng trướng căng do đó trẻ sẽ nôn nhiều. Ở trẻ trên 1 tuổi có biểu hiện táo bón kéo dài kèm theo dấu hiệu “tháo cống” và bụng trướng thì phụ huynh cần nghi ngờ trẻ mắc bệnh phình đại tràng bẩm sinh và đưa trẻ đi đến cơ sở chuyên khoa để thăm khám ngay. Tuy nhiên, không phải bất cứ trẻ nào sau khi sinh 24 giờ không đại tiện được đều mắc phình đại tràng bẩm sinh vì có thể trẻ bị dị dạng hậu môn bẩm sinh không đại tiện được.
3.Phát hiện và điều trị
Dựa vào các biểu hiện trên, phụ huynh cần lưu ý để phát hiện kịp thời. Nếu thấy các biểu hiện khác thường như các biểu hiện trên thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để khám. Trường hợp sau khi khám, chụp đại tràng có bơm thuốc cản quang, sinh thiết trực tràng, đo áp lực hậu môn trực tràng, các bác sĩ sẽ xác định trẻ có mắc bệnh phình đại tràng hay không từ đó đưa ra phương pháp điều trị kịp thời.
Hiện nay, phương pháp duy nhất được áp dụng để điều trị bệnh phình đại tràng là phẫu thuật cắt bỏ đoạn trực – đại tràng vô hạch, sau đó nối đầu đại tràng lành với ống hậu môn. Thời điểm phẫu thuật còn tùy thuộc vào lúc phát hiện cũng như mức độ nặng nhẹ của bệnh, có hay chưa có biến chứng, tình trạng chung của trẻ…
Trong và sau quá trình điều trị bệnh, trẻ cần được chăm sóc cẩn thận, chu đáo với chế độ ăn uống hợp lý và tạo thói quen sinh hoạt hợp lý như ăn nhiều chất xơ, rau quả tươi, uống nhiều nước. Cùng với đó, trẻ cần được đôn thức và tạo cho thói quen đi đại tiện đúng giờ để tránh tình trạng bị táo bón và tích tụ phân trong đại tràng.