Trào ngược dạ dày đắng miệng gây ra nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Bài viết cùng bạn tìm hiểu triệu chứng này cũng như gợi ý một số cách để hạn chế và khắc phục.
Menu xem nhanh:
1. Trào ngược dạ dày thực quản gây ra đắng miệng
1.1. Các biểu hiện thường gặp của trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Trào ngược dạ dày thực quản thường biểu hiện qua một số triệu chứng đa dạng và đặc trưng. Người mắc có thể trải qua cảm giác nóng rát ở vùng ngực, hay còn gọi là ợ nóng, thường xuất hiện sau khi ăn hoặc vào ban đêm. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng ợ chua, với vị chua hoặc đắng từ dạ dày trào ngược lên miệng.
Triệu chứng này có thể đi kèm với đau họng, ho khan kéo dài, hoặc khàn tiếng do axit làm tổn thương niêm mạc họng. Một số người còn cảm thấy khó nuốt, cảm giác như có cục nghẹn ở cổ họng, hoặc buồn nôn. Trong trường hợp nặng, trào ngược dạ dày có thể dẫn đến viêm thực quản, gây ra đau ngực giống như triệu chứng của bệnh tim mạch.
![Trào ngược dạ dày đắng miệng gây ra nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh](https://cdn.benhvienthucuc.vn/wp-content/uploads/2025/01/trao-nguoc-da-day-dang-mieng-2.jpg)
Trào ngược dạ dày gây ra nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh
1.2. Trào ngược dạ dày đắng miệng do đâu?
Trào ngược dạ dày đắng miệng là một trong các biểu hiện đặc trưng của bệnh lý GERD. Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng trào ngược dạ dày dẫn đến cảm giác đắng miệng là do sự hiện diện của dịch mật trong dạ dày. Dịch mật là một loại chất lỏng tiêu hóa quan trọng, giúp cơ thể phân giải chất béo và hấp thụ các vitamin tan trong dầu một cách hiệu quả. Dịch mật được gan sản xuất và lưu trữ trong túi mật, sau đó được sử dụng để hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn ở ruột non. Tuy nhiên, khi van môn vị không hoạt động bình thường hoặc hệ tiêu hóa gặp rối loạn, dịch mật có thể chảy vào dạ dày và trào ngược lên cổ họng, gây ra cảm giác đắng trong miệng.
1.3. Trào ngược dạ dày đắng miệng biểu hiện như thế nào?
Trào ngược dạ dày gây vị đắng miệng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong ngày, đặc biệt là vào buổi tối hoặc sáng sớm. Những triệu chứng thường gặp của tình trạng này bao gồm: Cảm giác đắng ở cổ họng, khó nuốt, cảm thấy vướng ở cổ họng, buồn nôn, thậm chí nôn. Ngoài ra hơi thở có mùi hôi kèm theo cảm giác chán ăn, mất khẩu vị
Đắng miệng không phải là một bệnh lý riêng biệt, mà là dấu hiệu cảnh báo cơ thể có thể đang gặp một số bệnh lý khác như viêm lợi, viêm tuyến nước bọt, suy giảm chức năng gan, trào ngược dạ dày, trào ngược dịch mật,…
Nếu bạn thường xuyên cảm thấy đắng miệng kèm theo các triệu chứng khác như ợ chua, ợ nóng, buồn nôn, nôn, khó nuốt và nóng rát dạ dày, rất có thể bạn đã bị trào ngược dạ dày. Trong trường hợp này, bạn nên đi khám để được chẩn đoán chính xác và nhận phương pháp điều trị thích hợp.
![Trào ngược dạ dày đắng miệng có thể đi kèm một số biểu hiện khác như nuốt vướng, ợ chua,..](https://cdn.benhvienthucuc.vn/wp-content/uploads/2025/01/trao-nguoc-da-day-dang-mieng-e1737629903898.jpg)
Trào ngược đắng miệng có thể đi kèm một số biểu hiện khác như nuốt vướng, ợ chua,..
2. Cách khắc phục và đẩy lùi tình trạng trào ngược dạ dày gây đắng miệng
Tình trạng trào ngược dạ dày khiến miệng bị đắng thường xuyên, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, người bệnh sẽ mất cảm giác ngon miệng, dẫn đến chán ăn và suy giảm sức khỏe. Để khắc phục tình trạng này, người bệnh có thể tham khảo và áp dụng các biện pháp sau đây:
2.1. Thăm khám để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh
Thăm khám và chẩn đoán tình trạng trào ngược dạ dày có thể được thực hiện qua nhiều phương pháp khác nhau. Bác sĩ thường sẽ tiến hành khám lâm sàng và thu thập thông tin về triệu chứng, tiền sử bệnh lý.
