Cảm lạnh là bệnh đường hô hấp khá phổ biến do virus gây ra. Tuy không nặng như cảm cúm, nhưng ít nhiều gây ảnh hưởng đến khả năng vận động và sức khỏe của trẻ. Để tránh biến chứng, khi trẻ bị cảm lạnh cần làm gì ngay?
Menu xem nhanh:
1. Cảm lạnh là gì?
Cảm lạnh là bệnh nhiễm trùng do virus ở mũi và họng gây nên. Bệnh gây ra bởi 1 trong 200 loại virus khác nhau, phổ biến nhất là Rhinovirus. Điều trị kháng sinh với bệnh này là không hiệu quả bởi bệnh do virus gây ra.
Trẻ em là đối tượng dễ bị cảm lạnh nhất, bởi hệ thống miễn dịch của trẻ đang phát triển và hoàn thiện. Với trẻ có sức đề kháng khỏe, khi bị cảm lạnh sẽ có thể tự khỏi sau vài ngày. Những trẻ có sức đề kháng và hệ miễn dịch yếu thì ba mẹ cần điều trị cho trẻ kịp thời tránh để lại biến chứng.
Khi trẻ bị cảm lạnh thường xuất hiện một trong các dấu hiệu sau:
– Chảy nước mũi
– Hắt xì hơi liên tục
– Ngứa, đau họng hoặc ho
– Cơ thể khó chịu, mệt mỏi
– Sốt (có thể có)
– Chán ăn
2. Biến chứng có thể gặp phải khi bị cảm lạnh
Nếu phát hiện muộn hoặc chủ quan, trẻ bị cảm lạnh có thể gặp phải các biến chứng sau:
– Viêm họng: trẻ bị cảm lạnh có thể dẫn đến viêm họng với dấu hiệu như sưng họng, đau họng, vùng vòm họng xuất hiện nốt đỏ…
– Viêm phổi: là dạng biến chứng tương đối nguy hiểm với trẻ nhỏ. Nếu trẻ có triệu chứng như sốt cao, thở nhanh, ho nhiều,… thì nên đưa trẻ đến bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm.
– Viêm tai cấp tính: cũng là một trong những biến chứng thường gặp nếu trẻ không được điều trị đúng cách và kịp thời.
– Viêm xoang: trẻ bị cảm lạnh có thể dẫn tới viêm xoang khi bị tắc nghẽn xoang mũi dẫn đến nhiễm trùng, viêm xoang.
3. Khi trẻ bị cảm lạnh cần làm gì ngay?
3.1 Đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi
Khi bị cảm lạnh trẻ cần được nghỉ ngơi nhiều hơn để cơ thể có thời gian hồi phục. Nếu trẻ đang độ tuổi đi học, ba mẹ có thể cho bé nghỉ 1-2 hôm để tiện theo dõi và hạn chế lây sang các bạn.
3.2 Hạ sốt cho trẻ
Nếu trẻ sốt nhẹ (dưới 38,5 độ) ba mẹ nên chườm ấm cho trẻ tại các vị trí như trán, nách và bẹn. Ba mẹ cũng tránh chườm quá lâu vì có thể khiến trẻ khó chịu. Khi trẻ sốt cao hơn ba mẹ có thể dùng paracetamol với liều dùng phụ thuộc cân nặng của trẻ. Mỗi liều dùng cách nhau 4-6 giờ và không quá 5 lần trong 24 giờ. Đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi phải có chỉ định của bác sĩ.
Trường hợp trẻ sốt cao không dứt ba mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, tránh để sốt cao dẫn đến co giật.
3.3 Bổ sung nhiều nước cho trẻ
Bổ sung nhiều nước cho trẻ sẽ giúp cơ thể không bị mất nước và hỗ trợ hạ nhiệt nhanh hơn. Ba mẹ có thể cho trẻ uống Oresol bù nước trong trường hợp trẻ sốt cao nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ. Lưu ý ba mẹ không cho trẻ uống những đồ uống có ga, nước đá lạnh, nước trà xanh hoặc nước ngọt.
3.4 Vệ sinh mũi cho trẻ
Với trẻ nhỏ, khi bị tình trạng nghẹt mũi hoặc quá khó thở ba mẹ có thể vệ sinh mũi cho trẻ. Cách làm như sau: nhỏ 2 – 3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi của trẻ, để trong 1-2 phút. Sau đó, dùng dụng cụ hút mũi hút sạch mũi cho trẻ. Cuối cùng, ba mẹ có thể nhỏ thêm 1 lần nữa nước muối sinh lý nữa để sát khuẩn.
3.5 Không tắm cho trẻ quá lâu
Khi phát hiện trẻ bị cảm lạnh, ba mẹ không nên tắm và gội đầu cho trẻ quá lâu. Thay vào đó, chỉ nên lau qua hoặc tắm thật nhanh rồi lau khô cơ thể.
3.6 Cho trẻ ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc từ 8-12 tiếng mỗi đêm giúp cơ thể trẻ nhanh chóng hồi phục hơn.
