Mắc trào ngược dạ dày trong thời gian dài, nhiều người trở nên quen với tình trạng này, nghĩ rằng đó là điều bình thường vì “ai mà chẳng bị trào ngược”. Thế nhưng, trào ngược dạ dày lâu năm nguy hiểm hơn rất nhiều, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và có nguy cơ biến chứng cao.
Menu xem nhanh:
1. Các cấp độ trở nặng của bệnh trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày thực quản, còn được biết đến là trào ngược axit dạ dày, xảy ra khi thức ăn và dịch vị dạ dày có xu hướng trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Bệnh tiến triển qua 5 cấp độ và mức độ nguy hiểm tăng dần.
1.1. Trào ngược cấp độ 0
Ở cấp độ 0, tần suất trào ngược axit dạ dày rất ít, chưa tác động nhiều đến thực quản và không gây viêm. Người bệnh có thể gặp một số triệu chứng không thường xuyên như ợ hơi, ợ nóng. Vì mức độ nhẹ nên thường bị nhầm lẫn với hiện tượng sinh lý tự nhiên.
1.2. Trào ngược cấp độ A
Ở cấp độ A, trào ngược mới khởi phát, niêm mạc thực quản bắt đầu có dấu hiệu tổn thương nhưng vẫn còn nhẹ. Khoảng 90% người bệnh phát hiện trào ngược ở giai đoạn này với các biểu hiện ợ chua, nghẹn, nóng rát sau xương ức. Việc điều trị ở giai đoạn này không quá khó khăn, chỉ cần dùng thuốc theo chỉ định, kết hợp chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt lành mạnh. Nếu không điều trị hoặc điều trị sai cách, bệnh sẽ trở nặng hơn, triệu chứng nghiêm trọng và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống.
1.3. Trào ngược cấp độ B
Ở cấp độ B, bệnh bắt đầu trở nặng, xuất hiện viêm nhiễm và các vết trợt trên niêm mạc chiều dài trên 5mm. Các vết trợt này có thể gần nhau hoặc rải rác ở niêm mạc dạ dày và thực quản. Ở giai đoạn này, người bệnh có biểu hiện đau khi nuốt, khó nuốt, luôn cảm thấy vướng nghẹn khi ăn. Nếu không điều trị, cảm giác khó nuốt sẽ tăng dần vì niêm mạc thực quản bị phù nề, kể cả khi lành cũng để lại sẹo và gây hẹp thực quản, làm cảm giác khó nuốt, đau rát càng tăng lên, kể cả khi ăn thức ăn mềm.
1.4. Trào ngược cấp độ C
Ở cấp độ C, trào ngược dạ dày đã trở nên nguy hiểm và gây ra Barrett thực quản. Các vết trợt trên niêm mạc dạ dày và thực quản tập trung thành các ổ loét lớn. Người bệnh bị Barrett thực quản thường có biểu hiện như ợ nóng, ợ hơi, khó nuốt, nóng rát vùng bụng, buồn nôn, nôn ra máu, đau tức ngực, đi ngoài phân đen. Đây là giai đoạn nguy hiểm cần được thăm khám và điều trị kịp thời.
1.5. Trào ngược cấp độ D
Đây là mức độ nghiêm trọng nhất của trào ngược dạ dày. Tại cấp độ này, Barrett thực quản chuyển thành nhiều vết sẹo và loét sâu kèm với mức độ tổn thương rộng lớn. Người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng như ợ nóng, ợ chua, buồn nôn và nôn liên tục. Những biểu hiện này khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi và uể oải. Nguy cơ ung thư thực quản tại giai đoạn này rất cao. Cần thực hiện các xét nghiệm mô tế bào để có kết luận chính xác về các biến chứng.
2. Biến chứng trào ngược dạ dày kéo dài
Sống chung với trào ngược dạ dày thực quản trong nhiều năm không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mà còn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
2.1. Viêm và loét thực quản
Viêm loét thực quản là biến chứng phổ biến nhất. Khi trào ngược xảy ra liên tục, axit dạ dày sẽ ăn mòn niêm mạc thực quản, gây ra viêm loét. Khi bị viêm loét thực quản, bệnh nhân cần điều trị sớm để tránh tình trạng bệnh nặng thêm.
2.2. Hẹp thực quản do trào ngược dạ dày kéo dài
Biến chứng này xảy ra khi tình trạng viêm loét ở thực quản không được giải quyết đúng cách, dẫn đến việc hình thành các vết trợt loét. Kết quả là khó nuốt, đau rát ở cổ ngay cả khi ăn thức ăn mềm. Các vết loét sẽ phát triển thành mô sẹo, tích tụ ngày càng nhiều làm thực quản hẹp lại. Biến chứng này ảnh hưởng lớn đến việc ăn uống, gây khó nuốt và cảm giác vướng nghẹn ở cổ và đau ngực.