Tiếp theo, các phương pháp chẩn đoán cụ thể có thể được áp dụng:
– Nội soi dạ dày-thực quản để quan sát trực tiếp niêm mạc và phát hiện tổn thương, viêm nhiễm.
– Xét nghiệm đo pH thực quản trong 24 giờ giúp xác định mức độ, tần suất, tính chất cơn trào ngược. Đây được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán và đánh giá GERD.
– Ngoài ra, phương pháp đo áp lực và nhu động thực quản (HRM) cũng có thể được sử dụng để đánh giá chức năng của cơ thắt thực quản dưới.
![Thăm khám để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả](https://cdn.benhvienthucuc.vn/wp-content/uploads/2025/01/trao-nguoc-da-day-dang-mieng-3-e1737629969164.jpg)
Thăm khám để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả
Các phương pháp trên sẽ được chỉ định riêng lẻ/kết hợp sẽ tùy theo tình trạng bệnh nhân, giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác và phương án điều trị phù hợp.
2.2. Cân đối chế độ ăn, sinh hoạt khoa học và lành mạnh
Để giảm bớt tình trạng đắng miệng do trào ngược dạ dày, người bệnh cần thay đổi các thói quen xấu và tuân thủ các nguyên tắc sau:
– Ăn uống đúng giờ, tuyệt đối không được bỏ bữa, nhịn ăn,..
– Cân đối giữa công việc và thời gian nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức và gây căng thẳng.
– Tránh stress, luôn giữ tinh thần thoải mái và lạc quan.
– Không nằm ngay sau khi ăn, đặc biệt là khi ăn no.
– Mặc quần áo rộng rãi và thoải mái, tránh mặc quần áo quá chật, đặc biệt là ở bụng.
– Khi ngủ, nên kê cao đầu từ 12 – 15cm để hạn chế trào ngược vào ban đêm.
– Tránh uống rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích, ngoài ra nên tập thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày.
– Cần lên một chế độ ăn khoa học, đầy đủ dinh dưỡng và tuân thủ nghiêm túc- Thực hiện thói quen ăn chậm, nhai kỹ, không ăn quá no và không để bụng đói.
– Tăng cường bổ sung các nhóm thực phẩm tốt cho sức khỏe và mang tính kiềm.
– Tránh sử dụng thực phẩm gây tăng tiết acid dạ dày.
2.3. Chăm sóc răng miệng là cách để đẩy lùi đắng miệng do trào ngược
Thói quen chăm sóc răng miệng kỹ lưỡng sẽ giúp loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn và các chất dư thừa trong miệng, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến răng miệng. Việc vệ sinh răng miệng đều đặn cũng giúp giảm cảm giác đắng trong miệng. Để giảm thiểu tối đa tình trạng đắng miệng do trào ngược, bạn nên chải răng cẩn thận trong khoảng 2 – 3 phút, giúp loại bỏ vi khuẩn, thức ăn còn sót lại và mảng bám một cách hiệu quả.
2.4. Hạn chế trào ngược đắng miệng bằng cách nhai kẹo cao su không đường
Việc nhai kẹo cao su không đường giúp tăng tiết nước bọt trong khoang miệng, làm loãng vị đắng. Tuy nhiên, không nên nhai quá lâu vì khi kẹo cao su mất vị ngọt sẽ trở nên đắng, khiến cảm giác đắng trong miệng nặng hơn. Thêm vào đó, nhai quá nhiều có thể gây mỏi hàm, ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống sau này.
2.5. Uống nhiều nước
Để giảm cảm giác đắng miệng do trào ngược gây ra, bạn cần uống nước đều đặn. Hãy nhấp từng ngụm nhỏ thay vì uống quá nhiều nước cùng một lúc. Thêm vào đó, bạn có thể kết hợp sử dụng nước ép từ rau và các loại trái cây tươi thích hợp với tình trạng bệnh.
Trên đây là những thông tin về tình trạng trào ngược dạ dày đắng miệng. Mong rằng những kiến thức này sẽ hỗ trợ các bạn trong việc xử lý triệt để bệnh. Ngoài ra, phương án tốt nhất là bạn nên đi khám để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và từ đó có được phương pháp điều trị thích hợp nhất.