Sốt là một cơ chế phòng vệ của cơ thể và nhiệt độ cơ thể có thể “giết chết” một loạt các tác nhân gây bệnh. Trong một số trường hợp trẻ bị sốt ngay sau khi ăn các loại thực phẩm nhất định. Nếu gặp phải tình trạng này, cha mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện để kiểm tra để loại trừ nguy cơ mắc phải một bệnh lý nghiêm trọng nào đó.
Menu xem nhanh:
1. Sốt nhẹ
Sốt nhẹ là tình trạng sốt cao hơn 37 độ C một chút. Nhiệt độ cơ thể trung bình của con người là 37 độ C và nhiệt độ này không cố định mà giao động đáng kể trong suốt cả ngày theo hiện tượng sinh lý của mỗi cá thể. Ăn quá no có thể kích thích quá trình trao đổi chất và kích hoạt hệ thống nội tiết, cả hai yếu tố này đều làm tăng nhiệt độ cơ thể. Nếu trẻ bị sốt nhưng không có bất cứ biểu hiện nào khác, cha mẹ cũng không nên quá lo lắng đó có thể chỉ là sự giao động nhiệt độ bình thường của cơ thể.
2. Nhạy cảm với thực phẩm
Theo chuyên gia dinh dưỡng nhi Lynn Marotz, dị ứng thực phẩm gây phản ứng ngay lập tức và có thể rất dữ dội. Trẻ bị dị ứng với thức ăn sẽ có các triệu chứng ngay sau khi thức ăn đi vào cơ thể. Tuy nhiên nhạy cảm với thực phẩm có thể xảy ra với tốc độ chậm hơn, thường là vài phút hoặc vài giờ sau khi trẻ ăn một thực phẩm nào đó. Nhạy cảm thực phẩm được gây ra bởi một phản ứng miễn dịch bất thường của cơ thể với một loại thực phẩm nhất định nào đó và có thể tạm thời làm tăng nhiệt độ cơ thể. Nên theo dõi việc ăn uống của trẻ hàng ngày, nếu trẻ bị sốt sau khi ăn một thực phẩm nào đó, trẻ có nhiều khả năng bị nhạy cảm với thực phẩm.
3. Nhiễm khuẩn từ thực phẩm
Nếu trẻ không thường xuyên bị sốt ngay sau khi ăn và hiện tượng này chỉ xảy ra trong vài ngày, trẻ có thể đã nhiễm khuẩn – nhiễm độc thức ăn do E. coli hay salmonella. Những bệnh này thường do trẻ ăn phải thức ăn chưa nấu chín hoặc bị nhiễm khuẩn. Nếu trẻ cũng có các triệu chứng khác như tiêu chảy, buồn nôn, sốt có thể ược gây ra bởi một tác nhân gây bệnh trong thực phẩm mà trẻ đang ăn. Nên đưa trẻ nhập viện ngay khi bị sốt và có các triệu chứng về tiêu hóa.
4. Nguyên nhân khác
Một số bệnh có ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và tiêu hóa có thể gây ra một cơn sốt sau khi ăn. Ví dụ như bệnh Celiac, một bệnh lý đường ruột gây ra bởi tình trạng nhạy cảm với gluten, loại protein được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch. Trẻ em mắc phải căn bệnh này có thể bị sốt sau khi ăn các sản phẩm chế biến từ lúa mì. Nhiệt độ cơ thể thường tăng nhẹ sau khi ăn nhưng những người đang cảm thấy lo lắng hoặc tâm trạng quá phấn khích có thể khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên khoảng 1 độ C hoặc nhiều hơn. Nên đưa trẻ đi khám nếu nghi ngờ trẻ đang mắc phải một bệnh mạn tính nào đó hay rối loạn lo âu.