2.3. Các vấn đề về hô hấp
Khi dịch axit dạ dày trào ngược lên đường hô hấp, nó có thể gây viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phổi và viêm phế quản. Lúc này, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng như ho, chảy nước mũi, khò khè ở cổ và khàn giọng.
2.4. Barrett thực quản do trào ngược dạ dày lâu năm
Barrett thực quản, hay còn gọi là tiền ung thư thực quản, cho thấy mức độ nghiêm trọng của biến chứng. Biến chứng này xảy ra khi axit trào ngược làm biến đổi các tế bào trong mô lót thực quản, khiến chúng dày và đỏ lên, làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản. Barrett thực quản được phát hiện qua nội soi dạ dày và sinh thiết mô bệnh học.
2.5. Ung thư thực quản
Biến chứng nguy hiểm nhất của trào ngược và gặp nhiều hơn ở người lớn tuổi (thường trên 50 tuổi). Biến chứng ung thư thường khó nhận biết vì triệu chứng mờ nhạt, chỉ khi xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như chảy máu thực quản, đau họng, đau sau xương ức, sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân, bệnh mới được phát hiện ở giai đoạn nặng, gây nguy hiểm tính mạng.
3. Phương pháp chẩn đoán trào ngược dạ dày lâu năm
Chẩn đoán trào ngược dạ dày lâu năm (GERD – Gastroesophageal Reflux Disease) cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để xác định chính xác mức độ và nguyên nhân gây bệnh. Dưới đây là các phương pháp chẩn đoán quan trọng:
3.1. Nội soi dạ dày – thực quản chẩn đoán trào ngược dạ dày lâu năm
Sử dụng một ống mềm có gắn camera ở đầu (nội soi) để quan sát trực tiếp niêm mạc dạ dày và thực quản giúp phát hiện tổn thương niêm mạc thực quản và dạ dày, viêm loét, Barrett thực quản (biến đổi tiền ung thư)
3.2. Chụp X-quang với barium
Bệnh nhân uống một dung dịch chứa barium trước khi chụp X-quang. Barium giúp làm rõ hình ảnh của thực quản, dạ dày và ruột non trên phim X-quang. Phát hiện hẹp, khối u, loét, và các bất thường khác của đường tiêu hóa.
3.3. Đo pH thực quản 24 giờ chẩn đoán trào ngược dạ dày lâu năm
Phương pháp này đo lượng axit trào ngược từ dạ dày lên thực quản trong 24 giờ bằng cách sử dụng một ống mỏng được đặt qua mũi vào thực quản. Đánh giá chính xác mức độ trào ngược axit và mối liên hệ với các triệu chứng lâm sàng.
3.4. Đo áp lực và nhu động thực quản (HRM – High Resolution Manometry)
Đo áp lực và nhu động thực quản để đánh giá chức năng của cơ vòng thực quản dưới (LES) và nhu động thực quản. Phương pháp này giúp đánh giá chức năng cơ vòng thực quản dưới và khả năng co bóp của thực quản, phát hiện các rối loạn nhu động thực quản.
4. Lời khuyên của bác sĩ khi điều trị trào ngược dạ dày
Các chuyên gia khuyến cáo rằng trào ngược dạ dày thực quản tưởng chừng là bệnh lý đơn giản nhưng thực tế điều trị rất khó khăn và bệnh có tỷ lệ tái phát cao. Việc điều trị cần tuân thủ đúng các nguyên tắc sau:
– Điều trị ngay từ giai đoạn sớm là tốt nhất. Không bỏ mặc bệnh, không trì hoãn điều trị, không dừng lại ở điều trị triệu chứng.
– Tiến hành thăm khám sớm và thực hiện các chỉ định về thuốc điều trị. Uống đúng thuốc, tuân chỉ đúng phác đồ mà bác sĩ đề ra.
– Kết hợp chế độ ăn lành mạnh, ăn uống khoa học, không thức khuya và kiểm soát căng thẳng.
– Nội soi dạ dày định kỳ theo khuyến cáo để tầm soát tốt các bệnh lý tiêu hóa, kể cả ung thư.
Trào ngược dạ dày lâu năm nên được điều trị tốt để tránh các biến chứng về sau và giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống. Khi thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường nghi ngờ trào ngược, người bệnh nên chủ động thăm khám sớm để được điều trị đúng phác đồ, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.