Các biện pháp phòng ngừa cảm lạnh ở trẻ
Khi trẻ bị cảm lạnh cần làm gì để hạn chế tái phát? Ba mẹ có thể tham khảo ngay một số lưu ý dưới đây:
4.1 Giữ vệ sinh cho trẻ sạch sẽ
Ba mẹ hãy luôn nhắc nhở trẻ giữ vệ sinh bằng cách: rửa tay thường xuyên với xà phòng, che miệng khi hắt xì, ăn uống sạch sẽ… Điều này sẽ giúp trẻ phòng tránh được bệnh cảm lạnh và các bệnh về đường hô hấp khác.
4.2 Tránh xa những nơi đông người
Vào thời điểm giao mùa, khi các bệnh về đường hô hấp gia tăng ba mẹ tránh đưa trẻ đến những nơi quá đông người như: phố đi bộ, lễ hội,… Lý do bởi virus rất dễ lây lan từ người sang người ở những môi trường như vậy.
4.3 Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể trẻ
Đây là việc làm mà ba mẹ cần hết sức lưu ý, bởi phát hiện càng sớm càng dễ điều trị. Khi trẻ lạnh, ba mẹ cần mặc thêm áo cho trẻ hoặc tăng nhiệt độ phòng. Khi ngủ không nên mặc quần áo quá dày, khi ấy trẻ bị đổ mồ hôi trộm và dễ cảm lạnh hơn.
Ngoài ra, phụ huynh nên xem dự báo thời tiết trước để trang bị quần áo đầy đủ cho trẻ trước khi đến lớp.
4.4 Lưu ý thông gió và độ ẩm phòng ngủ của trẻ
Đây là việc tưởng chừng đơn giản nhưng rất nhiều phụ huynh bỏ qua. Độ ẩm phòng tốt nhất ở mức 60% và nên mở cửa phòng để thông khi sau mỗi 3 giờ. Ngoài ra ba mẹ nên cho trẻ ra ngoài vận động và hít thở không khí ngoài trời tự nhiên nhiều hơn. Điều này giúp trẻ vừa có thời gian vui vẻ bên gia đình, vừa tăng sức đề kháng và cải thiện hệ miễn dịch.
4.5 Chế độ ăn đủ dinh dưỡng
Chế độ ăn đủ dinh dưỡng giúp trẻ khỏe mạnh và có sức đề kháng chống lại mọi bệnh tật. Ba mẹ nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh, trái cây tự nhiên, thịt cá… Bên cạnh đó, bổ sung đầy đủ các nhóm chất như: vitamin C, vitamin A, vitamin D, Canxi…
5. Những câu hỏi thường gặp
5.1 Khi trẻ bị cảm lạnh có cần tới bệnh viện?
Nên đưa trẻ đi khám tại bệnh viện khi ba mẹ thấy tình trạng cảm lạnh của trẻ không thuyên giảm sau vài ngày. Đặc biệt khi xuất hiện các triệu chứng: sốt cao, nôn mửa, run rẩy, ho khan, các biểu hiện suy hô hấp…
Lưu ý, ba mẹ không nên chậm trễ và tự ý dùng thuốc cho trẻ khi không có chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
5.2 Thuốc trị cảm lạnh có an toàn cho trẻ không?
Thuốc trị cảm lạnh an toàn cho trẻ nhưng chỉ được sử dụng khi có chỉ dẫn và kê đơn của bác sĩ. Theo đó, FDA và các nhà sản xuất thuốc khuyên rằng phụ huynh không nên tự ý mua các loại thuốc sau:
– Thuốc ức chế ho (có dextromethorphan hoặc DM)
– Thuốc ho (có guaifenesin)
– Thuốc thông mũi (có pseudoephedrine và phenylephrine)
– Thuốc kháng histamine (như brompheniramine, chlorpheniramine maleate, diphenhydramine và các loại khác)
Ba mẹ cũng không nên quá lo lắng khi trẻ bị cảm lạnh cần làm gì ngay, hãy bình tĩnh thực hiện các bước phía trên và đưa bé đi khám để yên tâm hơn.
5.3 Trẻ có thể bị cảm lạnh bao nhiêu lần trong 1 năm?
Tùy theo lứa tuổi mà tần suất trẻ bị cảm lạnh là khác nhau. Cụ thể:
– Cảm lạnh thường bị nhiều nhất ở trẻ có độ tuổi mẫu giáo (3 – 6 tuổi) khoảng 12 lần/năm.
– Trẻ sơ sinh và trẻ mới tập đi có thể bị cảm lạnh từ 8 – 10 lần trong một năm cho đến khi được 2 tuổi.
– Thanh thiếu niên và người lớn thường bị cảm lạnh từ 2 – 4 lần/năm.
Cảm lạnh ở trẻ khi được phát hiện sớm thường không quá nguy hiểm. Vì vậy ba mẹ hãy yên tâm theo dõi và thực hiện đầy đủ các bước xử lý ở trên khi trẻ bị cảm lạnh. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ba mẹ có thêm những kinh nghiệm hữu ích trong hành trình nuôi con của mình.